Giữ nếp làng giữa phố

Làng trong đô thị có còn tồn tại không, và nên "sống" theo cách nào? Khi tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, thì việc gìn giữ những nếp làng cổ đã tồn tại nhiều trăm năm dường như là câu chuyện đang bị bỏ lửng, với những trăn trở lặng thầm...
0:00 / 0:00
0:00
Nha Xá (thị xã Duy Tiên-Hà Nam) giữ gìn không gian làng.
Nha Xá (thị xã Duy Tiên-Hà Nam) giữ gìn không gian làng.

Khi xã lên phường

Cữ giữa xuân, về các phường Mộc Nam, Mộc Bắc, Chuyên Ngoại, Châu Giang… của thị xã Duy Tiên (Hà Nam), mắt chợt dịu lại khi thấy tràn ngập không gian là những đầm sen đang trổ xanh, chờ nắng đầu hạ tỏa rạng là thi nhau khoe sắc. Người dân, chính quyền địa phương không giấu niềm tự hào, bởi nơi đây là "thủ phủ" hoa sen của miền bắc, tạo cảnh sắc tuyệt diệu cho thị xã mới được thành lập. Nha Xá là làng dệt cổ của phường Mộc Nam, đến nay còn giữ được nhiều biệt thự rêu phong, con người chân chất, mộc mạc chọn cho mình lối sống cộng sinh với thiên nhiên. Lão nông Nguyễn Bá Thuyết, thôn Nha Xá, chỉ tay ra phía đầm, tự hào: "Quê tôi vẫn còn giữ được "báu vật", là nét đẹp thuần chất của vùng đất ven sông Hồng, có làng cổ với đầm sen, kênh xanh, các cây cầu tre nhỏ xinh xinh, dù mảnh đất này đã lên phường".

Len lỏi vào những con ngõ bên cạnh đầm sen, người dân cũng trồng hoa, làm tường rào bằng cây râm bụt. Những hàng nhãn lâu năm vững chãi vươn lên trời xanh. Và hơn thế, họ cũng giữ được "máy điều hòa tự nhiên", là những chiếc ao xinh xắn trước nhà. Phường Châu Giang (cạnh phường Mộc Nam) khá đông dân, nhưng mọi người luôn ý thức về trách nhiệm giữ môi trường trong lành. Ông Nguyễn Văn Thất, Chủ tịch UBND phường Châu Giang, cho hay: "Người dân phường được động viên giữ gìn nếp làng, không gian cổ kính, bảo vệ môi trường, không đánh bắt động vật hoang dã. Đó là cách làm cho cuộc sống thường nhật xanh hơn, con người thư thái và cũng giữ gìn cái gốc, cái vốn cho mai sau nữa".

Theo tìm hiểu, trong Quy hoạch chung thị xã Duy Tiên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có xác định mục tiêu: Cải tạo, nâng cao môi trường sống, cảnh quan chung toàn thị xã, đặc biệt quan tâm chiến lược làm "sống lại" sông Châu, sông Nhuệ và sông Duy Tiên, khơi thông dòng chảy kết nối sông Hồng và sông Đáy… góp phần phát triển kinh tế-xã hội xanh, bền vững. Trong thiết kế đô thị, Quy hoạch xác định phải giữ không gian làng truyền thống, bảo vệ diện tích mặt nước, hệ thống cây xanh ven sông.

Trước đó, từ năm 2016 các kế hoạch, chỉ thị bảo vệ môi trường của địa phương cũng đã đưa ra nhiều phương án bảo vệ hệ thống đầm, ao hồ, làng cổ trên địa bàn Duy Tiên. Nơi thì được thả súng cấy sen, nơi cải tạo thành ao hồ sạch, làm chỗ dạy bơi cho con trẻ. Trên bờ lại đặt ghế đá cho cư dân ngồi hóng mát, trò chuyện lúc nông nhàn. Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên Ngô Văn Liên, chia sẻ: Chúng tôi đưa ra các giải pháp cụ thể, nâng cao nhận thức trong nhân dân về bảo vệ môi trường, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ môi trường, từ cán bộ quản lý đến cán bộ cơ sở. Bởi môi trường là một trong những vấn đề cốt lõi của phát triển đô thị xanh và bền vững.

Giữ nếp làng giữa phố ảnh 1
Một di tích bị "chen lấn" ở Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Sự khuyết thiếu của "hệ sinh thái Hà Nội"

Tại đô thị có nhiều làng cổ nhất, là Hà Nội, làng hoa Ngọc Hà- cái tên đã đi vào thơ, vào nhạc, vào tâm hồn của nhiều thế hệ người Việt, đã gần như bị "xóa dấu vết". Rồi các làng Giảng Võ, Ngọc Khánh, Hào Nam, Kim Liên, Xuân Đỉnh, Định Công, Phú Đô, Đình Thôn… cũng không còn giữ được những nét đẹp cổ kính. Không gian làng cổ đều đã phải nhường chỗ cho các công trình xây dựng, nhà cửa san sát. KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, Thủ đô Hà Nội đang phát triển quá nóng. Làng Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1) là một thí dụ điển hình nhất về sự thất bại của quy hoạch, khi ngôi làng từng rất đẹp đã bị chẻ đôi, phá vỡ kết cấu bởi một tuyến đường chạy thẳng qua tim. "Làng cổ đâu có tội gì mà phải co cụm, rồi biến mất khỏi cuộc sống hiện đại? Làm tốt thì, làng vẫn có thể hiện diện, thành làng trong phố. Chính những ngôi làng cổ, làng ven đô sẽ dự phần vào hệ sinh thái của Hà Nội, tôn bồi nhau, giúp thành phố trở nên có nhiều cấu phần, chứa đựng một kho tàng văn hóa, nêu cao những giá trị truyền thống lâu đời, chứ không chỉ sở hữu những tòa cao ốc", KTS Trần Huy Ánh xót xa.

Năm 2013, Chính phủ có Quyết định số 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập hai quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm với 23 phường. Theo đó, xã Xuân Đỉnh được tách ra để thành lập phường Xuân Tảo và phường Xuân Đỉnh (thuộc quận Bắc Từ Liêm). "Vùng lõi" làng Xuân Đỉnh vẫn thuộc phường Xuân Đỉnh ngày nay. Bắc Từ Liêm là một trong những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất. Từ đầu phố Xuân Đỉnh đã ngờm ngợp người, xe, biển quảng cáo, rao vặt, hàng quán. Đi sâu hơn vào các con ngõ của các thôn Cáo Đỉnh 1, Cáo Đỉnh 2, Nhang, Trung, Lộc… những khu vườn vốn trồng giống hồng xiêm nức tiếng, nay đã biến thành nhà cao tầng, nhà cho thuê trọ. Nhiều di tích biến mất hoặc trở thành phế tích trong sự khắc nghiệt của thời gian và mưa nắng. Đặc biệt, đền Thanh Vân nổi tiếng, nằm ở số 403 Xuân Đỉnh bị che khuất bởi công trình nhà dân sáu tầng, chung quanh là lô xô khách sạn và nhiều nhà dân. Ông Dương Văn Tân, cán bộ văn hóa-thông tin phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: "Tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Đứng ở trụ sở phường nhìn ra chung quanh, chúng tôi chỉ thấy toàn nhà cao tầng".

Điều đáng nói, trong quá trình tiếp nhận điều kiện sinh sống mới, chỉ một bộ phận dân làng thành công trong việc chuyển đổi nghề nghiệp với thu nhập cao hơn hoặc tương đương trước đây. Số còn lại thu nhập giảm sút và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống "hậu nông nghiệp". Bà Dương Thu Ngân, hiện giữ ngôi nhà cổ 200 năm tuổi ở Xuân Đỉnh và cùng người anh giữ 10 cây hồng xiêm cổ có chiều cao bằng nhà ba tầng, cho biết: "Gia đình chúng tôi quyết giữ nhà cổ, giữ vườn, giữ hồng xiêm. Nếu phá bỏ hồng xiêm, xây nhà trọ thì chắc gì đời sống khá hơn. Ngược lại rất ồn ào và phát sinh nhiều thứ khác. Như nhiều nhà có cả chục phòng trọ, họ chưa chắc đã được sống sung sướng một cách thật sự".

Hiện Hà Nội chỉ có làng cổ Ðường Lâm được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, còn lại hơn 60 làng được đề xuất đưa vào danh mục nghiên cứu lựa chọn công nhận là làng cổ, trong đó có những làng nổi tiếng như làng Ðông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), làng Cự Ðà (huyện Thanh Oai), làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm)… Tất cả các ngôi làng này đều đang phải chịu nhiều áp lực về sự phát triển dân số, cơ cấu dân cư, kinh tế... Bởi vậy, cấu trúc không gian làng truyền thống bị phá vỡ từng ngày, làm cho quỹ di sản văn hóa Hà Nội bị vơi cạn. Theo nhiều chuyên gia văn hóa, tốc độ biến dạng, thay đổi, mất mát của các làng cổ trên địa bàn Hà Nội đặc biệt nhanh chóng trong khoảng 12 năm gần đây. Ông Nguyễn Ngọc Long, người gìn giữ ngôi nhà hơn 200 năm tuổi ở Cự Đà, chia sẻ: "Gia đình chúng tôi giữ nhà cũng là để giữ ký ức. Nhiều nhà đã phá đi, xây nhà hiện đại cao mấy tầng. Cũng bởi tư duy người trẻ bây giờ khác xưa rồi. Vả lại, dân số tăng mà đất đai không sinh nở, thì chủ nhà buộc phải phá dỡ nhà cổ thôi".

Trước vấn đề này, KTS Ngô Doãn Đức (Hội KTS Việt Nam) bày tỏ niềm tiếc nuối: Theo thời gian, quá trình đô thị hóa, làng lên phố là tất yếu. Bởi thế, các cơ quan chức năng cần giữ những nét làng và tìm hiểu xây dựng những mô hình làng trong phố để gìn giữ những nét đẹp của làng, chứ không nhất thiết cứ phải chia thành các tổ dân phố. Còn PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hóa), người có nhiều năm nghiên cứu về sự biến đổi làng ven đô, nêu quan điểm: Trong quá trình đô thị hóa có những thách thức, đánh đổi. Chính quyền và người dân phải nhận rõ những điều đó để có giải pháp hạn chế, ngăn ngừa, đặc biệt cần giữ được sự cân bằng trong phát triển đô thị. Đồng quan điểm ấy, KTS Doãn Minh Khôi, chỉ ra thêm: Trong quá trình biến đổi không gian làng ven đô, cần tạo nên một cấu trúc hình thái không gian đặc trưng, được xuất phát từ đặc điểm của làng, trong đó tôn trọng phần lõi văn hóa và phần nghề truyền thống trong hoạt động sản xuất của người dân.