Ngay trước thềm Hội nghị Granada, hôm 4/10, các Bộ trưởng EU đã nhất trí về việc giải quyết tình trạng khủng hoảng và những tình huống bất khả kháng liên quan vấn đề người di cư và tị nạn. Trên cơ sở đó, Tây Ban Nha đề xuất EU thông qua thỏa thuận về cơ chế chia sẻ tiếp nhận người di cư, có tên là Hiệp ước về di cư và tị nạn mới của EU.
Theo đề xuất, hiệp ước mới nhằm giúp giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia ở tuyến đầu, như Italy và Hy Lạp, bằng cách chuyển một số người di cư sang các thành viên EU khác. Các nước không muốn tiếp nhận người di cư, thay vào đó sẽ phải hỗ trợ các nước tiếp nhận về tài chính, nhân sự và thiết bị.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Granada, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã kiên quyết phản đối. Thủ tướng Mateusz Morawiecki tuyên bố, Ba Lan không đồng ý nhờ người khác “trang bị nội thất cho ngôi nhà của mình”. Thủ tướng Viktor Orban mô tả đề xuất của EU là “hành động cưỡng bức hợp pháp”, khi ép buộc các nước thành viên lựa chọn hoặc tiếp nhận người di cư, hoặc phải trả tiền.
Thỏa thuận bị Hungary và Ba Lan phủ quyết, khiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Charles Michel phải đưa ra tuyên bố riêng về chính sách tị nạn và bảo vệ biên giới EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vẫn khẳng định thỏa thuận nhận được sự ủng hộ rộng rãi, bởi thật sự phù hợp về mặt chính trị.
Số người di cư cập bờ biển các nước EU đang tăng đột biến, gợi nhớ về cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Ấy vậy, việc tìm đồng thuận trong vấn đề này vẫn rất khó khăn. Hungary và Ba Lan cho rằng, quyết định EU đưa ra theo quy tắc đa số, chứ không theo nguyên tắc đồng thuận.
Ngay cả khi Ba Lan và Hungary không thể ngăn chặn Hiệp ước di cư và tị nạn mới của EU, những lời chỉ trích gay gắt của hai thành viên này vẫn đặt ra câu hỏi về cách thức EU thông qua và triển khai thỏa thuận một cách hiệu quả.