Cổng làng dựng ở đầu làng, lối đi lại chính để vào làng. Nhiều làng có tới hai, ba cái cổng dựng ở những lối vào làng khác nhau. Ban đầu có thể chỉ là những cổng bằng tre gai để ngăn thú dữ, sau trở thành cổng ngõ quan trọng ngăn những kẻ xâm nhập vào phá phách làng.
Ðến thời Lê, thế kỷ 16, 17, với những vật liệu mới như gạch, đá, nhất là đá ong, cùng vôi trộn với mật mía và muối, cổng làng được xây dựng kiên cố hơn, và cũng đẹp hơn nhiều. Cổng làng là để bảo vệ trị an cho làng, nên nhiều nơi, cổng làng còn có cánh cổng gỗ vững chắc, tuần đinh đóng, mở theo giờ giấc mà làng quy định. Có nơi, hai bên cổng làng còn đào hào nước, bên trong trồng tre gai, như một chiến lũy.
Phần rất quan trọng của cổng làng là vòm cổng, thường xây cuốn, còn được gọi là lối cổng. Trên vòm cổng thường là mái lợp ngói, người ta có thể trú mưa, nắng ở đó. Nhiều cổng làng phần trên vòm cổng còn xây vọng lâu cao hai, ba tầng mà mỗi tầng mái đều có những đầu đao cong vút như kiểu đầu đao đình, chùa cổ. Bên ngoài vòm cổng là hai trụ cổng, được xây cao vút, trên mỗi thân trụ cổng thường đắp nổi những câu đối với nội dung nói về truyền thống tốt đẹp, thanh cao của làng.
Thường thì cổng làng có một cửa chính rất lớn, nhưng nhiều cổng làng, ngoài cửa chính còn có hai cửa phụ hai bên, thấp và nhỏ hơn, tựa như tam quan của chùa hay đình làng. Có những cổng làng xây dựng theo kiểu trên là nhà dưới là cửa (thượng gia hạ môn), như cổng làng Thạch Thán ở Quốc Oai, cổng làng Lai Xá ở Hoài Ðức, đặc biệt là cổng làng Mông Phụ ở Ðường Lâm xây từ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17...
Mặt cổng được coi trọng nhất, là nơi được đắp nổi những gờ chỉ hình con triện, đắp nổi hình hoa, lá cách điệu; và ở vị trí trang trọng trên cùng đắp nổi những chữ đại tự, ghi tên làng hoặc những điển cố với nội dung súc tích thể hiện mong ước của người làng. Chẳng hạn, cổng làng Ước Lễ xây dựng từ thời Mạc, là một cổng làng đẹp bậc nhất xứ bắc, đắp nổi ba chữ đại tự Ước Lễ môn. Cổng làng Phùng Xá thì đắp hai chữ lớn Trung chính với nghĩa người làng luôn đề cao lẽ sống chính trực. Cổng làng Hà Trì có bốn chữ Mỹ tục khả gia, nêu lên truyền thống giữ gìn những tục lệ tốt đẹp. Nhiều cổng làng cổ khắc ba chữ lớn Nhân vi mỹ, với nghĩa người làng lấy phẩm chất tốt đẹp của con người làm trọng. Nhiều cổng làng đắp ba chữ lớn Thiểu cao đại, là lấy tích từ Hán thư ghi chuyện một vị đại thần tên là Vu Ðịnh Quốc căn dặn con cháu sau này làm cửa cổng cho cao rộng hơn, để khi trở thành quan to thì xe, ngựa mới đi vừa. Ghi ba chữ ấy là mong muốn con cháu trong làng phấn đấu học hành, để cuộc đời được phát đạt...
Nơi cổng làng, từ xa xưa ông bà thường cho đặt một đôi nghê. Trên mình nghê có nhiều vẩy, vai rộng, trán rộng, đầu có chiếc sừng nhọn mạnh mẽ, nên trông nghê vừa có vẻ như rồng, lại có vẻ như sư tử. Là một linh vật huyền thoại, nghê được mọi người trong làng vừa yêu quý, vừa kính trọng. Mắt nghê to và rất sáng, còn cái miệng rộng, luôn nhe đầy răng, nhìn quen không thấy dữ tợn mà có vẻ như cười. Có những đôi nghê được tạc bằng đá, cũng có những đôi nghê là gốm sứ, có khi nghê được làm bằng đất nung, bằng vôi cát trộn mật và muối. Nhiều đôi nghê to lớn ngồi trước cổng làng, như suốt ngày đêm cần mẫn làm nhiệm vụ trông coi cuộc sống của mọi người trong làng được bình an. Cũng có những đôi nghê thanh thoát, nhẹ nhõm ngồi chót vót trên hai trụ cổng, hoặc trên tam quan, nhìn rất xa ra tận cánh đồng, tận bãi sông... Nghê chứng kiến những đám cưới đón dâu vào làng hoặc đưa dâu tới một làng khác; lại cũng chứng kiến những đám tang đưa người ra khỏi làng mãi mãi. Người làng phải đi xa làm ăn thường qua cổng làng rồi còn mấy lần ngoái lại nhìn đôi nghê, như là để chào tạm biệt. Người xa quê khi trở về làng, dường như đôi nghê sẽ nhìn thấy đầu tiên; và người ấy dường như cũng chào nghê bằng ánh mắt hoặc đưa tay sờ lên nghê như muốn nói rằng mình đã trở về làng đây. Ðôi nghê là một phần giá trị văn hóa làng, gắn liền với những ngôi cổng làng cổ kính, thân yêu.
Trải bao đời, cổng làng trở thành hình ảnh thiêng liêng, sâu xa về quê hương, xứ sở, gắn liền với cây đa, giếng nước, với ngôi chùa cổ, ngôi đình cổ của làng. Do vậy, nhiều làng quê không giàu có gì, thậm chí vào kỳ giáp hạt hằng năm nhiều người phải ly hương đi kiếm sống nơi xa, nhưng dân làng vẫn gắng tích cóp để xây ngôi cổng làng đẹp và bền vững, như xây chùa, xây đình của làng vậy. Nhờ những gắng sức bền lòng ấy, nên rất nhiều làng quê đã có được ngôi cổng làng, nó như một di sản văn hóa "người muôn năm cũ" tạo dựng, gửi lại cho hậu thế.
Khép lại bài viết này, tôi muốn kể một chút về nhà chí sĩ Lương Văn Can, người sáng lập Trường Ðông Kinh Nghĩa Thục hơn trăm năm trước. Ông người làng Nhị Khê, Thường Tín. Mỗi lần từ nội thành Hà Nội về làng, đi xe tay, mặc dù theo lệ làng thì vào tới đền thờ Nguyễn Trãi nơi có tấm bia ghi hai chữ hạ mã mới phải xuống xe đi bộ, nhưng tới cổng làng (tên là cổng Quốc), ông đã xuống xe, đi bộ về nhà. Bởi, ông coi cổng làng là một biểu tượng của quốc hồn quốc túy!
* Trước năm 1945, cả Hà Nội và Hà Tây (cũ) có chừng 1.500 làng, vậy nên có rất nhiều cổng làng. Song do thời gian và nhất là chiến tranh binh lửa, nên số cổng làng còn lại không nhiều. Tuy vậy, những cổng làng còn lại rất đẹp, và thật sự là những di sản văn hóa của người xưa gửi lại cho muôn đời sau, tiêu biểu như cổng làng Ước Lễ ở Thanh Oai, cổng làng Chi Quan ở Thạch Thất, cổng làng Mông Phụ ở Ðường Lâm, Sơn Tây...