Giải mã bộ gen đa dạng và hòa nhập

Những năm gần đây, sau khi phải đối mặt liên tiếp các biến động chính trị-xã hội, nhiều doanh nghiệp trên thế giới, cũng như ở Việt Nam đã và đang nhận ra giá trị của "đa dạng" và "hòa nhập" (Diversity&Inclusion - D&I). Việc tạo được tiếng nói chung giữa hàng nghìn cá tính riêng chính là một loại ADN quyết định sự thành công của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Anjanette Saguisag - Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và Quản trị, UNICEF Việt Nam.
Anjanette Saguisag - Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và Quản trị, UNICEF Việt Nam.

Để làm rõ khái niệm D&I, có thể hiểu Diversity - Đa dạng là công nhận sự kết hợp của một tập thể có nhiều cá nhân mang các đặc điểm khác biệt, bao gồm các đặc điểm bên trong (như giới tính), đặc điểm bên ngoài (về vị trí địa lý, quê quán) và đặc điểm tổ chức (như các hình thức hợp đồng lao động khác nhau).

Inclusion - hòa nhập, là tạo nên môi trường làm việc, nơi mà mọi người được đánh giá cao về năng lực, cảm thấy an toàn và được tôn trọng; nơi mà đóng góp của mỗi cá nhân được xem trọng đúng mức và cho phép người lao động phát huy tối đa tiềm năng của mình, bất kể trình độ, danh tính hay hoàn cảnh của họ như thế nào.

Đa dạng và hòa nhập phải luôn đi đôi với nhau trong hoạt động của doanh nghiệp. Theo báo cáo năm 2020 của McKinsey & Company về sự đa dạng và hòa nhập, các công ty sở hữu đội ngũ lãnh đạo có tỷ lệ cân bằng về giới có khả năng đạt mức lợi nhuận trên trung bình cao hơn 25% so các công ty khác thuộc tốp cuối bảng xếp hạng, trong khi tỷ lệ này là 21% vào năm 2017 và 15% vào năm 2014.

Nghiên cứu này cũng cho thấy các công ty sở hữu văn hóa đa dạng và hòa nhập, có khả năng đưa ra được các quyết định sáng suốt và táo bạo hơn trong thời điểm khủng hoảng, như trong đại dịch Covid-19. Thí dụ, các đội nhóm có sự đa dạng về nhân sự đã được chứng minh sẽ mang lại những đổi mới toàn diện cũng như dự đoán được sự chuyển dịch trong nhu cầu của khách hàng cùng với các đặc điểm tiêu dùng, từ đó giúp doanh nghiệp đạt lợi thế cạnh tranh.

D&I không chỉ có tác động đáng kể đối với các công ty lớn đa quốc gia. Báo cáo của Liên đoàn Lao động Thế giới (ILO) vào năm 2022 còn chỉ ra, các sáng kiến về đa dạng và hòa nhập cũng mang lại thành công cho cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính mã gen "đa dạng và hòa nhập" vừa góp phần cải thiện hiệu suất kinh doanh vừa giúp các doanh nghiệp trở thành nơi làm việc tốt hơn, thông qua việc thu hút và giữ chân nhân tài; trao quyền và tạo động lực cho người lao động.

Thúc đẩy tính đa dạng và hòa nhập có thể được thực hiện thông qua việc xây dựng các chính sách và chương trình hỗ trợ tối đa người lao động để vừa bảo đảm hiệu suất công việc vừa cân đối với trách nhiệm trong gia đình. Bảo đảm thiên chức làm mẹ của lao động nữ là thí dụ. Hiện nay, trong ngành may mặc và da giày ở Việt Nam, không phải doanh nghiệp nào cũng tạo được điều kiện hỗ trợ lao động duy trì được việc nuôi con bằng sữa mẹ. Chỉ cần mỗi doanh nghiệp mở ra không gian riêng cho lao động nữ được dành thời gian và điều kiện cho việc lấy và bảo quản sữa mẹ là đã giúp cho bao nhiêu đứa trẻ được lớn lên với sức khỏe tốt hơn, giúp người lao động có thể giảm được chi phí trong nuôi con ở những tháng đầu đời.

Giải mã bộ gen đa dạng và hòa nhập ảnh 1
Chưa có nhiều doanh nghiệp mở ra không gian riêng hỗ trợ nữ công nhân nuôi con bằng sữa mẹ.

Nghị định 85/2015/NĐ-CP do Chính phủ Việt Nam ban hành năm 2015, đưa ra các chính sách ưu đãi, xét giảm thuế cho những nhà máy xây dựng nhà trẻ và lớp mẫu giáo ở gần hoặc ngay tại nơi làm việc. Tuy nhiên, do không mang tính bắt buộc, rất ít doanh nghiệp, nhà máy dành chi phí cho việc này. Hiện chỉ có những nhà máy lớn mới đủ khả năng và nguồn lực phát triển theo hướng mà Nghị định này đề ra.

Một vấn đề đáng lưu tâm nữa, đó là sự tham gia của lực lượng lao động trẻ ở Việt Nam sụt giảm bởi tỷ lệ sinh giảm và tỷ lệ nhập học vào cơ sở giáo dục đại học tăng. Để giải quyết vấn đề này, cần có cơ chế để mở ra cơ hội việc làm cho lao động trẻ thông qua hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề và kỹ thuật tại chỗ, phát triển những ngành nghề dùng đến kỹ năng "mới" như công nghệ số…

Trong năm 2014, Việt Nam đã thông qua khung Quyền Trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh (CRBP) nhằm giúp các doanh nghiệp thúc đẩy, tôn trọng và ủng hộ thực hiện CRBP tại nơi làm việc, thị trường và cộng đồng. Ngay sau đó, UNICEF Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam thúc đẩy thực thi khung Quyền Trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh trong các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Mối quan hệ hợp tác này đã tạo nên một nền tảng phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp tư vấn, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế bao gồm các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính thế giới, các hiệp hội liên quan trong ngành, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (như EuroCham, Amcham và AusCham) giúp huy động nguồn lực và chuyên môn, thúc đẩy đổi mới và mở rộng kết nối để đẩy mạnh thực hiện chủ đề về Quyền Trẻ em trong kinh doanh.

Xét cho cùng, kiến tạo nơi làm việc mà tất cả mọi người cảm thấy được là chính mình, được tôn trọng và đánh giá cao cả về con người, lẫn đóng góp của họ - chính là bước đầu để giải phóng tiềm năng của mỗi cá nhân, tạo nên thành công cho doanh nghiệp.