Đồng sàng dị mộng

Cuối tuần qua, Thủ tướng Hugary Viktor Orban cho rằng, việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ, đang có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: EMANUELE DEL ROSSO
Biếm họa: EMANUELE DEL ROSSO

Theo Reuters, trao đổi ý kiến với báo giới, Thủ tướng Orban nhận định: “Ban đầu, tôi nghĩ rằng chúng tôi (EU) chỉ tự bắn vào chân mình, nhưng bây giờ rõ ràng là nền kinh tế châu Âu đã tự bắn vào lá phổi đang thoi thóp”. Theo ông Orban, Ukraine cần sự giúp đỡ, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu nên xem xét lại chiến lược của mình, vì các lệnh trừng phạt đã gây ra thiệt hại trên diện rộng cho nền kinh tế châu Âu trong khi không làm suy yếu Nga, cũng như không mang lại giải pháp cho cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài nhiều tháng qua.

Nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu đã bị thắt chặt và chi phí nhiên liệu tăng cao kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2, kéo theo các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong đó cấm nhập khẩu năng lượng từ Moscow. Điều này buộc các nước châu Âu phải tranh giành lấp đầy kho dự trữ khí đốt và đa dạng hóa nguồn cung.

Trong khi đó, Hungary gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt tự nhiên của Nga, nên phản đối lệnh cấm vận của EU đối với nguồn tài nguyên quan trọng này, cũng như không đồng tình với kế hoạch của EU ngừng hoàn toàn nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Ngoài Hungary, Slovakia, CH Czech, Bulgaria hay Croatia cũng dè dặt về lệnh cấm dầu mỏ Nga. Đơn cử, Bulgaria đã chính thức yêu cầu khoảng thời gian hai năm để thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngành năng lượng Nga.

Ngày 13/7 vừa qua, Thủ tướng CH Czech Petr Fiala tiết lộ, EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ bảy chống Nga, nhưng sẽ không bao gồm quy định hạn chế nhập khẩu khí đốt vì hiện có rất nhiều quốc gia thành viên EU không kịp đối phó. Thủ tướng Fiala nêu rõ, không có cơ hội để đưa khí đốt vào gói trừng phạt mới bởi hiện có hàng loạt quốc gia phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Với nguồn cung khí đốt hạn hẹp như hiện nay, Hungary có lý do để phản đối việc EU cấm nhập khẩu hoàn toàn năng lượng từ Nga. Quan trọng hơn, sự phản đối của Budapest còn cho thấy tình trạng “đồng sàng dị mộng” giữa các thành viên EU, cản trở EU tìm tiếng nói chung trong những vấn đề hệ trọng của khối.