Đan rộng lưới an sinh

Trong suốt những năm qua, công tác an sinh xã hội ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành quả tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn. Đó là kết quả tất yếu khi vấn đề an sinh xã hội luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng, Nhà nước với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau".
0:00 / 0:00
0:00
Nhận được những món quà ý nghĩa trong chương trình Xây Tết 2024 do Báo Nhân Dân phối hợp Tập đoàn Coteccons tổ chức, công nhân công trường Ecopark đều vui mừng và phấn khởi. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Nhận được những món quà ý nghĩa trong chương trình Xây Tết 2024 do Báo Nhân Dân phối hợp Tập đoàn Coteccons tổ chức, công nhân công trường Ecopark đều vui mừng và phấn khởi. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Dấu mốc định hình chính sách an sinh xã hội

Tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách" là truyền thống nhân văn, lối sống tốt đẹp từ ngàn đời của người dân đất Việt. Truyền thống đó luôn được gìn giữ, nối dài và bước sang trang mới khi được văn bản hóa.

Nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn.

Đó là tinh thần của Đảng về vấn đề này trong Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Trước đó, khái niệm và cụm từ "an sinh xã hội" lần đầu chính thức được sử dụng trong Văn kiện Đại hội IX của Đảng (tháng 4/2001) đã ghi dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển hệ thống an sinh xã hội nước ta.

Và tại Nghị quyết số 15-NQ/TW khóa XI của Đảng về "một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020", Đảng ta đã xác định chủ trương đổi mới mô hình an sinh xã hội theo hướng xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, bảo đảm bền vững, công bằng.

Thực tế, sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, lĩnh vực an sinh xã hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta khi đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Điểm nổi bật là hệ thống chính sách an sinh xã hội không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh đối với người dân theo quy định của Hiến pháp.

Đơn cử, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và xã hội đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả.

Đến nay, cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công, hơn 1,2 triệu người đang hưởng ưu đãi hằng tháng, cơ bản hỗ trợ dứt điểm đối với hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở, với 339.116 hộ người có công được hỗ trợ sau rà soát…

Đan rộng lưới an sinh  ảnh 1

Thắm đượm tình quân dân trong hoạt động chăm lo Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: KHIẾU MINH)

Việt Nam - "điểm sáng" về giảm nghèo

Trong suốt những năm qua, công tác an sinh xã hội ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành quả tích cực, chính sách không ngừng cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn.

Đặc biệt, Việt Nam đã là "điểm sáng" về giảm nghèo trên thế giới, khi hoàn thành sớm Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, và trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, nhằm bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân, hướng tới hỗ trợ toàn diện cho người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, các phong trào, chương trình đầy nhân văn, như: Phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động; Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo"; Hay chương trình "Tháng cao điểm Vì người nghèo"… được triển khai thường niên góp phần chăm lo giúp đỡ người nghèo, người yếm thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Cùng với chính sách vì người nghèo, nhiều chính sách an sinh xã hội khác cũng được thực hiện tốt. Đơn cử, giai đoạn 2020-2022 - thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân cả nước, tinh thần tương thân, tương ái đã được nâng cao và lan tỏa rộng khắp toàn xã hội.

Giai đoạn đó, riêng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và thực hiện an sinh xã hội được hơn 19.313 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khi truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã bày tỏ niềm tự hào khi chia sẻ, trên nhiều diễn đàn quốc tế, những thành tựu, kết quả mà Việt Nam có được về an sinh xã hội nhờ phát huy hiệu quả sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Tạo cơ chế thích ứng xu thế chuyển đổi số

Dẫn việc trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách bảo đảm để các nhóm dễ bị tổn thương cũng được thụ hưởng các thành tựu kinh tế-xã hội một cách công bằng như mọi người dân, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh đánh giá, cơ bản hệ thống chính sách an sinh xã hội hiện nay đã và đang góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt trước những tác động của các xu hướng mới nổi hiện nay như dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Thanh, thực tế cho thấy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được cũng tồn tại một số hạn chế trong vấn đề này. Đơn cử, tư duy quản lý về an sinh xã hội của một bộ phận thực thi chính sách còn chưa theo kịp quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và nền kinh tế số; các sản phẩm dịch vụ an sinh xã hội còn chưa thật sự sáng tạo, phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Chia sẻ với quan điểm này, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa nhìn nhận, chính sách an sinh xã hội đã khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, kéo giảm và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong xu thế chuyển đổi số, chính sách này cần phải thích ứng và tạo cơ chế bao phủ toàn diện, an toàn, hiệu quả hài hòa khi Nhà nước - doanh nghiệp - người dân cùng đồng hành để bảo đảm "vòng tay nhân ái" luôn được nới rộng và có sự hỗ trợ bằng các "lưới" an sinh xã hội.