Theo hãng tin Sputnik, Bộ trưởng Ngoại giao Bolivia, Rogelio Maita vừa thông báo nước này muốn gia nhập BRICS và sẽ tham dự Hội nghị cấp cao BRICS được tổ chức tại thành phố Johannesburg của Nam Phi từ ngày 22 đến 24/8 tới. Bolivia là quốc gia mới nhất đề nghị được trở thành thành viên của BRICS. Trước đó, ngày 20/7, Đại sứ lưu động tại châu Á và khối BRICS của Nam Phi Anil Sooklal cho biết, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập nhóm các quốc gia mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi này.
Ông Sooklal nêu rõ, ngoài 22 quốc gia đã chính thức yêu cầu tham gia, số tương đương các quốc gia khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc trở thành thành viên BRICS, bao gồm cả các quốc gia lớn ở Nam Bán cầu.
Tại hội nghị cấp cao BRICS tới, việc kết nạp thêm thành viên là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự. Giới chức Nam Phi muốn BRICS trở thành khối mạnh nhất của thế giới đang phát triển. Các nước như Argentina, Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Cuba, CHDC Congo, Comoros, Gabon và Kazakhstan đều bày tỏ quan tâm tới khả năng trở thành thành viên của khối.
BRICS được thành lập năm 2006, được coi là có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. BRICS đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng của thế giới, chiếm khoảng 26% diện tích đất và 42% dân số trên thế giới. Dự báo đến năm 2050, nền kinh tế của các nước BRICS dự kiến sẽ cạnh tranh với nền kinh tế của các nước giàu nhất thế giới. Nhóm này cũng được hiểu là một “cực” thương mại, kinh tế và chính trị trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh địa- chính trị sâu sắc.
Giữa lúc thế giới đối mặt nhiều cuộc xung đột, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo vẫn là ưu tiên lớn nhất của BRICS, đồng thời cam kết dành nguồn lực xứng đáng nhằm khắc phục thách thức hàng đầu này. Đó là lý do vì sao BRICS trở thành nơi “đất lành chim đậu” mà hàng chục quốc gia trên thế giới đều mong muốn được gia nhập.