Kế hoạch áp thuế của Mỹ gây lo ngại

Thương mại toàn cầu có nguy cơ rơi vào làn sóng bất ổn khi chính quyền mới ở Mỹ triển khai kế hoạch áp mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu, theo tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Các đối tác cảnh báo có hành động đáp trả nếu Mỹ thực hiện các “đòn áp thuế”.
0:00 / 0:00
0:00
Mexico là đối tác xuất khẩu ô-tô và phụ tùng lớn vào Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES
Mexico là đối tác xuất khẩu ô-tô và phụ tùng lớn vào Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Phản ứng mạnh từ đối tác

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thông báo kế hoạch áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ một số đối tác thương mại lớn của Mỹ. Theo đó, trong các sắc lệnh đầu tiên ông Trump ký ban hành ngay khi nhậm chức ngày 20/1/2025 sẽ có quy định áp thuế 25% với hàng nhập khẩu từ Mexico, Canada và bổ sung mức 10% với hàng hóa từ Trung Quốc. Ông Trump giải thích lý do áp mức thuế mới là nhằm giảm “dòng chảy” ma túy và người di cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Các đối tác thương mại của Mỹ lập tức có phản ứng, nêu bật lo ngại về chính sách thuế của chính quyền mới tại Mỹ. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum nhấn mạnh, thuế quan sẽ làm gián đoạn chính nền kinh tế Mỹ, có thể dẫn tới chuỗi hành động trả đũa kéo dài giữa các nước, gây tổn hại kinh tế cho tất cả các bên. Theo bà Sheinbaum, chính sách áp thuế không giải quyết được vấn đề người di cư hay tình trạng tội phạm ma túy, như mục tiêu ông Trump nhắm tới.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có cuộc trao đổi với ông Trump, thảo luận việc duy trì quan hệ thương mại ổn định giữa hai nước. Phát biểu ý kiến trước Quốc hội Canada, ông Trudeau cam kết sẽ có “biện pháp nghiêm túc” để đáp lại kế hoạch thuế mới của Mỹ.

Nhấn mạnh là một trong những đối tác thương mại lớn của Mỹ, Trung Quốc nhắc lại cảnh báo “không ai chiến thắng trong cuộc chiến về thuế quan”. Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ khẳng định hợp tác kinh tế và thương mại về cơ bản là có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ; hai bên đều không được lợi nếu chiến tranh thương mại xảy ra.

Cảnh báo tác động nghiêm trọng

Theo thống kê, hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Mexico chủ yếu là ô-tô và phụ tùng, hàng điện tử, máy móc, đồ gỗ, rượu. Dầu mỏ là hàng Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Canada. Với Trung Quốc, Mỹ nhập lượng lớn hàng điện tử, đồ chơi, thiết bị thể thao...

Cả Mexico và Canada đều kêu gọi Mỹ thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực, thay vì khởi động màn trả đũa thương mại lẫn nhau. Theo hai đối tác khu vực của Mỹ, mức thuế mà ông Trump đề xuất là vi phạm Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Hơn nữa, thuế quan có thể dẫn tới tình trạng mất việc làm hàng loạt tại Mỹ và ảnh hưởng trực tiếp các công ty Mỹ tại Mexico. Trong khi đó, mức thuế mới nhắm vào dầu nhập khẩu từ Canada sẽ đẩy giá nhiên liệu lên cao tại Mỹ, làm đảo lộn hoạt động của các nhà cung cấp dầu thô.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, không chỉ các đối tác trực tiếp chịu ảnh hưởng, chính sách thuế mới của Mỹ có thể gây những tác động đáng kể với kinh tế toàn cầu. Không chỉ làm tăng chi phí thương mại, mà còn gây áp lực lên các khu vực, các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo thống kê, năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và là đối tác thương mại quan trọng của nhiều nước châu Á.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chính sách thuế mới còn làm tăng áp lực lên chính nền kinh tế Mỹ. Mức thuế cao đẩy giá lên cao, ảnh hưởng trực tiếp sức mua, cản trở tăng trưởng kinh tế tại Mỹ. Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, chi phí của một gia đình tại Mỹ có thể lên trung bình 2.600 USD/năm. Ngành công nghiệp dầu khí và ô-tô của Mỹ, vốn phụ thuộc nguồn cung từ Mexico và Canada được dự báo chịu tác động tiêu cực. Dù giúp giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước, song chính sách này có nguy cơ làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.