Một buổi sáng Hà Nội, dòng xe cũng không quá đông. Khi đến một ngã tư nhỏ, tín hiệu đèn đỏ hiện lên. Tôi liếc mắt nhìn quanh, thấy đường vắng, bèn nhẹ nhàng... vặn ga rẽ phải.
Bất ngờ, con gái tôi hỏi: "Ơ, sao bố lại đi khi còn đèn đỏ?". Câu hỏi khiến tôi giật mình. Trong thoáng chốc, tôi bối rối chống chế: "À, đây là khu dân cư, hôm nay vắng người nên mình cứ đi". Nhưng ngay khi lời nói vừa thốt ra, tôi nhận ra: Mình vừa nói dối. Một lời nói dối tưởng chừng vô hại, nhưng lại là hạt mầm gieo vào tâm hồn con trẻ về việc có thể tùy tiện phá vỡ luật lệ khi thấy thuận tiện.
Lần khác, cũng trên con đường ấy, một người đàn ông trung niên phóng vọt qua ngã tư dù còn đèn đỏ. Con gái tôi lại lên tiếng: "Sao chú kia vượt đèn đỏ hả bố?". Tôi nhìn con, rồi nhìn theo bóng người đàn ông vừa khuất sau góc đường, lòng trĩu nặng. Hóa ra, những đứa trẻ - với đôi mắt trong veo của chúng - nhận thấy rất rõ những điều mà người lớn đã quen phớt lờ.
Những câu hỏi của con gái khiến tôi nghĩ nhiều về ý thức giao thông của không ít người dân hiện nay. Chúng ta hay ngưỡng mộ những quốc gia có trật tự giao thông chuẩn mực, nơi mà ngay cả lúc nửa đêm, khi không có một bóng xe nào, người dân vẫn kiên nhẫn dừng lại chờ đèn xanh. Nhiều người Việt khi ra nước ngoài cũng nhanh chóng thích nghi, trở nên tuân thủ luật lệ một cách nghiêm chỉnh. Nhưng khi quay trở lại quê hương, chỉ sau vài ngày, họ lại vội vã, bất chấp luật lệ, coi thường tín hiệu đèn giao thông như một điều hiển nhiên.
Ý thức giao thông không phải điều tự nhiên mà có, nó được rèn luyện qua từng thế hệ, từng hành động nhỏ nhất. Không ai sinh ra đã có sẵn tinh thần tuân thủ luật pháp nếu không được giáo dục và kỷ luật. Ở những quốc gia có hệ thống giao thông văn minh, không chỉ có sự tự giác của người dân mà còn có chế tài xử phạt nghiêm minh làm nền tảng. Điều đó tạo ra một môi trường mà mọi người đều phải chấp hành, và dần dần, việc tuân thủ Luật Giao thông trở thành một thói quen, một phản xạ tự nhiên.
Hãy thử nhìn xa hơn, không chỉ một tháng hay một năm, mà là 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn nữa. Khi một thế hệ mới lớn lên trong một môi trường giao thông được kiểm soát chặt chẽ, khi trẻ em từ bé đã hiểu rằng đèn đỏ là phải dừng lại, rằng đi đúng làn đường là trách nhiệm, thì khi ấy sẽ không cưqòn tình trạng phải cần đến sự giám sát của cảnh sát giao thông mới tuân thủ luật lệ. Khi đó, việc dừng xe trước vạch đèn đỏ sẽ là một điều hiển nhiên như hít thở.