"Ðại công trường" xây dựng
Hà Nội đang trở thành một trong những đô thị có mật độ xây dựng lớn nhất cả nước. Từ các quận trung tâm cho đến các tuyến phố ở phía tây thành phố, rất nhiều "đại công trường" xây dựng đang là nguyên nhân khiến đất, đá, phế thải rơi vãi ra lòng đường, hè phố, là "thủ phạm" gây ô nhiễm, cùng với khói bụi từ hoạt động giao thông, khiến bụi PM10, PM2.5 lơ lửng vượt QCVN khá cao.
Bà Lê Thị Hiếu, người dân sống ở phố Hàng Khay, lo lắng: "Hoàn Kiếm là một quận dù mật độ xây dựng hiện nay ít nhất, song khi trời nắng, hanh khô, bụi mịn vẫn khiến người dân rất khó chịu". Còn ông Từ Văn Phức, người dân sống ở phố Minh Khai, cho biết: "Trước đây chúng tôi còn thấy công nhân dùng xe chở nước tưới đường. Nhiều năm nay chẳng thấy hoạt động này nữa, bụi cũng nhiều hơn".
Ðược biết cách đây ba năm, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường Ðô thị Hà Nội (Urenco) không sử dụng xe rửa đường. Thay vào đó đơn vị chức năng nhập hơn 100 xe hút bụi, quét rác. Mỗi chiếc xe này hút được khoảng 1,5 m3 bụi và rác mỗi ngày. Theo đó, mỗi năm trung bình thành phố tiết kiệm khoảng 70 tỷ đồng từ việc không rửa đường. Song, theo quan sát của chúng tôi những ngày nắng, hanh khô, do lượng bụi đất, rác thải quá nhiều, nên xe hút bụi hoạt động lại làm bụi bốc lên cao. Về điều này, ông Trương Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), nhận định, xe hút bụi và quét rác không thích hợp với điều kiện các tuyến phố Hà Nội. Ông Tâm lấy thí dụ: Xe hút bụi quét rác phù hợp hoạt động trên đường bằng, trong khi nhiều tuyến phố ở Hà Nội chỗ lồi chỗ lõm, nắp cống chỗ cao chỗ thấp, mỗi khi xe quét rác hút bụi khó làm sạch hết được, mà trong nhiều trường hợp lại khiến bụi bay lên nhiều hơn.
Siết kiểm tra thực hiện các quy định
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng ô nhiễm bụi, Hà Nội đã chỉ đạo khôi phục việc rửa đường. Trong một hội thảo tìm biện pháp cải thiện bầu không khí vào sáng 11-10, do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội phối hợp tổ chức, vấn đề có nên đưa hạng mục rửa đường vào hệ thống các giải pháp kiểm soát bụi mịn đã được đặt ra. Trả lời phóng viên Báo Nhân Dân, ngày 19-11, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT), cho biết: Tại cuộc họp giao ban hồi tháng 3-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã chỉ đạo, với thời tiết hanh khô, nhiệt độ cao gây ra bụi thì thành phố cho phép rửa đường bằng xe chuyên dụng. "Với tốc độ xây dựng như ở Hà Nội, rửa đường là một trong những biện pháp quan trọng để giảm bụi", ông Thái nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Viết Cửu, Phó Trưởng phòng TN&MT quận Hoàng Mai, chia sẻ: "Thành phố vẫn nên duy trì cả hai hạng mục, vừa dùng máy hút vừa sử dụng cả xe rửa đường. Tùy vào điều kiện của mỗi tuyến phố sẽ xử lý cho phù hợp. Hoặc ban ngày dùng xe hút bụi và rác, ban đêm rửa đường, cộng với việc quét vét đất đá rơi vãi trên đường bằng thủ công. Nếu chỉ rửa thì đất, rác sẽ trôi xuống cống, lâu ngày gây tắc nghẽn".
Ðồng quan điểm ấy, theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Trưởng phòng TN&MT quận Nam Từ Liêm, vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường Thủ đô. Phải đầu tư 70 tỷ đồng, chứ đầu tư hơn thế mà giảm được bụi mịn, nâng cao chất lượng môi trường của thành phố cũng là điều nên làm.
Ông Nghiêm Xuân Ðạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, khẳng định, ở các thành phố phát triển trên thế giới cũng duy trì song song hai hoạt động này. Bởi việc rửa đường bằng xe chuyên dụng còn có thể thổi trôi bụi mịn, làm dịu không khí vào những ngày trời oi bức. Xe hút rác chỉ hút và thu gom được rác, còn bụi bám mặt đường, lơ lửng, thậm chí bụi mịn thì không thể thu gom, hoặc rửa trôi được.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, cơ quan quản lý cần tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý mạnh tay đối với các doanh nghiệp, cá nhân có công trình xây dựng để xảy ra tình trạng rơi vãi chất thải, gạch, đá khi vận chuyển. Các công trình xây dựng cũng cần tăng cường việc phun nước để giảm phát thải bụi ra môi trường.