Nhiều nhu cầu, ít lựa chọn
Ngày 21/9 vừa qua, trong buổi giới thiệu việc làm tại quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh), rất nhiều lao động đã không tìm được việc làm phù hợp. Anh Bùi Văn Thỏa (quê ở Hà Tĩnh), chia sẻ: "Em đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, do vậy chỉ cần tìm công việc không cần ký hợp đồng lao động. Nhưng ở sàn giao dịch việc làm này, em đã không được tuyển". Tương tự, chị Huỳnh Thị Đẹp (quê ở Tiền Giang) có nguyện vọng tìm công việc không cần đóng bảo hiểm xã hội, nhưng sau khi được doanh nghiệp phỏng vấn, chị đã bị loại.
Theo đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn, đơn vị cần tuyển 200 lao động cho các vị trí, nhưng chỉ nhận được vài người, phần lớn số người đến dự tuyển chỉ muốn tìm công việc mang tính thời vụ. Ông Phạm Thành Hải, đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex cũng chia sẻ một vướng mắc khác: "Công ty cần tuyển thêm hơn 100 người làm lĩnh vực thực phẩm, nhưng người đến phỏng vấn lại chưa hiểu hoặc hiểu rất ít về lĩnh vực này, nhiều người là công nhân may mặc, da giày, muốn làm được việc lại phải mất công đào tạo, do đó hai bên không "gặp" được nhau".
Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất nên phải cắt giảm nhân sự. Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các quận, huyện tổ chức thường xuyên các phiên giao dịch việc làm, kết nối nhu cầu việc làm và tuyển dụng. Tuy nhiên, qua các đợt khảo sát tại các doanh nghiệp cắt giảm lao động, có doanh nghiệp chúng tôi phát đi 6.000 phiếu để khảo sát, nhưng chỉ thu về hơn 40 phiếu có nhu cầu cần tìm kiếm việc làm, còn lại đều muốn hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Một tình trạng khác diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, đó là người lao động "chung chiêng", mới bị giãn việc, chưa nghỉ hẳn ở doanh nghiệp hiện tại, nhưng vẫn đi "thăm dò" tìm việc làm thời vụ, hoặc xem có doanh nghiệp nào đưa ra mức lương cao hơn tại các phiên giao dịch việc làm. Ông Đặng Tấn Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương) cho biết, nhu cầu tìm việc thời vụ, mỗi tuần vài buổi, hoặc tìm việc trong thời gian vài tháng để cải thiện cuộc sống là có thật. Nhiều người đang rất khó khăn. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. "Nhưng cũng phải nói rằng, công nhân bị tạm nghỉ việc ba đến năm tháng nhận mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến một triệu đồng là không thể đủ để trang trải cuộc sống", ông Đạt nêu.
Một vấn đề khác nữa đang diễn ra là mức thu nhập ở doanh nghiệp chưa đủ sức hấp dẫn, trong khi chi phí sinh hoạt, giá cả các dịch vụ, mặt hàng tăng cao, gây khó khăn cho người lao động. Như tại Nghệ An, hơn 300 doanh nghiệp đang cần tuyển nhân sự cho hơn 49.000 vị trí việc làm, trong đó rất nhiều doanh nghiệp đã đăng tuyển sáu tháng mà chỉ nhận được "nhỏ giọt" vài người.
Giải pháp đa tầng
Thực tế, có hơn 60% số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là lao động giản đơn. Nhiều người mất việc nhưng không mặn mà với việc học nghề để nâng cao kỹ năng lao động hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Không ít người quên quyền lợi được hỗ trợ học nghề. Bởi thế, cần tuyên truyền sâu rộng để người thất nghiệp hiểu đúng về sự nhân văn của chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giúp họ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, từ thực tiễn có thể thấy vướng nhất ở hai vấn đề, là chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động thất nghiệp và người bị giãn việc, mất việc trong một thời gian nhất định. "Ở đối tượng thứ nhất đặt ra bài toán chuyển đổi nghề nghiệp cho người thất nghiệp, cụ thể là phải dạy nghề giúp họ chuyển việc làm mới, hoặc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nhận vào và đào tạo ngắn hạn để người lao động có thể làm được việc. Ở đối tượng thứ hai, cần thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ người lao động "cầm cự" và tìm việc làm mới phù hợp. Các sàn giao dịch việc làm nên tìm hiểu thị trường, kết nối tốt hơn để lao động thời vụ tìm được công việc phù hợp", ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội cho rằng, hiện nay cả người lao động và doanh nghiệp đều cần "trợ lực" vượt qua khó khăn. Trước mắt, cần các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ công nhân tiếp cận các mặt hàng giảm giá bảo đảm chất lượng; giảm thuế, hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, giữ chân người lao động.
Về lâu dài, cơ quan chức năng cần đầu tư xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng, từ cấp quận, huyện đến tỉnh, thành phố và rộng hơn là cấp toàn quốc, tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và nhất là người lao động và người sử dụng lao động. Để từ đó có các đánh giá, phân luồng giáo dục, đào tạo, chọn ngành, lĩnh vực…
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những năm tới, thị trường lao động Việt Nam sẽ nổi lên bốn xu hướng, gồm: gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; gia tăng "khởi nghiệp, tự tạo việc làm"; lao động giản đơn sẽ rơi vào thế yếu.