Đợi chờ những "thế hệ hy vọng"

Những người trẻ, thậm chí rất trẻ đã mang đến những giải pháp thật sự bất ngờ cho những vấn đề đang khiến cả thế giới phải chịu tác động tiêu cực. Không chấp nhận ở vai "nạn nhân", họ tìm tòi, sáng tạo và truyền cảm hứng ngược lại cho những thế hệ đi trước về việc hãy chuyển đổi nhận thức, hành động để ngôi nhà chung trở lại an lành và Xanh hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hoạt động vì môi trường được các nhà lãnh đạo trẻ tổ chức. Ảnh: UNICEF
Nhiều hoạt động vì môi trường được các nhà lãnh đạo trẻ tổ chức. Ảnh: UNICEF

Củ cải đường đã tìm được vị trí xứng đáng

Dasia Taylor (ảnh dưới) đã giành được nhiều giải thưởng tại các hội chợ khoa học, cho phát minh chỉ khâu có thể thay đổi mầu sắc, khi phát hiện nhiễm trùng ở vết mổ. Cô nữ sinh trung học 17 tuổi ở thành phố Iowa (bang Iowa, Mỹ) đã được vinh danh là một trong 40 nhà khoa học trẻ ưu tú nhất, tại vòng chung kết của Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khoa học Regeneron, cuộc thi khoa học và toán học lâu đời nhất tại Mỹ dành cho học sinh trung học.

"Chỉ khâu được phủ một vật liệu dẫn điện có thể cảm nhận những thay đổi trong vết thương và gửi tín hiệu đến điện thoại thông minh của bác sĩ hoặc bệnh nhân. Tôi biết rằng công nghệ đắt tiền này sẽ không phải là một lựa chọn dễ tiếp cận đối với các nước đang phát triển. Do đó, tôi muốn tạo ra giải pháp kinh tế và hiệu quả hơn", Taylor giải thích về phát minh của mình.

Taylor cũng đặc biệt bị thu hút bởi các số liệu thống kê về tình trạng nhiễm trùng sau các ca mổ phụ sản. Ở một số quốc gia châu Phi, có tới 20% số phụ nữ sinh mổ bị nhiễm trùng vết mổ (theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO). Da người khỏe mạnh có tính acid tự nhiên, với độ pH khoảng 5, nhưng khi vết thương bị nhiễm trùng, độ pH của nó tăng lên khoảng 9. Những thay đổi về độ pH không cần phải được phát hiện bằng thiết bị điện tử, mà nhiều loại trái cây và rau quả cũng sẽ làm được điều đó. Và đó chính xác là những gì Taylor đã sử dụng - cụ thể là củ cải đường.

"Tôi thấy rằng củ cải đường đổi mầu ở điểm pH hoàn hảo. Nước ép củ cải đỏ tươi chuyển sang mầu tím sẫm ở độ pH bằng 9. Khi phát hiện ra điều đó, tôi giống như: Ồ, được rồi. Củ cải đường đã tìm được vị trí xứng đáng!", Taylor chia sẻ. Với phát minh của mình, Taylor hy vọng các vết khâu sẽ giúp bệnh nhân và bác sĩ phát hiện nhiễm trùng sớm nhất có thể, để họ có thể được chăm sóc y tế trong thời gian vàng. Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu này của cô cũng tiếp thêm nguồn cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ, những người có chung niềm đam mê với khoa học.

Bộ công cụ cho các nhà hoạt động môi trường

Năm 2022, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tập hợp một nhóm các bạn trẻ, để cùng nhau tạo ra một bộ công cụ, hướng dẫn tìm hiểu các khái niệm chính về biến đổi khí hậu, quản lý hoạt động môi trường, đồng thời thu hút nhiều người trẻ hơn nữa tham gia vào các dự án vì cộng đồng.

Được điều chỉnh từ Các Nhà hoạt động trẻ vì khí hậu ở Mỹ latin và Caribbe, bộ công cụ mới mang tên Hành động vì khí hậu dành cho giới trẻ được cải tiến, chứa đựng nhiều thông tin hơn, bắt mắt, sinh động hơn, cung cấp kiến thức, công cụ, nguồn lực cho những người trẻ bắt đầu tham gia vào hoạt động khí hậu.

Kherann Yao là cô sinh viên 25 tuổi, đồng thời là người sáng lập Hiệp hội Môi trường GreenIvory - nhóm các nhà hoạt động trẻ hoạt động để bảo vệ, gìn giữ và cải thiện môi trường ở Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà). Các hoạt động của Kherann tập trung vào việc kết nối chặt chẽ với trẻ em, cũng như thường xuyên tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức ở các trường tiểu học.

Kherann cũng vinh dự được trở thành một Nhà vận động Thanh niên của UNICEF. Cô tham gia vào quá trình thực hiện bộ công cụ, với kỳ vọng có thể kêu gọi sự tham gia tích cực hơn của những người bạn đồng niên: "Các bạn trẻ có thể chủ động trồng cây xanh để giảm lượng khí thải CO2 vào bầu khí quyển; sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như xe buýt, xe lửa, xe đạp và đi bộ trong khoảng cách ngắn. Chúng ta cũng có thể thực hiện các dự án ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu trong cộng đồng, như tôi đang làm ở đất nước mình, bằng cách dạy các giá trị sinh thái cho trẻ em".

Nữ sinh giải cứu nạn nhân bạo lực gia đình

Trong thời gian ở nhà vì đại dịch Covid-19, Krystyna Paszko, học sinh trung học ở Ba Lan, dành nhiều thời gian hơn để quan tâm đến các vấn đề thời sự. Trong đó, những báo cáo về bạo lực gia đình đang gia tăng trong đại dịch khiến cô bé lo lắng hơn cả. Khi tìm hiểu kỹ hơn, Krystyna biết đến một sáng kiến tại Pháp, nơi mọi người có thể đến gặp dược sĩ và yêu cầu một chiếc mặt nạ đặc biệt, để ngầm báo cáo rằng họ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Từ cách làm đó, cô bé học sinh trung học đã nảy ra một sáng kiến phù hợp hơn dành cho phái nữ - đối tượng nạn nhân chủ yếu của các vụ bạo lực gia đình.

Krystyna thành lập một kênh giải cứu, với giao diện là một cửa hàng mỹ phẩm trực tuyến, mà nạn nhân có thể truy cập ngay tại nhà để yêu cầu trợ giúp. Do đó, việc liên hệ với bên ngoài của họ sẽ bớt nguy hiểm hơn, bởi nó trông có vẻ như họ chỉ đang mua sắm online. Khi mở một cuộc trò chuyện với tư vấn viên bán hàng, nạn nhân sẽ được kết nối ngay với một nhà tâm lý học. Khi nạn nhân chốt đơn đặt hàng tới địa chỉ nhà, điều đó tương đương với lời cầu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng.

Khi chia sẻ ý tưởng của mình lên Facebook, cô đã nhận được rất nhiều phản hồi và sự quan tâm. Nhờ đó, cô bé đã tự tin hơn, và chủ động liên hệ với tổ chức Trung tâm Nữ quyền Ba Lan. Ngay lập tức, tổ chức này đã đề nghị các nhà tâm lý học và luật sư hỗ trợ trên trang web. Ý tưởng của Krystyna (ảnh dưới) cũng giành được khoản trợ cấp khoảng 12.000 USD từ Liên minh châu Âu (EU). Kể từ khi ra mắt, hơn 350 người đã liên hệ với trang web. Hầu hết các nạn nhân đều dưới 40 tuổi.