Giải pháp thu giữ khí thải carbon

Các nhà khoa học cho biết, một số điều kiện địa chất đặc biệt như mỏ đá sa thạch có thể là giải pháp hiệu quả cho việc lưu trữ khí thải carbon.
0:00 / 0:00
0:00
Đá sa thạch tại Gerolsteiner Dolomiten. Ảnh: CNA
Đá sa thạch tại Gerolsteiner Dolomiten. Ảnh: CNA

Theo CNA, đá sa thạch trong khu bảo tồn thiên nhiên có thể đóng vai trò quan trọng trong Quá trình thu giữ và lưu trữ carbon (CCS). Chuyên gia Franz May từ Viện Khoa học Trái đất và Tài nguyên thiên nhiên Đức giải thích: "Đá sa thạch có nhiều vết nứt và lỗ nhỏ, cho phép carbon dioxide (CO2) thấm vào trong đá".

CCS bắt đầu từ việc thu thập CO2 từ các nguồn phát thải lớn. Sau đó, CO2 được nén và lưu trữ sâu dưới lòng đất trong các bể chứa dầu và khí đã cạn kiệt, hay những bể chứa tự nhiên như các mỏ đá sa thạch. Nhà khoa học Eabhard Pernot nhận định công nghệ CCS có khả năng giải quyết lượng khí CO2 khổng lồ từ các ngành công nghiệp nặng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Gerolsteiner Dolomiten ở phía tây nước Đức, với những khối đá hơn 200 triệu năm tuổi, là một trong những địa điểm lý tưởng để áp dụng công nghệ này. Khu vực này cũng nổi tiếng với nguồn nước có khí gas tự nhiên, minh chứng rằng dưới lòng đất nơi đây tồn tại những loại đá có cấu trúc tương tự như đá sa thạch, có khả năng lưu trữ CO2.

Tuy nhiên, công nghệ lưu trữ carbon vẫn gặp phải một số thách thức. Mặc dù CCS có tiềm năng giúp giảm biến đổi khí hậu, công nghệ này hiện vẫn còn mới mẻ, chưa được thử nghiệm rộng rãi và chi phí triển khai khá cao. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ nhấn mạnh rằng, mặc dù thu giữ carbon có thể là một phần của giải pháp chống biến đổi khí hậu, song việc triển khai công nghệ này thường gặp nhiều khó khăn. Tại Đức, các cơ quan chức năng vẫn đang hợp tác với khu vực tư nhân để triển khai công nghệ CCS, đặc biệt tại các nhà máy xi-măng - ngành công nghiệp thải ra 8% lượng CO2 toàn cầu.

Mặc dù các dự án CCS hiện nay vẫn còn hạn chế, nhưng các chuyên gia tin rằng, sự quan tâm sẽ gia tăng khi các quốc gia và doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp để đạt được mục tiêu giảm khí nhà kính. Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang đàm phán về việc sử dụng các bể chứa carbon để giúp chống lại biến đổi khí hậu trong tương lai.