Cuộc cạnh tranh về giá

Sau cuộc đua về số lượng cửa hàng, ngành bán lẻ lại đang bắt đầu một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá bán.

Minh chứng tiêu biểu nhất là gần đây, những lãnh đạo của Thế giới di động, Điện máy xanh, các hệ thống bán lẻ vốn đặt chất lượng dịch vụ lên hàng đầu, cũng đã tuyên bố sẽ cạnh tranh về giá. Ngay lập tức những chương trình giảm giá được các đơn vị này ồ ạt tung ra và tất nhiên kéo theo rất nhiều khách hàng. Nhưng câu hỏi, liệu cuộc chiến giá này sẽ dẫn đến kết cục như thế nào? Liệu có giống như cuộc cạnh tranh chuỗi, đơn vị nào mở chuỗi tốc độ chậm hơn, thua thiệt, nhiều khả năng bị đào thải?

Cạnh tranh về giá không phải là giải pháp gì mới, nhưng mấu chốt phải kèm theo việc đáp ứng về số lượng, nghĩa là giảm giá thì phải tăng được doanh số đủ lớn để vẫn bảo đảm lợi nhuận tổng thể, hoặc hưởng những chiết khấu từ nhà sản xuất. Nhưng điều ai cũng thấy hiện nay chính là sức mua có phần chững lại, thì liệu tiêu chí doanh số có thể được đáp ứng trong dài hạn hay không? Ở đây chưa bàn đến sức mua, thì những sản phẩm chẳng hạn như máy lạnh, tivi, tủ lạnh đều có số năm sử dụng dài hơn điện thoại, nên khó lòng có chuyện người mua “lên đời” liên tục. Như vậy, các nhà bán lẻ sẽ phải tiếp tục tìm ra những dải sản phẩm mà người mua có nhu cầu, tức là thử nghiệm những sản phẩm mới. Nhưng như đã thấy, việc các hệ thống chuyển sang bán mắt kính, đồng hồ, cũng chỉ có tác dụng làm cho đa dạng sản phẩm chứ chưa thể tạo ra nguồn thu mới.

Như vậy, kịch bản ở đây sẽ là cuộc cạnh tranh về giá cho tới khi… không thể giảm giá nữa. Các đơn vị sẽ phải giải bài toán “bóp” biên lợi nhuận đến mức thấp nhất, bên cạnh việc cố gắng tăng doanh số, sẽ là việc phải tính toán lại chi phí. Hiện tượng dễ thấy là các cửa hàng có doanh số không tốt ngay lập tức bị đóng cửa, bây giờ sẽ không còn có chuyện lấy cửa hàng có lãi, nuôi cửa hàng lỗ. Nhưng chuyện không đơn giản như vậy, khi đóng cửa hàng, nhà bán lẻ tất nhiên sẽ lỗ cả chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu và dù cửa hàng doanh số thấp đi nữa, thì khi đóng cửa, doanh số của hệ thống cũng sẽ giảm. Chuyển hướng sang bán trực tuyến cũng không đơn giản khi các nhà bán lẻ như Tiki, Shopee, Lazada… vẫn đang cùng nhau thống lĩnh thị trường và vẫn đang trong cuộc đấu không khoan nhượng. Chưa kể, cắt giảm chi phí, chắc chắn chất lượng dịch vụ, chẳng hạn như chăm sóc khách hàng, bảo hành cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nói tóm lại, cuộc đấu về giá của các nhà bán lẻ điện máy, điện tử sẽ là cuộc đấu theo kiểu “chịu đựng”, bên nào đủ sức chịu đựng chờ thị trường phục hồi, hoặc quản lý chi phí rất tốt, sẽ tồn tại, còn lại, bước vào cuộc đua sẽ rất rủi ro.