Hồ Chí Minh với chủ trương trọng dụng nhân tài

NDO - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam vốn rất coi trọng nhân tài với quan niệm hiền tài là nguyên khí của quốc gia, hiền tài mạnh thì nước thịnh, hiền tài yếu thì nước suy. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, các bậc trí giả, hiền tài càng không thể thờ ơ với vận mệnh quốc gia, dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964. (Ảnh tư liệu)

Kế thừa và phát triển tinh hoa của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là điển hình, mẫu mực của nhận thức và chủ trương trọng dụng nhân tài, nuôi dưỡng và bồi đắp nguyên khí quốc gia.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch với 15 Bộ trưởng. Theo đề nghị của Hồ Chí Minh, cần mời những nhân sĩ, trí thức có uy tín tham gia Chính phủ, vừa phát huy sức mạnh đại đoàn kết của chính quyền nhân dân, vừa đề cao trách nhiệm của nhân tài đối với đất nước. Trong thành phần Chính phủ, cùng với các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh như: Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Chu Văn Tấn, có tới chín vị là nhân sĩ, trí thức, trong đó tiêu biểu là: Nguyễn Văn Tố, Phạm Ngọc Thạch, Vũ Trọng Khánh, Đào Trọng Kim, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận,...

Năm 1946, Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ với cương vị Bộ trưởng Nội vụ, và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp từ tháng 5/1946 đến tháng 10/1946, cụ Huỳnh là Quyền Chủ tịch Chính phủ. Hồ Chí Minh đề nghị cụ Nguyễn Văn Tố tham gia công việc của Quốc hội với vai trò Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội). Hồ Chí Minh cũng viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn cống hiến tài năng cho đất nước và cụ Bùi giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội trong nhiều năm. Hồ Chí Minh và Quốc hội chọn bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca.

Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo cuộc kháng chiến vì mục tiêu hòa bình và độc lập hoàn toàn, đồng thời đẩy mạnh sự nghiệp kiến thiết đất nước về mọi mặt. Kháng chiến và kiến quốc quan hệ mật thiết và quyết định lẫn nhau và đều cần có nhân tài. Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78/SL thành lập Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết làm tư vấn cho Chính phủ về kế hoạch kiến thiết quốc gia, về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, văn hóa, xã hội. Ủy ban gồm 40 vị là các trí thức, nhân sĩ có uy tín và ngày 14/1/1946 bổ sung 10 vị vào Ủy ban. Ủy ban có quyền giao thiệp với tất cả các bộ để thu thập tài liệu.

Trên báo Cứu quốc số 91, ngày 14/11/1945, Hồ Chí Minh đăng bài Nhân tài và kiến quốc. Người nêu rõ, muốn giữ vững nền độc lập thì phải đem hết lòng hăng hái vào con đường kiến quốc. “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(1). Hồ Chí Minh nêu rõ cần nhất là kiến thiết ngoại giao, kinh tế, quân sự, văn hóa. “Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”(2).

Ngày 20/11/1946, trên báo Cứu quốc số 411, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh có bài Tìm người tài đức. Chủ tịch nhấn mạnh kiến thiết cần phải có nhân tài, trong số 20 triệu đồng bào “chắc không thiếu người có tài có đức”. Chính phủ có thể nghe không đến, thấy không khắp, nên các bậc tài đức không thể xuất thân. “Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”(3).

Hồ Chí Minh chú trọng tìm người tài đức trong quần chúng nhân dân trong nước, đồng thời kêu gọi các bậc trí thức có tài năng và tinh thần yêu nước đang ở nước ngoài trở về Tổ quốc để đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Nhiều người đã về nước tận tụy vì nước, vì dân. Tiêu biểu là các nhà khoa học: Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Lương Định Của, Nguyễn Khắc Viện,...

Với niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, vào chế độ mới và kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc nhân sĩ, trí thức đã tận tụy với đất nước, nhân dân và Chính phủ, đi suốt hai cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ và cả thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc. Đó là các vị: Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Đình Thảo, Phan Kế Toại, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng,... Đặc biệt, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên giữ trọng trách Bộ trưởng Giáo dục suốt từ năm 1946 đến năm 1975. Ngành giáo dục trong 30 năm đó đã đào tạo được nhiều cán bộ khoa học, nhân tài của đất nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều bậc nhân sĩ, trí thức nổi tiếng đã hăng hái tham gia hai cuộc kháng chiến cứu nước và có những người đã anh dũng hy sinh: Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm, Nam Cao, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch,... cùng nhiều người khác.

Cần nhấn mạnh vai trò của nhân tài trong Đảng. Thời kỳ đầu mới thành lập Đảng và thực hiện sự lãnh đạo, trong Đảng đã xuất hiện những nhà lãnh đạo kiệt xuất: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Các bậc hiền tài đó đều được ảnh hưởng từ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Có đồng chí được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lựa chọn, đào tạo.

Từ khi về nước, năm 1941, và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến, xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh đã quy tụ quanh mình những đồng chí, học trò, cộng sự xuất sắc: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh… và nhiều đồng chí ưu tú khác. Đó là Ban lãnh đạo cách mạng Việt Nam trí tuệ, tài năng, đức độ, gương mẫu và có uy tín lớn trong Đảng và nhân dân, bảo đảm đưa sự nghiệp cách mạng đi tới thắng lợi.

Hồ Chí Minh coi trọng phát hiện, lựa chọn, đào tạo nhân tài trong Đảng. Xây dựng một Đảng trí tuệ, coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(4).

Hồ Chí Minh với chủ trương trọng dụng nhân tài  ảnh 1

Tác phẩm Bác Hồ với thiếu nhi (màu nước-năm 1973). Họa sĩ: LÊ DUY ỨNG

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(5). Để trở thành một dân tộc văn minh, thông thái phải ra sức học tập, từ độ tuổi đến trường đến người lớn đều phải học, học suốt đời. Chỉ có học, dân tộc Việt Nam mới “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”. Nhân tài không tự nhiên mà có. Phải xây dựng nền giáo dục quốc gia hiện đại. Hồ Chí Minh chú trọng lựa chọn, trọng dụng nhân tài trong dân tộc và trong Đảng.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (10/2023) đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới với tinh thần trọng dụng nhân tài, có chế độ đãi ngộ xứng đáng và đề cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức. Với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc rất cần có nhiều nhân tài của thời đại Hồ Chí Minh.
-----------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011,tập 4, trang 114.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, trang 114.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, trang 504.
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 313.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, trang 7.