Độc đáo nghề nuôi ong trên cây

Mật ong Bashkir từ vùng Bashkortostan (LB Nga) là một trong những loại mật ong hảo hạng nhất của “xứ sở bạch dương”, được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Để có được thứ “lộc trời” này, người dân Bashkortostan có một cách chăm sóc ong thật sự độc đáo.

Ông Fanis trèo lên cây kiểm tra tổ ong.
Ông Fanis trèo lên cây kiểm tra tổ ong.

Từ TP Ufa, thủ phủ CH Bashkortostan (LB Nga), chúng tôi lái xe vượt quãng đường 50 km để đến làng Ivano-Kazanka ở vùng Iglinsky. Hai bên đường, những cánh đồng hoa vàng, hoa tím bạt ngàn rực rỡ trong cái nắng tháng 7 tại khu vực phía nam Ural - dãy núi được xem là đường phân giới giữa châu Âu và châu Á.

Ông Fanis Khalilov, một thành viên trong gia đình đã bốn đời nuôi ong có tiếng trong vùng, đón chúng tôi từ cổng. Đưa cho mỗi người một chiếc mũ lưới trùm từ đầu đến vai, ông dẫn đoàn vào rừng theo con đường đất mấp mô khá hẹp. Men theo rìa rừng, chúng tôi dừng lại trước một cây thông có thân to bằng vòng tay người lớn. Chỉ vào ký hiệu bằng tiếng Nga được khắc trên cây, ông Fanis giải thích, nếu người khác nhìn thấy dấu hiệu này, họ tự biết đây là cây của ông. “Không có văn bản nào hết, nhưng chúng tôi tự hiểu không ai được động vào bầy ong của người khác”. 

Tiếp đó, ông Fanis chỉ tay lên phía trên cây. Cách mặt đất khoảng 7 m, một bầy ong đậm mầu đang vây quanh một khúc gỗ trông như cành cây gãy. Đó là cửa vào “tổ ong nhân tạo”, hay còn gọi là bộng ong. Ở mặt bên cạnh, một lớp lá khô phủ lên một tấm gỗ dài khoảng 50 cm, rộng 10 cm. Đây là vị trí mà ông Fanis khoét bộng từ đầu, sau cũng thành cửa để khai thác mật.

Đàn ong thường vào tổ từ cuối tháng 5. Ông Fanis và những người nuôi ong trên cây ở Bashkortostan phải chuẩn bị bộng từ trước cả năm. Hiểu đặc tính đàn ong hay làm tổ trong các thân cây bị sét đánh, những người nuôi ong đã dùng lửa để khò bộng. Tổ ong nhân tạo phải để khô ít nhất sáu tháng. Để kéo đàn ong đến làm tổ, ông Fanis treo vào bộng những tấm sáp ong và các loại cỏ thơm tự nhiên.

Những người như ông Fanis chỉ khai thác mật một lần trong năm, sau ngày 15/9. Ông giải thích, vì thời điểm đó, đàn ong hầu hết đã trưởng thành và việc khai thác mật sẽ không làm hại bầy ong. Khai thác xong, ông Fanis bỏ lại ít mật trong tổ để nuôi đàn ong trong bảy tháng mùa đông lạnh giá. “Mùa đông nhiệt độ có hôm xuống -40oC, bầy ong có thể ở yên trong tổ mà không bị chết”, ông giải thích. 

Mỗi năm, ông Fanis thu khoảng 10 kg mật ong trên mỗi cây. Cũng theo ông, cả vùng Bashkortostan chỉ được khoảng 5 tấn mật dạng này, nên sản phẩm có giá cao. “Chất lượng mật được bảo đảm. Ong sống trong cây thông hầu như không bị bệnh. Nhựa thông được xem như thuốc sát trùng, kháng sinh cho bầy ong”, ông Fanis giải thích. Ông cho biết thêm, Hiệp hội nuôi ong tự nhiên của Nga không ít lần bày tỏ lo ngại rằng nhiều người kinh doanh mật ong vì lợi nhuận, đã sử dụng nhiều thuốc kháng sinh cho bầy ong. Chúng lai tạo với những cá thể khỏe mạnh, khiến đàn yếu đi, chất lượng mật ong vì thế cũng bị ảnh hưởng. 

Đưa chúng tôi ven theo rìa rừng thăm chục cây thông được đánh dấu, ông Fanis kể lại, những ngày mùa đông phải lội tuyết ngập đến bụng để đục bộng, hay những lần ngã từ trên cây, cả những lần bị ong đuổi chỉ còn cách nhảy xuống hồ. Khi được hỏi lý do chọn công việc này, ông Fanis cười nói: “Vì thương hiệu mật ong hảo hạng Bashkir. Vùng Bashkortostan có hơn 300 loại thực vật ra hoa cho ong kiếm mật. Trong mật chúng tôi khai thác được, có lẫn cả phấn hoa, được xem rất có lợi cho sức khỏe con người”, ông cho biết.

Để tăng năng suất mật, ông Fanis cũng như nhiều người khác ở Bashkortostan đã xử lý các thân cây khô thành nơi cho ong làm tổ, tạo ra các trang trại nuôi ong. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển du lịch CH Bashkortostan, ông Fanis đã phát triển trang trại ong thành một khu sinh thái, góp phần phát triển du lịch địa phương. Sự sáng tạo và nỗ lực của những người nuôi ong như ông Fanis đang giúp địa phương bảo tồn truyền thống nuôi ong từ xa xưa, cũng như giữ thương hiệu mật ong Bashkir trứ danh của vùng.