Các trường đại học cập nhật xu hướng
Năm 2019, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh mở ngành đào tạo Robot và Trí tuệ nhân tạo, với chuẩn đầu vào 25,2 điểm, cao nhất trong tất cả các ngành học. Ngay sau đó, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng và Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng mở ngành, là đơn vị đầu tiên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo ở cả 3 bậc (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ), Trường đại học Khoa học tự nhiên sàng lọc rất kỹ các tiêu chuẩn đầu vào để chọn ra những sinh viên phù hợp nhất cho ngành học đòi hỏi nhiều kỹ năng, kiến thức. Trước đó, trường đã có ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin với nhiều môn học liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Bước vào lĩnh vực mới, trường tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại theo chuẩn quốc tế cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Vũ, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên, thuận lợi lớn nhất là đội ngũ giảng viên đã được đào tạo bài bản về AI. Khoa Công nghệ thông tin của trường hiện có 40 tiến sĩ được đào tạo về lĩnh vực này, phần lớn tốt nghiệp tại các trường uy tín trên thế giới. Việc đưa ra điểm chuẩn xét tuyển cao cũng giúp trường chọn được nguồn sinh viên chất lượng cao, đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của ngành học mới.
Trường đại học Quốc tế Sài Gòn hiện có hai chương trình đào tạo bậc đại học thuộc nhóm ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin. Trong đó, Khoa học máy tính gồm các chuyên ngành: Trí tuệ nhân tạo, Hệ thống dữ liệu lớn, Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và An ninh thông tin. Ngoài ra, nhà trường cũng tích hợp khối kiến thức và kỹ năng về AI và ứng dụng của AI trong các chương trình đào tạo khác như Công nghệ giáo dục, Quản trị Kinh doanh hay Truyền thông đa phương tiện…
Ông Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh của trường cho biết: “Việc đào tạo AI cần nguồn lực công nghệ và cơ sở vật chất hiện đại. Trường đầu tư vào việc vận hành, phát triển trung tâm nghiên cứu chuyên về AI, trang bị robot tương tác xã hội SIUBOT cùng các phòng máy tính tiên tiến, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên thực hành và nghiên cứu. Chúng tôi còn tổ chức nhiều câu lạc bộ chuyên môn về AI, An toàn thông tin, Olympic Tin học và khuyến khích sinh viên tham gia các chương trình nghiên cứu quốc tế, hội thảo chuyên đề... Bên cạnh đó là chính sách học bổng lên đến 100% học phí để tạo động lực cho sinh viên có năng lực xuất sắc theo đuổi ngành học này”.
Người học là trung tâm
Ứng dụng AI vào giáo dục đã và đang mang đến “làn gió mới” cho nhiều cơ sở đào tạo khi sinh viên được khuyến khích sáng tạo, mở rộng kiến thức và giảng viên cũng có góc nhìn cởi mở hơn trong việc đánh giá, giảng dạy. Tại Trường đại học Khoa học tự nhiên, từ năm 2022 đến nay, sinh viên được phép sử dụng AI, cụ thể là ứng dụng Chat GPT hỗ trợ việc lên ý tưởng, làm bài tập, soạn thảo văn bản, viết báo cáo… Việc sử dụng công nghệ đúng cách giúp nhiều sinh viên khắc phục được điểm yếu trong trình bày văn bản, thể hiện nội dung, ghi nhận kết quả khả quan với lượng công sức bỏ ra ít hơn.
Tuy nhiên, giảng viên không đánh giá kết quả hoàn toàn dựa trên phần nội dung của sinh viên. Khi cho phép sinh viên sử dụng công nghệ hỗ trợ làm bài, các giảng viên cũng thay đổi cách kiểm tra, bổ sung thêm phần hỏi-đáp nhằm đánh giá đúng năng lực từng người. Chương trình đào tạo cũng làm mới liên tục, bổ sung thêm nhiều tiêu chí với mục tiêu bảo đảm tốt kiến thức, kỹ năng cho sinh viên ngay cả khi ứng dụng AI.
Không riêng bậc đại học, việc ứng dụng AI sẽ được TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai ở bậc phổ thông. Thành phố hiện đã hoàn thiện và triển khai kho học liệu số đối với cấp tiểu học và đang trong quá trình hoàn thiện kho học liệu đối với cấp trung học phổ thông.
TP Hồ Chí Minh đã chọn hai giải pháp để thử nghiệm đưa AI vào giáo dục. Ở giải pháp đầu tiên, mô hình AI do Sở Giáo dục và Đào tạo phát triển sẽ hỗ trợ học sinh tự điều chỉnh lộ trình học tập, bằng cách phân tích các tương tác của người học với các tác vụ trên hệ thống Mô hình ngôn ngữ lớn. Với giải pháp thứ 2, AI sẽ phân tích dữ liệu lịch sử từ các cuộc khảo sát năng lực và ngân hàng câu hỏi, qua đó dự báo các nội dung, kiến thức học sinh có thể cần hỗ trợ thêm.
Cho rằng việc hình thành và chia sẻ những lợi ích chung trong hệ sinh thái sử dụng AI trên toàn cầu là cần thiết, GS Alondra Nelson, thành viên Hội đồng khoa học quốc gia Mỹ, cố vấn cấp cao về AI của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá: Để hình thành hệ thống tiêu chuẩn AI thống nhất, đồng bộ hơn, cần có sự hiểu biết và đồng thuận chung giữa các bên về lĩnh vực này. Để làm được việc đó cần mở rộng mạng lưới đào tạo, huấn luyện nguồn lực, hình thành mạng lưới phát triển tiềm năng của AI trên toàn thế giới.