Dư luận Mỹ đang ngày càng quen thuộc với cụm từ “cuộc bầu cử AI đầu tiên của nước Mỹ”. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là công nghệ AI sẽ là con dao hai lưỡi nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Các công nghệ tiên tiến trang bị AI được sử dụng ngày càng nhiều trong các chiến dịch tranh cử, nhưng nhiều chuyên gia công nghệ lo ngại về mặt trái của nó. Các chương trình AI có thể ngay lập tức bắt chước giọng nói của một chính khách, tạo ra những video và văn bản chân thực tới nỗi các cử tri khó có thể nhận ra đâu là sản phẩm thật, đâu là sản phẩm của máy tính, từ đó làm suy yếu lòng tin trong quá trình bầu cử.
Trong báo cáo mới công bố, tổ chức phi lợi nhuận Freedom House cho rằng, AI tạo sinh có thể bị lạm dụng cho các chiến dịch đưa tin sai lệch, cảnh báo công nghệ này đã được sử dụng để dàn dựng các nội dung bôi xấu đối thủ trong chiến dịch bầu cử ở Mỹ. Những hình ảnh, văn bản, âm thanh do AI tạo ra được sử dụng cho các chiến dịch đưa tin sai lệch, dẫn tới tình trạng bóp méo sự thật, khó có thể phân biệt thật giả.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Tập đoàn Junction AI, ông Vance Reavie lạc quan cho rằng, những tiến bộ trong lĩnh vực AI có thể đóng vai trò là nguồn lực “thay đổi cuộc chơi” với những cử tri hiểu biết và các xu hướng vận động tranh cử. Trước đây, các thành viên của những chiến dịch vận động thường phải nhờ đến các dịch vụ tư vấn đắt đỏ để lên kế hoạch cho chiến dịch tranh cử, dành nhiều giờ để soạn các bài phát biểu, các luận điểm và các bài đăng trên mạng xã hội, nhưng hiện nay, AI có thể đảm nhận những công việc này chỉ trong thời gian ngắn. Vậy, hãy chờ xem AI đóng vai trò như thế nào trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.