Con đường riêng vắng vẻ...

NDO - Làng văn nghệ Việt Nam đã chứng kiến không ít những cú "lội ngược dòng" hay những bước rẽ đổi đời của các nghệ sĩ hướng về sự sôi động, sắc mầu của thị trường giải trí. Nhưng vẫn còn đó những nghệ sĩ son sắt với con đường đã chọn, kiên trì tiến lên những nấc thang mới trong sáng tạo nghệ thuật.

Nói cho cùng, nghệ thuật sẽ mãi ghi dấu những đỉnh cao sáng tạo. Theo nghiệp sáng tạo nghệ thuật là bước chân vào con đường cần sự kiên trì, khổ luyện và có khi không bao giờ biết đến đích. Lẽ dĩ nhiên nghệ thuật không có những thành công toàn mỹ và lại càng không có công thức cho những thành công. Chỉ có những mốc son nghệ thuật mới bên cạnh dấu ấn nghệ thuật cũ chứ không có sự thay thế giữa những cột mốc, đỉnh cao nghệ thuật. Vì thế, sự khai phá, sáng tạo tìm kiếm đỉnh cao mới của những nghệ sĩ sắt son, quyết tâm, kiên trì với con đường sáng tạo mà mình đã lựa chọn thật đáng trân trọng.

Nhạc sĩ Anh Quân và Huy Tuấn, từ lâu đã được ví von là "cặp đôi hoàn hảo" của nhạc Việt. Ðều xuất thân là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, đi du học ở Nga và từng một thời hoạt động âm nhạc ở Ðức, bộ đôi này về nước vào cuối những năm 90, thành lập ban nhạc Anh Em. Ngay từ những buổi trình diễn đầu tiên, Anh Quân và Huy Tuấn đã trình làng phong cách âm nhạc mới với dòng nhạc soul và funk với ban nhạc Anh Em.

Từ đó đến nay, họ đã có nhiều bước tiến với vai trò nhạc sĩ, nhà sản xuất, viết nhạc phim... ở nhiều dòng nhạc khác nhau. Nhưng khi làm những dự án âm nhạc cho Mỹ Linh cũng như cho riêng mình, bộ đôi này vẫn kiên trì theo đuổi dòng nhạc funk. Ðơn cử như với album Ðể tình yêu hát (2006) và Tóc ngắn Acoutis - Một ngày (2011) dù đánh bạn với những chất liệu âm nhạc khác nhau như jazz, acoustic... nhưng phong cách funk vẫn là chủ đạo và có thể xem đây là một bước tiến của họ nhằm "nâng đời" nhạc funk Việt mang công khai phá và dấu ấn của Anh Quân - Huy Tuấn.

Một thí dụ khác. Giữa bao giằng xé của thị trường điện ảnh Việt Nam gần đây, những dao động của các nghệ sĩ giữa bài toán phim nghệ thuật và phim thị trường ít nhiều đã đụng chạm tới quan niệm nghệ thuật, lối làm phim tiếp cận khán giả của nhiều nghệ sĩ. Nhưng với đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, dường như con đường anh đã chọn vẫn thẳng tiến đích đến. Sau Ngõ đàn bà, Cây bạch đàn vô danh, đạo diễn này đã khẳng định phong cách  của mình với dòng phim truyện về đề tài chiến tranh với bộ phim Ðời cát - đoạt giải thưởng LHP châu Á - Thái Bình Dương năm 2000 và giải Bông Sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ 13.

Khi nhiều nghệ sĩ điện ảnh ít nhiều bị cuốn theo khuynh hướng làm phim thị trường, Nguyễn Thanh Vân vẫn lầm lũi đi tiếp con đường mình đã chọn với bộ phim Người đàn bà mộng du (2003), Trái tim bé bỏng (2006). Cho đến nay, Nguyễn Thanh Vân vẫn được biết đến là đạo diễn của những bộ phim chiến tranh và những giải thưởng mà anh đạt được thật sự là một thành quả xứng đáng với con đường mà đạo diễn đã chọn và kiên trì theo đuổi.

Cũng là một đạo diễn tài năng, nhưng Ðỗ Thanh Hải lại chọn cho mình "chiếu riêng" là phim truyện truyền hình. Không ít lần cơ hội làm phim điện ảnh cũng như những lời mời về đầu quân của các Hãng phim truyện "gõ cửa" Ðỗ Thanh Hải, nhưng anh vẫn nhất mực "chung tình" với phim truyền hình. Với các bộ phim Xin hãy tin em, Phía trước là bầu trời... Ðỗ Thanh Hải vẫn luôn được nhớ đến như một trong những đạo diễn phim truyền hình tài ba nhất của dòng phim này.

Nhìn sang lĩnh vực sân khấu, sẽ bắt gặp bản lĩnh của đạo diễn Anh Tú. Những năm gần đây, chính kịch đang đứng trước thử thách nghiệt ngã trong khi hài kịch đang trở thành món ăn quen thuộc của khản giả. Với Nhà hát Tuổi trẻ - mái ấm của diễn viên, đạo diễn Anh Tú cũng không là ngoại lệ khi hàng loạt xê-ri hài kịch Ðời cười, Kẻ khóc người cười... lần lượt trình làng, Anh Tú vẫn kiên trì với chính kịch.

Mày mò tìm kịch bản Kiều Loan vang bóng một thời của nhà thơ Hoàng Cầm, Anh Tú đã tạo nên tiếng vang lớn cho Nhà hát Tuổi trẻ tưởng đã trở thành Nhà hát hài kịch bấy lâu. Kế đó, vị đạo diễn này còn táo bạo thử sức với kịch bản Sang sông - chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tạo nên vở chính kịch thuộc diện "của hiếm" khá thành công.

Hiện NSƯT Anh Tú vẫn đang ấp ủ nhiều dự án chính kịch đáng kỳ vọng như dựng lại vở Bến bờ xa lắc... Vẫn biết đấy là hướng đi chông gai, đầy thử thách, nhưng có lẽ nghệ thuật luôn cần những nghệ sĩ sắt son với "con đường riêng vắng vẻ", nuôi đến cùng những nỗi đam mê bất chấp những nhọc nhằn, chông gai trong cuộc sống. Ðể nuôi dưỡng, chiu chắt những thăng hoa!