Đò chiều thầy đưa sang sông

1 Cầu Đông Biên lặng lẽ vắt qua sông. Tháp chuông trầm mặc dưới nắng chiều. Hàng nhãn cổ thụ, mái ngói thâm u lô xô theo con phố. Phố dài theo nỗi nhớ bâng khuâng kẻ xa quê gần 20 năm mới trở lại. Mắt Quân rơm rớm khi nhìn thấy ngôi trường trung học A Hải Hậu đã gắn bó thời thơ trẻ. Cây phượng già trên sân vẫn còn kia, thắp lên vài nhánh nở muộn. Mầu hoa đỏ mảnh mai neo vào nỗi nhớ.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: LÊ ANH VÂN
Minh họa: LÊ ANH VÂN

Gỡ kính trắng, đôi mắt Quân dại khờ nhìn đám bạn đang xúm xít trước các thầy, cô giáo cũ. Nó về muộn vì phải giải quyết công việc cơ quan nên ra sân bay vội vã. Trông thấy Quân, mấy đứa bạn lô xô réo tên:

- Quân ơi lại đây! Bận gì mà về muộn thế?

Nó bẽn lẽn nhìn thằng bạn ngày xưa nổi tiếng nghịch ngợm, giờ đây đã ra dáng bệ vệ. Nhấc cặp kính trắng, cô giáo Hiền đã từng khóc vì lũ học trò nghịch như quỷ sứ ngày xưa, giờ lại rơi lệ khi nhìn chúng trưởng thành. Nhưng sao lòng nó vẫn trống trải khi vắng bóng thầy, bóng hình thân yêu mà bao năm nó âm thầm thương nhớ. Lại gần cô Hiền nay đã là hiệu phó nhà trường, Quân run run:

- Em chào cô và các bạn! Thưa cô, thầy Phạm Ngọc Mai dạy Nga văn chúng em. Em không thấy thầy tới dự buổi hội khóa hôm nay cô ạ!

Cô Hiền buồn buồn:

- Thầy già và ốm lắm rồi em ạ! Ban liên lạc của lớp có đến mời nhưng vì sức khỏe yếu, thầy không đi được.

Tim chợt thắt lại, nó lắp bắp hỏi vội:

- Thưa cô, thầy còn ở nhà cũ nữa không ạ? Em đi xa quá…

Đầu nó cúi xuống buồn bã như sám hối. Nhìn đứa học trò đã trưởng thành, cô giáo Hiền an ủi:

- Thầy vẫn ở nơi nhà cũ khu bốn, thị trấn Yên Định, em nhớ không?

2

Tiếng cô giáo đều đều bên tai, nước mắt Quân trào ra ướt gò má, kỷ niệm xưa như thước phim quay chậm. Cái dáng gầy gò, đôi mắt thông minh, nụ cười đôn hậu lại ùa về khiến nó rưng rưng. Lớp nó là lớp học tiếng Nga cuối cùng. Tiết Nga văn đầu tiên hiện ra với khuôn mặt gầy gầy, ánh mắt nghiêm nghị nhưng nụ cười hiền ánh lên trên khuôn mặt thầy. Buổi học đầu tiên, thầy nói về nước Nga xa xôi, rừng bạch dương tuyết trắng. Gió mùa thu xào xạc lá, trống trường điểm hết giờ mà cả lớp vẫn còn lưu luyến khi nghe thầy hát bài “Đôi bờ”.

3

Bố Quân ốm lay lắt lâu lắm rồi, giờ thì đổ bệnh nặng. Bố đi trong chiều đông ảm đạm. Nỗi buồn đeo bám quặn thắt tim, nó chưa đủ lớn để gồng gánh cái gia đình có năm đứa em lít nhít. Chưa đủ lớn để che chắn hết ruộng cà chua vàng ối đang chết dần vì sương muối. Lòng nó mênh mông gió, đẫm tiếng thở dài của mẹ khi nhìn lên ban thờ. Nó muốn bỏ học để ở nhà phụ mẹ trồng cấy và chăm em. Bước vào lớp mà hồn vía cứ để ở nhà, neo đậu trên những luống dưa cà đang cần người tưới tắm.

Lũ bạn hớn hở vui vẻ về nghỉ hè, nhưng Quân thì ủ rũ vì các môn khác tạm đủ điểm trung bình nhưng riêng môn Nga văn thì bài thi của nó xơi con ngỗng to tướng. Các thầy cô đã gửi điểm xuống phòng giáo vụ rồi.

Năm học mới lại về, đám học sinh đã lên lớp 11. Thầy dạy tiếng Nga năm trước tiếp tục theo lớp lên. Học sinh đứng lên chào bằng tiếng Nga Здравствуйте rộn rã, hân hoan vì được học thầy giáo cũ của mình. Nhưng lạ chưa, thầy không vui như mọi khi mà đôi mắt buồn buồn nhìn như hút về phía chỗ ngồi của Quân. Chỗ đó giờ vắng bóng nó, thay vào đó là con bé chải tóc bồng hay làm dáng trong lớp học. Thầy bỗng cất tiếng trầm trầm hỏi cả lớp:

- Bạn Quân dạo này sao rồi các con? Bạn ấy học lớp nào?

Lớp trưởng vội đứng lên:

- Thưa thầy bố bạn ấy mới mất, nhà nghèo đông em, bạn ấy lại phải lưu ban nên mẹ bạn cũng đồng ý cho ở nhà phụ giúp gia đình. Ở lại thêm năm nữa mẹ bạn ấy không nuôi được, thầy ạ!

Thầy lặng người, đôi mắt buồn thăm thẳm gật đầu cho cậu lớp trưởng ngồi xuống. Tiết học trầm, mất hẳn cái vẻ sôi nổi mọi khi. Trống điểm hết tiết. Chẳng đợi học sinh nói lời tạm biệt như mọi khi, thầy rảo bước xuống phòng giáo vụ. Cô giáo vụ xăng xái:

- Có việc gì thế thầy?

Hai bàn tay thầy vo vào nhau, bối rối và ngập ngừng:

- Tôi muốn xem lại điểm cho một học sinh. Em ấy lưu ban, tôi muốn bảo lãnh cho em ấy.

Cô giáo vụ băn khoăn:

- Cái này không được đâu thầy ơi, danh sách các lớp đã ổn định, lên lớp hay ở lại đã được hội đồng nhà trường xét duyệt rồi. Thầy sang hỏi giám hiệu xem thế nào vậy nhé!

Thầy lặng lẽ sang phòng giám hiệu và thuật lại lời em lớp trưởng, xin cam kết bảo lãnh cho Quân lên lớp.

- Tôi hứa sẽ bồi dưỡng phụ đạo cho học sinh đó tiến bộ về môn Nga văn. Tôi không đành lòng để một đứa trẻ bỏ học vì hoàn cảnh khốn khó mồ côi và lý do chính lại là trượt vì môn tôi dạy.

Nhìn khuôn mặt thiết tha và tự tin của thầy dạy tiếng Nga, suy nghĩ một lúc, thầy hiệu trưởng gật đầu chấp nhận.

4

Chiều ấy khi Quân đang ngồi bên thềm nhà vá lưới để tối nay đi thả cá ngoài sông lớn kiếm thức ăn đỡ mẹ thì tiếng xe đạp lóc cóc vào ngõ. Nhìn thấy cái bóng dáng quen thuộc của thầy, nó luống cuống toan bỏ chạy. Thầy lên tiếng:

- Không mời thầy vào nhà sao?

Quân thấy nghèn nghẹn, rồi nó òa khóc. Thầy bước đến, vỗ vai nó, ôn tồn:

- Mai con trở lại trường đi, đừng bỏ học nữa nhé! Thầy đã xin bảo lãnh cho con lên lớp rồi đó. Con phải cố mà học, sau này còn có công ăn việc làm tử tế mà phụ mẹ nuôi các em nữa chứ. Nhà con xa thế này mà ngày nào cũng đi về thì sẽ mệt lắm! Nhà thầy cũng rộng, hay con xin với mẹ đến ở nhà thầy. Thầy sẽ phụ kèm các môn học giúp con.

Mẹ nó đã về tới sân và bàng hoàng nghe lời nói của thầy. Bà sụt sùi khóc cảm tạ thầy giáo. Và xin vâng lời chuẩn bị cho con để sớm mai trở lại trường học.

Thế là Quân được lên lớp học cùng các bạn và được đến nhà thầy trọ học. Mẻ gạo ít ỏi, mớ khoai lang và bọc cà chua mẹ nó đùm vào cho con. Thầy không cho ăn riêng mà những buổi tối thầy còn cạo khoai hấp thêm vào nồi cơm cho thật đầy rồi đơm cơm cho nó vì sợ nó đói. Thầy ăn rất ít nhưng trong bữa ăn đạm bạc nhà thầy bao giờ cũng ăm ắp tiếng cười. Có quả chuối, quả na, cái kẹo thầy cũng chia phần cho nó như những đứa con của thầy. Nó cảm động rơm rớm nước mắt khi mỗi buổi tối chấm bài xong, thầy lại phụ đạo toàn bộ chương trình tiếng Nga lớp 10 cho nó. Quân học lại rất nhanh, chả mấy chốc mà đã theo kịp đứa học khá môn tiếng Nga của lớp.

Cuối năm lớp 11, Quân được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Nga văn của trường dự thi cấp tỉnh. Ngày cầm tấm giấy khen và phần thưởng trên tay, lòng nó tràn đầy xúc động. Chạy về phía thầy, nó bật khóc gọi thầy ơi. Thầy mỉm cười xoa đầu nó an ủi:

- Nín đi con! Con đã cố gắng và con xứng đáng mà. Con còn phải đi xa nữa nhé!

Thầy cười nhưng đôi mắt như có mầu nắng chan chứa tin yêu.

Quên sao được những buổi chiều hè của năm cuối cấp, Quân miệt mài ôn thi đại học. Nắng nóng, học khuya, nó gầy rộc đi. Thầy đạp xe ra tận nhà nó động viên và cho cân đường pha nước chanh bồi dưỡng. Tạm biệt xứ biển nghèo rơm rạ, Quân vào đại học với số điểm rất cao. Nó đã được đến xứ sở của bạch dương tuyết trắng, đến với Kachiusa của nước Nga xa xôi như câu chuyện thầy kể trong mỗi giờ học hôm nào.

Ngày nó đến chào thầy để đi học thì lại không gặp được vì thầy có việc phải về quê xa. Ngồi chờ bên thềm cửa tận lúc hoàng hôn buông tím con ngõ nhỏ ngan ngát hương cau, tiếng chuông gọi chiều đã muộn nhắc Quân về nhà. Nó viết thư chào thầy và để lại bên cửa sổ rồi lưu luyến ra đi.

5

Quân bước vào ngõ nhãn. Thầy gầy gò nằm trên giường, Quân run run gọi to:

- Thầy ơi! Con đã về rồi, thầy có nhận ra con không? Con là Quân, đứa học trò từng bị lưu ban được thầy cưu mang đây ạ! Thầy tha lỗi cho con thầy nhé! Con đi xa quá....

Tiếng của Quân nghẹn lại. Thầy cố ngồi dậy, nó vội bước tới đỡ thầy. Đôi mắt già nua mệt mỏi nheo nheo ánh nhìn và sáng lên niềm vui:

- Con về rồi đấy ư? Mừng con nay đã thành đạt.

Gió thu dịu dàng mang theo hương hoa móng rồng ùa vào ngõ nhỏ. Con anh vũ trong lồng chợt ríu ran: “Có khách! Có khách... Chào thầy... Chào thầy...”.

Thầy mỉm cười như nhớ lại những ngày xa vắng, đôi bàn tay vỗ vỗ lên tay Quân, đứa học trò mà thầy thương như con ruột. Nước mắt Quân rơm rớm, chợt thấy mình như bé dại trong mắt thầy. Đò chiều thầy đưa sang sông. Thầy ơi… Chúng con yêu kính thầy biết bao nhiêu.