Những cảnh báo đáng lo ngại
Kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm thần phổ biến là 15% (khoảng 12 triệu người); tỷ lệ có những biểu hiện rối loạn tâm thần khoảng 20 - 30%. Tốc độ tăng số người mắc các “trục trặc” về tâm lý tại Việt Nam khá cao (hơn 10% hằng năm).
Theo nhiều nghiên cứu, ước tính cứ khoảng năm người trưởng thành thì có thể có một người bị rối loạn tâm thần trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Các nghiên cứu trên khắp thế giới cho thấy có tới 40% số người trưởng thành tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đa khoa đều bị một dạng bệnh tâm thần nào đó. Rất nhiều người tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đa khoa hoặc y tế cơ sở vì các vấn đề sức khỏe thể chất mơ hồ, có thể gọi là “bệnh tâm thể” hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa là “trạng thái thứ ba của sức khỏe”. Nhiều người trong số đó thực chất đang bị các vấn đề sức khỏe tâm thần. Tại Việt Nam nghiên cứu cũng chỉ ra gánh nặng bệnh tật liên quan đến các rối loạn tâm thần là rất lớn.
Theo kết quả Ðiều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên gần đây, có 27,6% số người được khảo sát cho biết họ đã trải qua cảm giác rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không thể hoạt động như bình thường. Tỷ lệ vị thành niên và thanh niên đã từng cảm thấy hoàn toàn thất vọng về tương lai là 21,3%, 7,5% vị thành niên và thanh niên đã từng tự gây thương tích và 4,1% người đã từng nghĩ đến chuyện tự tử…
Phân tích số liệu, PGS, TS Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học, bày tỏ lo ngại: “Chúng ta vẫn thường quan tâm đến sức khỏe thân thể mà coi nhẹ sức khỏe tinh thần. Vấn đề này, không chỉ ở mỗi cá nhân, ngay ở các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp cũng hầu như không tổ chức kiểm tra sức khỏe tâm lý. Và, mỗi người khi gặp những “trục trặc tâm lý”, họ chỉ biết chịu đựng và thường xử lý theo hướng cực đoan. Ðiều này sẽ rất nguy hiểm, nhất là trong xã hội hiện đại”.
Không còn là cảnh báo, thống kê tài liệu về tình hình tội phạm thời gian gần đây cho thấy, có khoảng từ 72 đến 75% số đối tượng phạm tội xuất phát từ “nguyên nhân xã hội”, mà nguồn gốc từ nhiều áp lực trong cuộc sống hiện đại. Ðáng chú ý, trong số đó có không ít vụ phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được nhìn nhận có những yếu tố bất thường về tâm lý, nhiều thủ phạm gây án trong trạng thái không làm chủ được hành vi, bị trầm cảm…
Cần quan tâm đặc biệt
Rối loạn tâm thần (RLTT) nếu không được điều trị sẽ là một trong những nguyên nhân lớn nhất của gánh nặng khuyết tật tại Việt Nam cũng như ở các nước khác. Nghiên cứu của UNICEF tại Việt Nam công bố năm 2017 cho thấy, khoảng 30% gánh nặng bệnh không lây nhiễm là do rối loạn sức khỏe tâm thần. Tổ chức này cũng khuyến cáo, phần lớn các khuyết tật này có thể tránh được thông qua việc cung cấp các chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần và các dịch vụ điều trị, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội dựa vào cộng đồng cho người bị rối loạn tâm thần. Tỷ lệ trẻ bị RLTT được phát hiện và điều trị rất thấp sẽ có ảnh hưởng tiêu cực không chỉ cho cá nhân trẻ, gia đình trẻ mà còn đối với xã hội. Can thiệp sớm và hiệu quả nhắm vào giới trẻ là ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Việc chú trọng vào sức khỏe tâm thần cho giới trẻ có khả năng tạo ra các lợi ích cá nhân, xã hội và kinh tế nhiều hơn so với việc can thiệp vào bất cứ thời điểm nào.
Trước những biến đổi của cuộc sống với nhiều áp lực thì có một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên lại thiếu những kỹ năng cần thiết để hóa giải nó. Những kỹ năng này không phải tự nhiên có được mà nó phải được tích lũy từ kinh nghiệm sống và điều quan trọng nhất nó phải được xây dựng trên nền tảng tri thức của mỗi cá nhân.
Ở góc độ SKTT ảnh hưởng đến hành vi vi phạm pháp luật cũng đang cho thấy nhiều lo ngại. Một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới là sự tác động của văn hóa, lối sống lệch lạc; sự suy thoái về đạo đức, lỗ hổng trong giáo dục, môi trường sống phức tạp… Một hiện tượng rất đáng quan tâm là có sự thay đổi tiêu cực của các giá trị sống, giá trị đạo đức của xã hội trong không ít người và sự thay đổi này đang len lỏi vào đời sống xã hội và trong nhiều trường hợp không bị lên án. Lối sống chụp giật, hưởng thụ, giành giật lợi ích, xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực… vô hình trung đã trở thành chuyện bình thường trong cuộc sống và lẽ dĩ nhiên tác động rất tiêu cực đến nhận thức, hành vi của người trẻ.
Như vậy, cái gọi là áp lực dẫn đến hành vi phạm tội phải được nhìn nhận đa chiều mà không chỉ đơn thuần là những yếu tố tâm, sinh lý, trầm cảm, hoang tưởng, tâm thần…
Ðiều đáng quan tâm nhất hiện nay là phải xây dựng và bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội. Những chuẩn mực truyền thống tốt đẹp cần được quan tâm giáo dục đầy đủ như sự hiếu thảo với cha mẹ, trung tín với cộng đồng xã hội, trách nhiệm với tập thể. Cần lên án, ngăn chặn những xu hướng tiêu cực trong thay đổi các giá trị sống và giá trị đạo đức. Gia đình phải trở thành “pháo đài” bảo vệ những giá trị đạo đức, tinh thần, nhân cách của các thành viên, nhất là với người trẻ tuổi.
Ðề cập giải pháp với cá nhân mỗi người về việc cần quan tâm hơn nữa đến SKTT, PGS, TS Nguyễn Kim Việt nguyên Viện trưởng Sức khỏe tâm thần quốc gia, đề xuất năm kỹ năng để vượt qua áp lực cuộc sống. Ðó là: Nghiêm túc với mình, độ lượng với người; yêu công việc mình đang làm, yêu khía cạnh tốt của người khác; chấp nhận hoàn cảnh bất lợi đến với mình và tìm cách cải thiện nó; sống thanh đạm, chi tiêu tiết kiệm; tăng thêm những phút vui cười, giảm đi những phút buồn bực.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội cần quan tâm chú ý đến vấn đề SKTT; xây dựng môi trường sống lành mạnh, thân thiện góp phần giải tỏa những áp lực, mâu thuẫn trong cuộc sống. Thường xuyên tổ chức các hoạt động khơi dậy, cổ vũ cho các giá trị, các hành vi tốt đẹp ngay tại cộng đồng. Trong nhà trường cần chú ý đầu tư, trang bị những kỹ năng sống để mỗi người, nhất là giới trẻ thích nghi được trong môi trường xã hội mở và hội nhập vốn đang có nhiều trào lưu tích cực lẫn tiêu cực chi phối đến nhận thức và hành vi của con người.