Giải quyết thách thức theo cách sáng tạo, hiệu quả

Kinh doanh tạo tác động xã hội, mang đến những lợi ích, đóng góp nhân văn cho chiến lược phát triển bền vững chung của doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung là xu hướng tất yếu trong bối cảnh sau đại dịch và thời đại số.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm của Kym Việt (do người khuyết tật tạo ra) gây ấn tượng tại Nhật Bản.
Sản phẩm của Kym Việt (do người khuyết tật tạo ra) gây ấn tượng tại Nhật Bản.

Khi gắn kết yếu tố đa dạng, hòa nhập, bao trùm vào hoạt động lập chiến lược, vận hành doanh nghiệp, cụ thể như việc các doanh nghiệp đặt con người vào trọng tâm của mọi chiến lược và hoạt động sản xuất, kinh doanh, với môi trường và thành phần lao động đa dạng sẽ mang lại khả năng sáng tạo tốt hơn, bắt kịp xu hướng nhu cầu và thói quen tiêu dùng mới trên thị trường nhanh chóng hơn.

Đẩy mạnh việc lồng ghép yếu tố đa dạng, hòa nhập và bao trùm vào trong văn hóa doanh nghiệp, thông qua đó giảm ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm yếm thế như phụ nữ, người đồng bào thiểu số, hoặc người khuyết tật, gia tăng lợi ích hài hòa cho người lao động là lựa chọn được khuyến nghị đến cộng đồng doanh nghiệp. Thương hiệu TokyoLife đã tạo nên được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng khi mở ra cửa hàng tiêu dùng và thời trang với bộ máy nhân viên hầu hết là người khuyết tật. Cửa hàng trên một khu phố nhộn nhịp của Hà Nội được gọi tên là Ngôi nhà thiên thần được vận hành bởi 16 trong tổng số 18 nhân viên là người khiếm thính. Trải nghiệm trong cửa hàng được thiết kế lại, với sự hỗ trợ từ các công cụ giao tiếp công nghệ số đến các trang thiết bị, ấn phẩm hướng dẫn, để tạo điều kiện tối ưu cho khách hàng và nhân viên.

Là một chuyên gia uy tín về truyền thông và marketing, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn LeBros đánh giá cao mô hình "không chỉ tặng cần câu mà còn tạo ra hồ câu vui vẻ để người khuyết tật có thể tự mình câu cá" và hiệu ứng mà doanh nghiệp mang đến cho xã hội, cho cộng đồng. Từ một cửa hàng nhỏ, TokyoLife hoàn thiện quy trình như tùy chỉnh các công đoạn để phù hợp hơn cho mỗi thể trạng người khuyết tật và xây dựng bộ phận "Chăm sóc thiên thần" với nhiệm vụ thiết kế những trải nghiệm tốt nhất cho người khuyết tật và làm cầu nối giữa người khuyết tật và các cán bộ, nhân viên khác trong toàn hệ thống.

"Hãy thử tưởng tượng thêm, nếu như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có ngày càng nhiều hơn những doanh nghiệp lựa chọn xây dựng văn hóa đa dạng, bao trùm như cách mà TokyoLife và nhiều doanh nghiệp xã hội khác đã lựa chọn thì sẽ tạo ra hiệu ứng tốt như thế nào trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Tôi tin, nhờ đó doanh nghiệp có thể thu hút nhiều nguồn lực đầu tư và có thể tự tin hơn trong việc thâm nhập và hoạt động tại thị trường nước ngoài", ông Lê Quốc Vinh gợi ý.

Rõ ràng, kinh tế bao trùm luôn đòi hỏi nỗ lực, tầm nhìn kinh doanh dài hạn và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một câu chuyện sống động khác được ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Greenfeed Việt Nam, chia sẻ.

Tại Greenfeed, phát triển bền vững được xác định là nhiệm vụ chiến lược của Tập đoàn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, thông qua việc không ngừng hoàn thiện chuỗi thực phẩm 3F Plus (FEED - FARM - FOOD), doanh nghiệp này mang đến giá trị từ mô hình này đến với khách hàng, đối tác và cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em. "Từ thành công của các chương trình như Tiếp sức nhà nông, Bữa ăn trọn vẹn, Greenfeed cam kết sẽ triển khai nhiều sáng kiến hơn nữa để xây dựng một hệ sinh thái thịnh vượng, đa dạng, bền vững, nơi mỗi thành quả của doanh nghiệp sẽ tạo tác động tích cực và chia sẻ giá trị đến cộng đồng và xã hội", ông Tuấn Anh gửi đi thông điệp.

Thúc đẩy yếu tố đa dạng, hòa nhập và bao trùm trong kinh doanh bền vững thời đại số hóa không chỉ là một xu thế mới, rất cần được quan tâm, mà đó còn là đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp và lập chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững.