BẢN HÒA TẤU BÊN DÒNG ĐA NHIM

Nghệ nhân ưu tú Ma Bio dạy học trò đánh chiêng.

Nghệ nhân ưu tú Ma Bio dạy học trò đánh chiêng.

Tây Nguyên vào xuân, nắng khẽ khàng như điệu Đămtơra của người Chu Ru bên dòng Đa Nhim êm đềm. Mùa xuân, đến với buôn làng người Chu Ru ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, để được thổn thức trong bản hòa tấu của thanh âm truyền thống và những điệu dân vũ, trong hội đoàn viên Tơigum Pơtom bên ngọn lửa thiêng đại ngàn.

Dòng Đa Nhim khởi nguồn từ cao nguyên Lang Biang, uốn lượn theo chân đồi rồi hợp lưu với dòng Đạ Yờng xuôi về vùng đông nam bộ thành sông Đồng Nai. Ở hạ lưu phía đầu nguồn con sông ấy là nơi có số đông người Chu Ru sinh sống. So các dân tộc khác đã tụ cư lâu đời trên núi rừng nam Tây Nguyên, người Chu Ru là thành viên mới. Họ quần cư giữa triền thấp nhất của miền thượng du như sự ấn định của cư dân lúa nước, dân số khoảng 22,4 nghìn người.

Ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, những buôn làng của người Chu Ru làng nối làng. Buôn làng mở hội, trai tráng vào rừng tìm cây gỗ quý dựng nêu, phụ nữ cần mẫn vót sợi trang trí, người già thì lo chuyện lễ nghi, tiếp đón. Đêm nay có hội, lửa đã bừng cháy, làng người Chu Ru rộn rã thanh âm của của sơgơr (trống), sar (đồng la), rơkel (kèn bầu)… Những vũ điệu tamya huyền diệu, đắm say; điệu ơ đó, ha ri dặt dìu, tình tự, chẳng hề vội vã, cứ đong đưa mơn man. Bản hòa tấu thanh âm trong đêm hội của người Chu Ru như dòng suối trôi đi như thế.

Item 1 of 3

Thiếu nữ Chu Ru.

Thiếu nữ Chu Ru.

Thiếu nữ Chu Ru.

Thiếu nữ Chu Ru.

Thiếu nữ Chu Ru.

Thiếu nữ Chu Ru.

Nghệ nhân ưu tú Ma Bio cho biết: “Tamya là múa. Còn arya, t’rumpô, păhgơnăng, damtơra... là các vũ điệu. Tamya như xoang phổ biến Tây Nguyên vậy. Có hội là có tamya, có xoang; đó là điệu vũ mang tính cộng đồng, cộng cảm. Với người Chu Ru, khi có các điệu tamya thì phải có nhịp điệu sơgơr, sar, rơkel”.

Lửa bập bùng, nhịp trống, nhịp chiêng thôi thúc những đôi chân trần chàng trai, cô gái miền sơn cước. Bà Ma Bio khơi điệu arya, điệu dân vũ mời khách thưởng thức rượu cần và nhảy múa. Arya theo tiếng Chu Ru nghĩa là nhịp chiêng và cũng là tên một vũ điệu dân gian của họ. Đây là vũ diệu mang tính cộng đồng cao, thể hiện tình đoàn kết dân tộc và thường được sử dụng trong các lễ hội, kết giao, động tác khá đơn giản, nên nhiều người đều có thể hòa nhịp.

“Arya, vũ điệu mở đầu và kết thúc tùy thuộc vào không khí, thời gian của lễ hội, cuộc kết giao. Nói đơn giản, nhưng sự tinh tế nằm ở hình thái những ngón tay, ai tinh ý đều có thể nhận ra người nào múa đẹp”, Nai Luyến, học trò của nghệ nhân Ma Bio, chia sẻ.

Nghệ nhân ưu tú Ma Bio dạy học trò thổi kèn bầu.

Nghệ nhân ưu tú Ma Bio dạy học trò thổi kèn bầu.

Nếu arya là vũ điệu phần lớn dành cho các cuộc vui, thì t’rumpô (tamya tín ngưỡng) được coi là vũ điệu thiêng, chặt chẽ trong khúc thức, nhã nhặn trong nhịp điệu mời thần. Trong đời sống tín ngưỡng của người Chu Ru, họ thường thờ thần lúa, thần đình, thần đập nước, thần cây cổ thụ… và được cúng tế theo chu kỳ nhất định, do cộng đồng quy ước. Thường sau những nghi thức tín ngưỡng là vũ điệu t’rumpô, kết nối thần linh.

“Người Chu Ru còn có vũ điệu dămtơra kết nối gái trai, thường gọi là là vũ điệu giao duyên. Bởi thế, nên người Chu Ru cứ lớn lên là biết múa điệu này. Vũ điệu có tiết tấu nhạc đệm rộn ràng, cởi mở, có thể sáng tạo theo ngẫu hứng. Đây cũng là dịp để trai gái kết giao, con gái tìm người mình ưng ý để bắt chồng”, bà Ma Bio nói.

Điệu arya mời gọi.

Điệu Damtora kết nối gái trai.

Điệu Tamya quyến rũ.

Đêm tận hưởng niềm vui, âm nhạc, điệu vũ trong hội Tơigum Pơtom, mọi người, không phân biệt già trẻ, gái trai, cùng ăn những món thần linh ban cho, sản vật nhờ thần linh mới có, được vít cong cần rượu nghiêng ngã đêm rừng, được chuyện trò, kết giao, múa hát… trong tiếng chiêng, tiếng trống, kèn bầu khoan nhặt đắm say.

Điệu Tamya quyến rũ.

Điệu Tamya quyến rũ.

Khi ánh trăng khuất phía cuối buôn, lại tấu khúc păhgơnăng bịn rịn tiễn đưa khách. Già Ya Tuân, người am tường văn hóa Chu Ru cho biết, vũ điệu t’rumpô, arya người múa luôn chuyển động theo hình tròn đi ngược chiều kim đồng hồ; còn păhgơnăng lại múa hàng ngang, tiến và lùi đều đặn. Nhạc đệm của vũ điệu này lúc đầu sôi nổi, vui nhộn và càng về sau được điều tiết chậm hơn, ý nhạc thể hiện sự bịn rịn khi tiễn khách ra về.

Buôn làng Chu Ru vào hội.

Buôn làng Chu Ru vào hội.

Tamya được sinh ra trên chính nền âm nhạc cổ cùng tên với điệu vũ. Bởi vậy, trình điễn ngôn ngữ hình thể không thể thiếu nhịp chiêng và ngược lại, điệu chiêng ngân dài mà vắng tamya cũng sẽ lạc phách, thiếu sự khơi gợi. Chiêng, trống, kèn bầu và tamya phải quyện hòa, khi mải miết rong chơi trên đỉnh núi lớn, khi dặt dìu trong những vòng xoang, cùng vui ngày hội…

Ngày xuất bản: 5/2/2024
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh
Nội dung và ảnh: Mai Văn Bảo
Trình bày: Dương Dương