Chiến lược đặc thù để phát triển đồng đều

Trong tiến trình chuyển đổi số của toàn xã hội, quan niệm về bình đẳng giới cũng đang dần thay đổi. Nhiều quan điểm trái chiều được đưa ra: chuyển đổi số giúp khoảng cách giới được rút ngắn, nhưng cũng có người cho rằng ngược lại. TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Xã hội, chia sẻ quan điểm của bà với Nhân Dân cuối tuần về vấn đề này.

Chiến lược đặc thù để phát triển đồng đều

- Theo bà, trong xã hội số hiện nay, quan niệm về bình đẳng giới được xem xét và nhìn nhận như thế nào?

- Thực tế, đã có những chuyển biến đáng mừng trong xã hội Việt Nam hiện nay, phụ nữ ngày càng chứng minh được năng lực của mình, cho thấy họ có tiềm năng không khác gì nam giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nếu được tạo điều kiện, và có cơ hội.

Không ít quan điểm cho rằng xã hội số giúp thu hẹp khoảng cách giới, tức là bình đẳng hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm lo lắng điều ngược lại, với xã hội số khoảng cách giới sẽ càng bộc lộ rõ. Bởi họ cho rằng, phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận, học hỏi về công nghệ hơn, nên sẽ không được giỏi bằng nam giới, dẫn tới việc vận dụng công nghệ số để mang lại lợi ích cho bản thân sẽ hạn chế hơn. Ngay chính giữa các nhóm nam giới, hay các nhóm nữ giới cũng có những sự khác biệt. Thí dụ như phụ nữ ở thành phố cơ hội tiếp cận với internet, với các phương tiện kỹ thuật số, hay những kỹ năng sử dụng, khả năng hưởng lợi cũng nhiều hơn so phụ nữ nông thôn, kém hơn nữa là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào về sự khác biệt giữa các giới trong việc tiếp cận, sử dụng và hưởng lợi từ công nghệ, chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê phân tách theo giới vẫn là con số 0, nên để có thể kết luận bất cứ điều gì thông qua những con số cụ thể thì vẫn đang rất khó.

Đây là vấn đề mới đối với chúng ta, nhưng thế giới đã có nhiều nghiên cứu dựa trên ba tầng bất bình đẳng: thứ nhất là khả năng tiếp cận internet; thứ hai là kỹ năng sử dụng; thứ ba là ứng dụng, lợi ích, kết quả của việc sử dụng internet mang lại lợi ích gì và cho ai. Với hệ thống khối lượng dữ liệu lớn (big data), họ có thể nhận thấy những sự khác biệt rõ ràng hơn, thuyết phục hơn.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và nghiên cứu về bình đẳng giới trong nhiều năm nay của mình, tôi nhận thấy chắc chắn khoảng cách giới vẫn tồn tại rất lớn. Chẳng hạn như việc tiếp cận, giáo dục, học tập về kỹ thuật, công nghệ của phụ nữ luôn kém hơn, bởi không được khuyến khích. Tôi xin nhấn mạnh, không phải phụ nữ không có khả năng mà là không được khuyến khích.

- Bà nghĩ sao khi có những quan điểm cho rằng phụ nữ hiện nay không cần "đòi" quyền bình đẳng nữa, bởi như vậy là họ đang giới hạn chính mình?

- Nhiều khi mọi người cho rằng đấu tranh giành quyền bình đẳng giống như một cuộc đấu tranh giai cấp, nghe vô cùng căng thẳng, thậm chí đối với nhiều người còn rất phản cảm. Chúng tôi chỉ đang chống lại những quan điểm, định kiến cổ hủ về năng lực và vai trò của mình.

Thí dụ như quan điểm cho rằng vai trò chính của phụ nữ là chăm sóc con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình, không cần và cũng không nên dành nhiều thời gian cho sự nghiệp. Trong khi đó, những công việc liên quan đến công nghệ, chuyển đổi số thì đòi hỏi sự tập trung, dốc toàn sức và tâm huyết. Mọi người có thể rất hoan nghênh một chàng trai say mê nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trong công việc, có thể quên ăn quên ngủ, nhưng ngược lại người ta sẽ không khuyến khích một cô gái làm việc tương tự. Họ rất sợ một cô gái như vậy sẽ không lấy chồng, hay mải mê công việc mà bỏ bê con cái…

Chính những quan niệm như vậy khiến cho phụ nữ không được khuyến khích học các ngành nghề kỹ thuật hay công nghệ, và bản thân người phụ nữ cũng sẽ nhập tâm định kiến ấy, nên luôn cho rằng mình nên chuẩn bị để trở thành một người vợ, một người mẹ tốt. Đó là những rào cản xã hội đặt ra cho phụ nữ, và phụ nữ đặt ra cho chính mình.

- Chuyển đổi số được xem là một cơ hội, mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ?

- Rõ ràng là trong xã hội số, khoảng cách giới cũng được xóa mờ đi phần nào. Nếu trước đây có những ngành nghề đòi hỏi phải có sức khỏe, chỉ nam giới mới có thể làm thì bây giờ với công nghệ hiện đại, chỉ cần bấm nút, vận hành máy móc, không đòi hỏi "vai u thịt bắp", thì phụ nữ cũng hoàn toàn có thể tham gia. Bởi vậy, cơ hội việc làm dành cho phụ nữ trở nên rộng mở hơn. Vấn đề chỉ còn nằm ở phụ nữ có thể vượt qua những rào cản chúng ta đã nói ở trên hay không, và xã hội có tạo cơ hội hay không.

Ngược lại, nếu không thay đổi những quan điểm về vai trò cũng như năng lực của phụ nữ, để tạo cơ hội cho họ thì bất bình đẳng giới sẽ càng bị kéo giãn. Nam giới vẫn sẽ thống lĩnh trong xã hội số, họ sẽ là người kiểm soát, người hưởng lợi chính từ tiến trình chuyển đổi số, còn phụ nữ nếu không thay đổi quan điểm, vượt ra chính mình sẽ luôn là người đứng bên lề, và chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau với khoảng cách ngày càng xa, tốc độ ngày một nhanh.

Chiến lược đặc thù để phát triển đồng đều -0
Việc tiếp cận, học tập kỹ thuật của phụ nữ cần được khuyến khích hơn nữa trong thời đại số. Ảnh: TIẾN LỰC 

-Vậy làm thế nào để gia tăng những lợi ích và ngăn chặn những nguy cơ, thưa bà?

- Quan trọng nhất vẫn là giáo dục! Phải được học từ rất sớm, ngay từ bậc tiểu học, trẻ em cũng cần phải được biết những kỹ năng mềm trong xã hội số. Ngày nay, trẻ ba, bốn tuổi đã có thể lướt, vuốt điện thoại như gió, nếu không được trang bị các kỹ năng cơ bản từ sớm thì đúng là "lợi bất cập hại".

Sau mới nói đến nhiều yếu tố khác. Có thể bám sát vào ba tầng bất bình đẳng đã đề cập ở trên. Trước tiên là khả năng tiếp cận internet, làm sao để phủ sóng toàn Việt Nam. Tại các vùng sâu, vùng xa thì mạng vẫn còn chập chờn, mạng 3G thì không phải nơi nào cũng tiếp cận được, chưa nói đến 4G hay 5G. Những vấn đề về kỹ thuật cơ bản đó cần phải được khắc phục, để internet trở nên dễ tiếp cận và… rẻ.

Kỹ năng sử dụng phải được trang bị từ bậc tiểu học, để mỗi một đứa trẻ dù là dân tộc H’Mông hay dân tộc Kinh, ở Hà Nội hay Mù Cang Chải đều phải được học thông qua sách giáo khoa. Đương nhiên nếu trong đó được lồng ghép bình đẳng giới càng tốt.

Khi đã có kỹ năng mới kết nối được với thị trường. Cần có những chiến lược để vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng được kết nối với thị trường, để họ nhận thấy hiệu quả kinh tế. Thí dụ như không phải tự nhiên người nông dân biết cách đưa sản phẩm lên kênh bán hàng online, quảng bá sản phẩm, đều cần phải được hướng dẫn. Tóm lại, phải có một chiến lược. Để đạt được điều ấy, quan trọng nhất là những chính sách phát triển đồng đều của Nhà nước.
Để xóa bớt đi những bất bình đẳng, những chính sách không thể chỉ tập trung vào những vấn đề kỹ thuật. Hiện nay, tôi nhận thấy rằng chúng ta đang tập trung nhiều vào kỹ thuật hơn là các vấn đề xã hội. Khía cạnh xã hội của công nghệ vẫn chưa được quan tâm đúng mức, như các khác biệt về giới, khu vực địa lý, vùng miền, nông thôn
hay thành thị. Chúng ta cần những chiến lược đặc thù dành cho các nhóm xã hội khác nhau để có thể hướng đến sự phát triển đồng đều!

- Trân trọng cảm ơn bà