Động lực dựa trên kỳ vọng

Thị trường chứng khoán (TTCK) đang bước vào giai đoạn cao điểm nhất của mùa công bố kết quả kinh doanh và báo cáo tài chính (BCTC) hay còn gọi là “mùa báo cáo”. Mùa báo cáo quý II hằng năm có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hình tình hình kinh doanh của doanh nghiệp (DN), tiến độ hoàn thành kế hoạch sau nửa đầu năm, khả năng hoàn thành kế hoạch của năm…
0:00 / 0:00
0:00

Riêng với mùa báo cáo quý II của năm 2023 sẽ có nhiều biến số cần lưu tâm. Nhìn lại những thách thức mà TTCK và DN phải đối mặt bắt đầu từ quý II/2022 và những tín hiệu vượt khó cùng sự hỗ trợ của cơ quan quản lý bắt đầu phát huy hiệu quả là từ quý II/2023. Về tính thời điểm, có những DN bắt đầu “khó” từ quý II/2022 nhưng cũng có khi đến quý III/2023 mới khó. Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này là vì nếu so sánh kết quả kinh doanh (KQKD) với cùng kỳ năm trước chưa hẳn đã đầy đủ mà nên có cả những so sánh với cả từng quý trong bốn quý gần nhất để nhìn ra khả năng vượt khó. Có những ngành nghề, chẳng hạn như bán lẻ, phải đến cuối quý II/2023 mới được cho là điểm “đáy” nên thậm chí số liệu của quý II/2023 còn thấp hơn cả quý II/2022. Những dữ liệu này sẽ được bao trùm bởi khẩu vị của nhà đầu tư (NĐT) và những câu chuyện của DN.

Phiên giao dịch hôm qua 26/7, VN Index đã xác lập đỉnh mới của năm 2023 khi chạm ngưỡng 1.200 điểm, động lực bao trùm của thị trường chính là dòng tiền lớn dựa trên kỳ vọng của NĐT. Nghĩa là vẫn có những DN khó khăn, nền kinh tế thách thức, nhưng NĐT nhìn về tương lai. Trong trường hợp DN công bố KQKD chưa chắc tích cực, nhưng nếu cổ phiếu (CP) vẫn hút dòng tiền thì giá vẫn cứ tăng. Trong trường hợp này, nếu những phân tích, nhận định của số đông cho rằng tất cả những gì khó khăn của DN đã thuộc về quá khứ thì điều quan tâm của NĐT sẽ là những quý tới DN sẽ đạt được gì. BCTC sẽ có hai khả năng, trường hợp nếu kết quả “xấu như dự kiến” thì CP chỉ có ảnh hưởng giá trong thời gian ngắn, nhưng cũng có thể bất ngờ xuất hiện khi kết quả “không xấu như nhận định” thì sức bật ngắn hạn dành cho CP cũng sẽ xuất hiện.

Sự thận trọng có thể xuất hiện nhiều hơn ở những ngành được cho là sẽ có lãi lớn, chẳng hạn như chứng khoán. Trong trường hợp này, giá CP thường cũng sẽ tăng trước hoặc tăng theo thị trường. KQKD của nhóm này sẽ không quan trọng bằng sự yêu thích của dòng tiền dành cho CP. Có nghĩa là nếu dòng tiền không còn động lực thì dù DN có lãi lớn đà tăng của CP cũng chững lại. Sự phân hóa sẽ rất khắc nghiệt vì không nằm ở một nhóm ngành mà nằm ở từng CP. Ngành chứng khoán những phiên vừa qua đã ghi nhận CP của một công ty chứng khoán lớn, sau khi công bố BCTC lãi khủng thì đà tăng chậm lại hẳn. Nói tóm lại, bất chấp diễn biến thị trường chung là rất tích cực, thì việc xuất hiện BCTC của từng DN lúc này sẽ tạo nên mức độ phân hóa cực kỳ rõ nét. Việc DN công bố lãi lớn, nhưng giá CP không tăng, hoặc giảm, bất chấp VN Index tăng có thể xảy ra thường xuyên. Giải pháp an toàn nhất, có lẽ là NĐT phải đợi có số liệu chính thức thay vì phán đoán hoặc võ đoán để tránh rủi ro.