Chuyện về tác giả “Nhớ vợ” và “Em tắm”

65 năm đã qua từ khi bài hát nổi tiếng “Tình ca Tây Bắc” của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh ra đời. Đây đó vẫn âm vang giai điệu dìu dặt, thiết tha của ca khúc này với lời thơ Cầm Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trấn giữa hai bờ sông Mã, huyện Sông Mã. Ảnh: ĐỨC TUẤN
Thị trấn giữa hai bờ sông Mã, huyện Sông Mã. Ảnh: ĐỨC TUẤN

1/Theo nhà văn Đỗ Hàn, một học trò gần gũi của tác giả thơ được Bùi Đức Hạnh phổ nhạc, nhà thơ Cầm Giang tên thật là Lê Gia Hợp, quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ông sinh năm 1931, trong một gia đình địa chủ yêu nước. Năm 15 tuổi vì bố mẹ ép lấy một cô gái trong làng nên ông bỏ nhà ra Nam Định, Hà Nội đánh giày và bán báo sống qua ngày, tình cờ gặp một người đạp xích-lô có tên là Lương Hữu Ca (quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cưu mang.

Năm 1950, Lê Gia Hợp vào vệ quốc đoàn và từ đó ông mang họ Lương Cầm Giang. Từ tháng 10/1958 đến năm 1968, ông làm công nhân ở mỏ Cẩm (Thái Nguyên) và 1969 Lương Cầm Giang xin chuyển về dạy học cấp 2 ở quê của cha nuôi - xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường.

2/Tên tuổi Cầm Giang xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước khi bài thơ “Núi Mường Hung, dòng sông Mã” của ông được phổ nhạc thành ca khúc “Tình ca Tây Bắc” nổi tiếng. Nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh có kể lại rằng, năm 1957, khi đang là diễn viên hát của Đoàn ca múa nhân dân T.Ư, ông xin lãnh đạo lên miền núi sưu tầm và nghiên cứu các làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số. Đến Hòa Bình, tình cờ đọc được bài thơ “Núi Mường Hung, dòng sông Mã” thấy cách diễn đạt chân thật, giàu hình ảnh và nhạc điệu nên Bùi Đức Hạnh đã phổ nhạc cho bài thơ này. Tuy nhiên bài thơ dài hơn 60 câu nên ông chỉ dựa vào những đoạn chính và sáng tạo thêm bốn câu đầu: “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về/Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa/Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn/Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa khúc ca rộn vang”...

Sau khi hoàn thành bài hát, Bùi Đức Hạnh nhờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương xem lại. Với sự góp ý cụ thể và chân tình của bậc đàn anh, nhạc phẩm “Tình ca Tây Bắc” được hoàn chỉnh và sau đó không lâu đã được vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng ca Kiều Hưng và Bích Liên, rồi sau này là Thu Hiền và Trung Đức. Xuyên suốt “Tình ca Tây Bắc” là lời nhắn gửi các thế hệ chúng ta rằng, tình yêu đôi lứa chỉ thật sự hạnh phúc như mùa xuân, một khi kết hợp và gắn bó hài hòa với tình yêu quê hương, xứ sở - nơi nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn, trưởng thành.

3/Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (người đồng hương), biên tập viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam hay giao du với thầy Lương Cầm Giang lúc sinh thời nên có lần gặp ông, tôi đã hỏi chuyện về Cầm Giang thì ông cho biết: Thực ra Cầm Giang chỉ được học dở dang cấp 2 ở trường, còn nữa tự học trong sách vở, học ngoài trường đời là chính. Trong vai trò người thầy, Cầm Giang là một giáo viên dạy giỏi nhiều năm của huyện Vĩnh Tường, còn trong tư cách một nhà thơ thì ông cũng có những bài thơ độc đáo; chỉ tiếc là khi thời kỳ đổi mới, mở cửa chưa được bao lâu thì Cầm Giang đã rời cõi tạm (1989). Tác phẩm của ông để lại có thơ, truyện ngắn, bút ký nhưng gây được tiếng vang hơn cả là một số bài thơ sáng tác trong những năm tháng làm y tá quân y thuộc đội quân Tây Tiến sang chiến trường Lào rồi quay về vùng Tây Bắc.

4/Gắn bó với Sơn La, Điện Biên lại hay mày mò, học hỏi nên nhà thơ gốc Thanh Hóa rất thạo tiếng Thái, tiếng H’Mông. Điều đó đã giúp Cầm Giang phản ánh hiện thực những tâm tư, tình cảm và phong tục tập quán của người dân nơi đây trong các tập “Người bản Nà Phiêu”, “Rừng trắng hoa ban”, “Thành rồng, thành hổ”. Cầm Giang còn có một số tác phẩm gây được ấn tượng mà một thời dư luận bàn cãi là thơ hay bản dịch tiếng dân tộc trong “Em tắm” hay “Nhớ vợ” dưới bút danh Cầm Vĩnh Ui, Bạc Văn Ùi. Cũng theo nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, trong một lần gặp Cầm Giang ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường ông có nêu thắc mắc về tác giả thật sự của bài thơ “Nhớ vợ” và “Em tắm”. Nhà thơ Cầm Giang miễn cưỡng trả lời đại thể, thông thường người đời muốn biến con nuôi thành con đẻ, còn mình tìm cách biến con đẻ thành con nuôi. Nói thế, anh hiểu rồi chứ.

Rồi ông giải thích, cuối những năm 50 với không khí thi đua lao động, sản xuất xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và hướng về đồng bào miền nam ruột thịt, trong thơ không thể nói chuyện yêu đương, ủy mị “Anh và em”, “Chàng và nàng” được, nhưng Cầm Giang vẫn thể hiện nỗi lòng của chàng trai và cô gái miền sơn cước: “Sao anh lại nhòm/trộm xem em tắm/Da em trắng ngần/Là của anh tất cả” (Em tắm) và “Cho tôi đi anh nhé/Về ôm vợ hai đêm” (Nhớ vợ) bởi mình lấy bút danh là Cầm Vĩnh Ui và Bạc Văn Ùi. Lúc bấy giờ người ta chỉ thấy đó là sự hồn nhiên, mộc mạc chứ ai bảo tác giả người dân tộc thiểu số là “lãng mạn tiểu tư sản” hay “thiếu lập trường giai cấp” đâu. Cho nên hai bài thơ “Nhớ vợ” và “Em tắm” vẫn được in nhiều trên sách báo và sống đến ngày nay là như thế.