Mất cân bằng các trụ cột phát triển
Nhìn nhận từ góc độ quản lý đô thị, ông Trần Quang Thái, Phó Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: Nguyên nhân khiến ô nhiễm tại các đô thị lớn ngày càng "xấu" là do sự gia tăng về các hoạt động kinh tế, giao thông, xây dựng, và cả ý thức tiêu dùng, phát thải của chính con người. Nhất là tại các đô thị, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, sự phát triển công nghiệp lớn, nhưng lại không bảo đảm thực thi đầy đủ các tiêu chuẩn quy định, dẫn đến ô nhiễm. Trong khi, ở nước ta vẫn chưa có đủ điều kiện khoa học công nghệ để giảm ô nhiễm môi trường. Cụ thể, từ năm 2000-2005, chúng ta mới chỉ quan tâm đến chất lượng nước, rác thải chứ chưa quan tâm chất lượng không khí. Cùng đó, sự gia tăng dân số đột biến tại các đô thị nhưng cơ quan chức năng chưa dự báo chính xác, và chưa bảo đảm được các tiêu chuẩn sống. Nói cách khác, kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng không chú trọng đúng mức sự cân bằng, bền vững giữa các trụ cột môi trường - kinh tế - xã hội, và hệ quả là môi trường ô nhiễm.
Chuyên gia cấp cao nghiên cứu về ô nhiễm không khí của Viện Môi trường và Tài nguyên, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ông Hồ Quốc Bằng cho biết: Số liệu quan trắc cho thấy, nồng độ bụi cao và hạt bụi mịn ngày càng nhiều, vượt quá tiêu chuẩn cho phép ở TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do nguồn khí phát thải không được kiểm soát trong đời sống sinh hoạt và các hoạt động kinh doanh, sản xuất gây ra. Cụ thể, đối với bụi thì phát thải từ hoạt động giao thông do ma sát mặt đường, phanh xe, vỏ xe chiếm 37,7% trong tổng phát thải bụi của TP Hồ Chí Minh; kế tiếp là phát thải bụi từ hộ gia đình chiếm 11,4%; công trình xây dựng chiếm 9%; cửa hàng, bãi vật liệu xây dựng chiếm 7,8%; nhà hàng, quán ăn chiếm 5%... Ô nhiễm không khí tại thành phố này còn do các hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng, sản xuất nông nghiệp và làng nghề chôn lấp và xử lý chất thải rắn… từ hàng trăm nhà máy, xí nghiệp sản xuất.
Nhiều tác nhân gây ô nhiễm như vậy nhưng tại nhiều đô thị, hoạt động kiểm soát ô nhiễm còn rất hạn chế. Ðược biết từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí chung quanh, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hiện các hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí vẫn chưa được chú trọng, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều quy định, thực tế, chỉ… thực hiện trên giấy.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng không bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn dẫn đến ô nhiễm. Ảnh: HOÀNG MINH
Hoàn thiện quy định, xây dựng kịch bản ứng phó
Ngay từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch quốc gia về phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, với những giải pháp căn cơ, hạn chế tác động bất lợi tới môi trường. Ðó là, lồng ghép trong công tác quy hoạch đô thị, định hướng quy hoạch, giảm bớt phương tiện đi lại, và lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu. Tăng cường các chương trình đầu tư, xây dựng các mục tiêu tăng trưởng xanh. Giải pháp quan trọng nhất là, quản lý đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BXD quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, được hướng dẫn, giám sát định kỳ tại các thành phố trực thuộc trung ương, các đô thị loại I, II, III, IV và V. Thông tư này gồm có 24 chỉ tiêu được chia thành bốn nhóm. Trong đó, nhóm môi trường gồm 10 chỉ tiêu, đánh giá về chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị; mức độ áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo; bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm, xả thải, phát thải khí nhà kính trong phát triển đô thị.
Hiện tại, một số đô thị lớn đã và đang triển khai lập báo cáo triển khai, giám sát thực hiện. Theo đó, với 24 chỉ tiêu này, các đô thị sẽ có cơ sở giám sát các vấn đề cụ thể, điểm nào phát triển nóng hơn về môi trường, thì phải có thống kê và đưa ra biện pháp xử lý. Thí dụ, ở Hà Nội, một năm có bao nhiêu "dự án xanh", bao nhiêu "dự án tác động xấu tới môi trường", có bao nhiêu ki-lô-mét đường dành cho xe đạp, có bao nhiêu phương tiện không phát thải khí CO2 được sử dụng?... Những chỉ tiêu cụ thể này cần phải được quan tâm và thống kê rõ ràng, để định hướng phát triển đô thị xanh.
Cùng với việc thực hiện hiệu quả giám sát các chỉ tiêu, các chuyên gia môi trường kiến nghị cần xem xét quy hoạch hợp lý các khu dân cư trong đô thị. TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất, phải hạn chế xây nhà cao tầng và quy hoạch lại công viên cây xanh. Ông Thắng đưa ra thí dụ, Hà Nội đang quá nhiều nhà cao tầng, chỉ một đoạn đường Lê Văn Lương mà có những 50 tòa cao ốc, mật độ quá dày đặc. Do đó, điều chỉnh quy hoạch chính là điều chỉnh một công trình khoa học, rà soát bố trí dân cư, phát triển các đô thị vệ tinh với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân. Việc bảo vệ và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị phải được quan tâm đúng mức, kiềm chế tốc độ "bê-tông hóa" tại đô thị. Phát triển công trình xanh sẽ là giải pháp bền vững cho việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Việc tạo hành lang pháp lý đầy đủ cũng cần được chú trọng đúng mức, bởi hiện nước ta còn thiếu các quy định cụ thể để quản lý chất lượng môi trường không khí, thực hiện các biện pháp ứng phó tình trạng ô nhiễm không khí nặng tại các đô thị. Hiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào quý I-2020 và thông qua vào quý IV-2020. Dự thảo Luật này cần thiết sửa đổi, bổ sung các quy định về quan trắc, thông tin về chất lượng không khí, mô hình dự báo và cảnh báo về ô nhiễm không khí, xác lập các khu vực có nguy cơ hoặc dấu hiệu ô nhiễm không khí, kế hoạch quản lý chất lượng không khí đối với các vùng có nguy cơ hoặc dấu hiệu bị ô nhiễm, áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với trường hợp ô nhiễm không khí ở mức nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, chống ô nhiễm không khí không thể chỉ là trách nhiệm của cơ quan hữu quan, mà mỗi người dân đô thị cũng cần có ý thức để bảo vệ môi trường sống của mình.