Chìa khóa từ tư duy quy hoạch

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 11/2022, toàn quốc có 888 đô thị, trong đó có hai đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và 690 đô thị loại V. Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc bảo đảm sự phát triển hài hòa, thống nhất giữa kinh tế, xã hội và môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Việc quy hoạch đô thị cần tính toán đến sự hài hòa, tận dụng được nguồn lực đất đai. Ảnh: HOÀNG HÀ
Việc quy hoạch đô thị cần tính toán đến sự hài hòa, tận dụng được nguồn lực đất đai. Ảnh: HOÀNG HÀ

Thiếu tầm nhìn và tùy tiện

Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng cao, bình quân 12-15%/năm, cao gấp 1,2 đến 1,5 lần so mặt bằng chung trong cả nước, không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư, chất lượng sống của người dân khu vực đô thị ngày càng được cải thiện.

Vậy nhưng, việc tập trung mật độ dân số cao trong khu vực đô thị đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống đô thị như tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước và không khí, sự thu hẹp các không gian xanh, tắc nghẽn giao thông và sử dụng năng lượng quá mức. Tình trạng mở rộng không gian đô thị nhanh chóng phục vụ cho việc phát triển kinh tế nhưng thiếu kiểm soát, gây lãng phí tài nguyên đất đai, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, phá vỡ các mối quan hệ xã hội truyền thống. Đồng thời, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, yêu cầu dịch vụ đô thị, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị: "Công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện".

Nhìn vào thực tế, có thể thấy công tác quy hoạch đô thị còn nặng về tư duy bao cấp, thiếu sự linh hoạt, không theo kịp những thay đổi của thực tiễn. Hệ thống quy hoạch chồng nhiều lớp nhưng vẫn thiếu tính tích hợp, đa ngành và vẫn thực hiện theo từng ngành riêng biệt, độc lập, ít có sự phối hợp, thậm chí đôi khi còn chồng chéo, mâu thuẫn. Hệ thống pháp luật về quy hoạch đã dần hoàn thiện sau khi Luật Quy hoạch 2017 được ban hành nhưng sau 5 năm triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan tính đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Việc chờ đợi lẫn nhau giữa các cấp quy hoạch vừa gây khó khăn cho sự phát triển, vừa gây ra sự lãng phí khi quy hoạch cấp dưới đi trước và không phù hợp quy hoạch cấp trên. Quy hoạch sử dụng đất là nội dung quan trọng trong quy hoạch đô thị nhưng vẫn còn bất cập về nội dung như phân loại đất đô thị, xây dựng bản đồ sử dụng đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất do hai ngành khác nhau thực hiện.

Công tác dự báo khi làm quy hoạch còn thiếu chính xác, thiếu tầm nhìn, đặc biệt là các dự báo liên quan phát triển dân số và kinh tế. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân đến từ khó khăn trong công tác thu thập số liệu hiện trạng, thiếu hệ thống dữ liệu đồng bộ, phương pháp dự báo ngoại suy không bao gồm được đầy đủ các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế-xã hội. Sự thiếu chính xác trong công tác dự báo làm hạn chế chất lượng quy hoạch, gây trở ngại đến quá trình triển khai quy hoạch, nhất là lựa chọn địa điểm để xây dựng công trình. Kết quả dự báo không chính xác còn là nguyên nhân làm cho đồ án quy hoạch xa rời thực tiễn, thiếu tính khả thi, phải thay đổi hoặc điều chỉnh nhiều lần.

Một vấn đề tồn tại nữa là hệ thống đô thị phát triển thiếu cân đối, đô thị loại V chiếm tỷ lệ cao, mạng lưới đô thị phân bố không đều, tập trung nhiều ở khu vực ven biển. Các đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm chưa thể hiện được vai trò đầu tàu tạo ra lợi thế liên kết vùng, khu vực.

Ðể không phải trả những cái giá quá đắt

Trong quá trình phát triển đô thị hiện nay, Việt Nam phải lựa chọn để không bị trả giá vì phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến môi trường và đến tương lai.

Một giải pháp hữu hiệu là phát triển đô thị theo hướng bền vững. Đó là, phát triển bảo đảm sự cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái và lấy yếu tố con người làm trung tâm. Đồng thời, bảo đảm mang lại lợi ích tốt nhất cho thế hệ hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai. Để đạt được yêu cầu này, cần phải đổi mới toàn diện công tác quy hoạch theo hướng đa ngành, tích hợp và tôn trọng quy luật thị trường. Quy hoạch cần được đặt trong hệ thống phối hợp toàn diện với nhiều ngành và địa phương liên quan, để bảo đảm tính khả thi. Tuân thủ nguyên tắc tầng bậc nhưng vẫn phải đáp ứng tính linh hoạt trong mỗi cấp quy hoạch.

Để làm được điều đó, thứ nhất, cần nhanh chóng sửa đổi những nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi những nội dung thiếu khả thi trong từng văn bản pháp luật. Tiếp theo, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch như dữ liệu về dân cư, đất đai, địa hình, địa chất...

Thứ hai, phát triển hệ thống đô thị theo mạng lưới bảo đảm tính cân đối, phù hợp điều kiện cụ thể từng địa phương, khu vực, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, huy động hiệu quả nguồn lực quốc gia, có tính kết nối liên vùng, liên đô thị, có sự hỗ trợ lẫn nhau, khai thác lợi thế giữa các cấp đô thị.

Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị bắt đầu từ giai đoạn quy hoạch, giai đoạn đầu tư đến giai đoạn quản lý đô thị, hạn chế mở rộng đô thị khi chưa đủ nguồn lực đầu tư hạ tầng, chưa đủ điều kiện sử dụng đất hiệu quả. Hạn chế tình trạng "nợ" tiêu chí, tiêu chuẩn trong quá trình đề nghị nâng cấp đô thị.

Thứ tư, cần sự tham gia thực chất của cộng đồng vào công tác quy hoạch đô thị từ việc lấy ý kiến đóng góp có phản hồi vào các phương án quy hoạch, giám sát việc triển khai, thực hiện đúng các đồ án quy hoạch đến việc đóng góp nguồn vốn đầu tư cho quá trình xây dựng đô thị.

Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị đi đôi việc kiểm tra thực thi quy hoạch, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Xử lý nghiêm minh các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Thứ sáu, đầu tư nguồn lực cho phát triển đô thị; tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, tham gia đầu tư phát triển đô thị.