Gìn giữ nghệ thuật vẽ vải rogan Ấn Độ

Xuất hiện từ 400 năm trước, loại hình nghệ thuật vẽ trên vải rogan được làm độc quyền tại vùng Kutch của quận Gujarat, Ấn Độ. Cái tên rogan được đặt theo dầu thầu dầu - nguyên liệu chính trong mầu vẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Khatri Abdul Gafur đang sáng tạo các họa tiết. Ảnh: MEDIA INDIA GROUP
Nghệ nhân Khatri Abdul Gafur đang sáng tạo các họa tiết. Ảnh: MEDIA INDIA GROUP

Ông Khatri Abdul Gafur sống tại làng Nirona, quận Kutch, bang Gujarat là một nghệ nhân rogan lành nghề với hơn 40 năm kinh nghiệm. Đến nay, gia đình ông đã giành được bốn giải thưởng cấp quốc gia, ba bằng khen và bảy giải thưởng cấp bang vì những đóng góp cho loại hình nghệ thuật tinh tế này. Nghệ nhân 57 tuổi cho biết, để làm ra một sản phẩm nghệ thuật cần có sự cống hiến, kiên trì và tập trung cao độ. Ông cùng chín thành viên khác trong gia đình đã lưu truyền nghệ thuật rogan qua tám thế hệ. Riêng tại Nirona, chỉ có bốn gia đình còn theo đuổi loại hình nghệ thuật từng được phổ biến rộng rãi này. Những yêu cầu khắt khe và thu nhập thấp đã ngăn bước các nghệ nhân toàn tâm toàn ý theo đuổi nghề.

Theo Outlook Traveller, vẽ vải rogan được cho là bắt nguồn từ Ba Tư (Iran hiện nay) trước khi du nhập vào Ấn Độ và trở thành loại hình trang trí trang phục độc quyền tại vùng Kutch. Để tạo nên một bức họa trên vải hoàn chỉnh, trong hai ngày đầu, dầu được chiết xuất từ hạt thầu dầu và đun trong vòng 12 - 14 tiếng. Sau khi đun, dầu thầu dầu được trộn với nước lạnh, được cô đặc lại và trộn với các loại sơn và nước để làm thành một hỗn hợp mầu dính. Hỗn hợp được cuộn trong lòng bàn tay của nghệ nhân bằng kalam - một que sắt dài khoảng 15 cm. Hơi ấm từ lòng bàn tay làm dịu lớp sơn đặc dùng để vẽ viền ngoài của các họa tiết, chủ yếu là những hình kỷ hà với những mô-típ quen thuộc, lấy cảm hứng từ tự nhiên. Các họa tiết được vẽ hoàn toàn bằng tay. Vì vậy, nghệ nhân cần đặc biệt khéo léo và tỉ mỉ trong công đoạn vẽ những họa tiết nhỏ.

Những tấm vải nghệ thuật rogan thường mô tả đời sống thường nhật của làng quê với hình ảnh gia súc, cây cối, hay chim chóc, với tông mầu chủ đạo là đỏ, trắng, xanh dương, xanh lá cây và vàng. Người Khatri thường vẽ trên vải tối mầu để làm nổi bật mầu sắc và hoa văn tươi sáng. Theo truyền thống, tranh rogan được sử dụng để trang trí ghagra-cholis (một loại trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ), túi xách, ga trải giường, hay khăn trải bàn.

Vào những năm 1980, các sản phẩm dệt may bằng máy, với giá thành rẻ và tốc độ sản xuất nhanh chóng, bắt đầu chiếm lĩnh thị trường, dẫn tới việc các nghệ nhân rogan từ bỏ nghề, tìm kiếm việc làm tại các thành phố khác. Ông Gafur không phải ngoại lệ. Nhưng sau một thời gian làm việc tại Mumbai, nhận thức được tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật đang mai một này, ông quyết định trở về quê nhà và trong vài thập kỷ, ông đã kế thừa, phát huy di sản của gia đình trong khi vẫn vật lộn với sinh kế.

Đầu thế kỷ 21 đánh dấu sự hồi sinh của tranh nghệ thuật rogan khi các tổ chức phi chính phủ bắt đầu hỗ trợ các nghệ nhân bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mở rộng sức ảnh hưởng và giúp nhiều nghệ nhân đạt giải thưởng cấp quốc gia. Các phương tiện truyền thông cũng góp phần lan tỏa giá trị của tranh vải rogan, thu hút khách du lịch, vốn là nguồn thu nhập chính của các nghệ nhân rogan.

Ông Gafur cùng nhiều nghệ nhân khác đã được tạo điều kiện tổ chức các hội thảo, triển lãm. Từ năm 2010 đến nay, gia đình ông đã đào tạo hơn 300 phụ nữ thực hành nghệ thuật rogan, 20 trong số đó hiện làm việc cho xưởng của gia đình ông.

Tác phẩm của ông Gafur được trao tặng cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2014. Năm 2022, một chiếc hộp gỗ được chạm khắc rogan cũng được chọn làm quà tặng cho Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và một bức tranh rogan được chọn làm quà tặng cho Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe.

Thời gian qua, gia đình ông Gafur đã mở rộng thiết kế trên khẩu trang hay phụ kiện trang trí nhà cửa. Nỗ lực không ngừng của ông cùng các nghệ nhân rogan đang góp phần lưu giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống tinh xảo này.