Gập ghềnh hiệp ước hạt nhân Nga - Mỹ

Việc Nga gần đây đình chỉ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng chạy đua vũ trang. Cộng đồng quốc tế kêu gọi Moscow và Washington duy trì đối thoại, thể hiện trách nhiệm chung vì môi trường an ninh ổn định cho toàn thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị các bên tham gia Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 2022. Ảnh: IAEA
Hội nghị các bên tham gia Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 2022. Ảnh: IAEA

Một thỏa thuận, nhiều thăng trầm

Trong thông điệp liên bang của Tổng thống V.Putin ngày 21/2, một nội dung nổi bật thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế là tuyên bố của Tổng thống Putin về việc Nga tạm dừng tham gia Hiệp ước New START với Mỹ. Tuyên bố của Tổng thống Putin cho thấy Moscow có thể sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân kéo dài với Washington, do nghi ngờ cam kết tuân thủ thỏa thuận này của phía Mỹ. Ông cũng cáo buộc Mỹ đang phát triển cũng như xem xét thử các loại vũ khí hạt nhân mới gây đe dọa an ninh. Sau khi Điện Kremlin trình lên đề xuất, Hạ viện và Thượng viện Nga đã thông qua dự luật đình chỉ sự tham gia của Nga vào Hiệp ước New START.

New START là thỏa thuận kế thừa, thay thế và đơn giản hóa cho các thỏa thuận và cam kết hạt nhân trước đó như Hiệp ước “Hạn chế vũ khí chiến lược” (SALT), Hiệp ước “Cắt giảm vũ khí chiến lược” (START-I) và Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (SORT). Việc giới hạn các kho vũ khí nguyên tử chiến lược là vấn đề sống còn đối với an ninh toàn cầu, bởi vậy từ những năm 50 của thế kỷ trước, Mỹ và Liên Xô (trước đây) đã nhiều lần đàm phán về vấn đề này. Song, do bối cảnh địa-chính trị thay đổi và các lý do khác nhau mà các cuộc đàm phán được ghi nhận bắt đầu từ tháng 4/1970.

Tháng 5/1972, hai bên chính thức đặt bút ký Hiệp ước SALT-I. Theo đó, hiệp ước quy định số lượng hạn chế bệ phóng tên lửa đạn đạo tại mỗi nước, nhờ đó đã hạn chế được nhiều loại vũ khí hạt nhân, nhưng chưa thể bảo đảm có thể giải quyết các vấn đề liên quan nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí nguy hiểm. Ngay sau khi Quốc hội hai nước phê chuẩn thỏa thuận “nền móng” này, các phái đoàn đàm phán của Mỹ và Liên Xô đã tiếp tục thảo luận về khả năng thiết lập một văn kiện bao trùm hơn.

Tuy nhiên trong suốt nhiều năm liền, cả hai nước đã không đạt được đột phá nào trong đàm phán. Cho đến tháng 6/1979, Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev đã ký Hiệp ước SALT-II trong cuộc họp cấp cao tại Vienna (Áo). Hiệp ước này không được duy trì lâu do giới chức Mỹ gác lại để phản đối Liên Xô đưa quân tới Afghanistan vào tháng 12/1979.

Sau chuỗi sự kiện quốc tế làm vô hiệu hóa SALT-II, ngày 9/5/1982, Tổng thống Ronald Reagan giới thiệu Hiệp ước START-I tại Mỹ. Phái đoàn Mỹ và Liên Xô tiến hành đàm phán trong suốt gần 10 năm và chính thức ký START-I ngày 31/7/1991. Ở thời điểm đó, START-I giúp loại bỏ khoảng 80% loại vũ khí hạt nhân tồn tại trên thế giới và được coi là hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng không lâu sau đó, do Liên Xô tan rã, Nga là quốc gia được kế thừa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô.

Do sự kiện này, Moscow và Washington phải tiến hành đàm phán một hiệp ước mới. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga khi đó là Tổng thống George H.W Bush và người đồng cấp Boris Yeltsin ký vào Hiệp ước START-II ngày 3/1/1993. Tuy nhiên, START-II đã tiếp tục bị “khai tử” khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM) năm 2002. Sau đó một năm, hai bên đã ký Hiệp ước SORT, quy định cả Nga và Mỹ phải hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân trong trạng thái trực chiến còn 2.200 đơn vị. Hiệp ước có hiệu lực ngày 1/6/2003.

Hành trình khó khăn xây dựng lòng tin

Dù nỗ lực đàm phán, những thỏa thuận hạt nhân cũ giữa Nga và Mỹ được cho là không có giá trị thực tiễn, dẫn đến sự kiện ra đời Hiệp ước New START năm 2010 và có hiệu lực một năm sau đó để thay thế cho các thỏa thuận trước. New START gồm các điều khoản đơn giản hơn START-I, hạ “trần” số lượng các tiêu chí cũng như giảm thiểu những hình thức kiểm tra giữa hai bên tham gia. Đây từng được xem là dấu mốc quan trọng trong tiến trình kiểm soát vũ khí hủy diệt trên thế giới và là cam kết cắt giảm vũ khí hạt nhân đáng kể đầu tiên trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh lạnh. Sự hợp tác giữa hai quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới được kỳ vọng giúp hai nước xây dựng lòng tin chiến lược ở một vấn đề trọng yếu.

Hiệp ước New START do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký vào tháng 4/2010 sau một năm đàm phán và chính thức có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Theo hiệp ước, Mỹ và Nga được yêu cầu giảm kho vũ khí hạt nhân của họ xuống còn tổng cộng 700 tên lửa, 800 bệ phóng và 1.550 đầu đạn đã triển khai cùng một số cam kết thanh sát lẫn nhau. New START từng bị đe dọa khai tử dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông chủ trương xem xét lại và rút khỏi hàng loạt các hiệp ước cũng như văn kiện quốc tế quan trọng. Ông Trump cho rằng thỏa thuận không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020 đã làm thay đổi cục diện với việc ông Joe Biden thắng cử. Sau khi Hiệp ước New START chính thức hết hiệu lực vào tháng 2/2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã đồng ý duy trì và gia hạn 5 năm đến ngày 5/2/2026.

Về phía Nga, vào tháng 6/2021, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký tuyên bố chung Nga-Mỹ về ổn định chiến lược, trong đó cam kết “đặt nền móng cho các biện pháp kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai” thông qua Đối thoại ổn định chiến lược song phương và tái khẳng định nguyên tắc rằng không có một bên nào chiến thắng nếu nổ ra cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng quyết định đình chỉ vừa qua của “ông chủ” Điện Kremlin lại một lần nữa đặt dấu hỏi với số phận của “New START”.

Trên thực tế, việc đàm phán khuôn khổ cho một thỏa thuận hạt nhân thay thế New START giữa Mỹ và Nga đã bị đình trệ nhiều năm liền. Nga và Mỹ đã tạm dừng các cuộc thanh sát cơ sở hạt nhân gần ba năm do đại dịch Covid-19, cũng như việc quan hệ hai nước ngày một xấu đi. Tháng 8/2022, Nga thông báo với Mỹ quyết định đình chỉ các hoạt động thanh sát trên lãnh thổ Nga, nhằm đáp trả các lệnh cấm vận của phương Tây đối với máy bay Nga khiến Moscow không thể đưa các thanh sát viên đến Mỹ.

Dù vậy Nga khẳng định chỉ “tạm thời bị đình chỉ” hiệu lực của Hiệp ước New START chứ không chấm dứt hoàn toàn việc tuân thủ các giới hạn đã thỏa thuận. Theo hãng tin TASS, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), ông Mikhail Ulyanov cho biết, Moscow có thể xem xét lại quyết định đình chỉ Hiệp ước New START trong trường hợp Washington có những hành động thiện chí. Moscow cũng công khai rằng việc đình chỉ Hiệp ước New START của Nga vẫn có thể đảo ngược được nếu Mỹ thể hiện hành động vì mục tiêu giảm leo thang chung và tạo điều kiện cho việc thực hiện hiệp ước hạt nhân quan trọng này.

Song, khả năng nối lại đàm phán thỏa thuận mới là rất khó khăn trong bối cảnh niềm tin giữa Moscow và Washington đang ở mức rất thấp thời gian qua. Trong suốt hàng chục năm, hai nước đã tìm nhiều biện pháp xây dựng lòng tin chiến lược ở một vấn đề trọng yếu như hạt nhân và đã gặp không ít trở ngại. Năm 2002, dưới thời Tổng thống George H.W.Bush, Mỹ đã rút khỏi ABM sau 30 năm thực thi. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp ước bầu trời mở và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)…

Hiện, Nga và Mỹ chỉ còn theo đuổi cơ chế chung là các cam kết trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Khả năng có thể đàm phán cắt giảm số vũ khí hạt nhân nhiều hơn nữa trong tương lai là không cao, trong khi yêu cầu chấm dứt chạy đua vũ trang cũng khó thực hiện ngay lúc này. Các chuyên gia cảnh báo một thế giới không có các cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân là một thế giới nguy hiểm và bất ổn hơn nhiều với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra. Chính vì thế, các bên cần theo đuổi mọi nỗ lực để tránh được kết cục này, mà trên hết là xây dựng lòng tin để quay trở lại bàn đối thoại.