CEO và doanh số

Tuần rồi, tại Diễn đàn thường niên về Quản trị công ty lần thứ 5 do Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) và báo Đầu tư tổ chức, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam đã chỉ ra một nghiên cứu cho thấy “80% người tiêu dùng kỳ vọng rằng, CEO của các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng sẽ có nhiều bước tiến nữa trong việc giảm khí thải carbon và nhựa sử dụng một lần”.
0:00 / 0:00
0:00

Trước tiên cần làm rõ phạm trù “người tiêu dùng kỳ vọng CEO” tại Việt Nam, thường chưa thật sự rõ ràng. Nếu như ở nước ngoài, hình ảnh của các CEO lẫy lừng như Steve Jobs (trước đây) hay Tim Cook hiện nay gắn với Apple; Jeff Bezos gắn với Amazon; Elon Musk gắn với Tesla thì tại Việt Nam dù vẫn có nhưng không nổi trội. Điều này rõ ràng làm giảm đi sự tương tác giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, sản phẩm cũng như CEO.

Sở dĩ cần phải bàn đến điều này vì năm 2023 sắp tới được dự báo sẽ có nhiều thách thức cho doanh nghiệp, điều này dẫn đến những yêu cầu mang tính sống còn và trong đó doanh số sẽ là tiêu chí quan trọng. Doanh số lớn đồng nghĩa doanh nghiệp có thị phần lớn, độ phủ của sản phẩm trong cộng đồng rộng khắp, qua đó gia tăng và củng cố giá trị thương hiệu. Như vậy, nếu giữa CEO và người tiêu dùng có sự tương tác, theo những cách thức khác nhau, doanh nghiệp lại có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với công chúng. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2022 vừa được công bố hôm 2/12, việc áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt vượt lên các quy định pháp lý vẫn là một thách thức với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Các doanh nghiệp niêm yết, vốn được xem là có sự lớn mạnh và nổi trội, nhưng hoạt động quản trị vẫn chỉ ở mức “tuân thủ” thay vì vượt lên đi theo các thông lệ, chuẩn mực.

Nếu là “dân trong nghề” tại Việt Nam, vẫn có thể kể ra được những cái tên, những CEO hoặc nhà quản trị xuất sắc, nhưng như vậy là chưa đủ. Số liệu về hiệu quả liên quan đến CEO như với doanh số của công ty như thế nào, diễn biến của cổ phiếu khi CEO làm việc ra sao… vẫn còn rất ít. Điều chắc chắn sẽ xuất hiện trong thời gian tới là sự dịch chuyển của vị trí CEO nói riêng và các nhân sự cấp cao nói chung sẽ diễn ra liên tục và có sự phân hóa. Bà Trương Thúy Nga, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý bất động sản cho thuê nhận định: Không chỉ CEO, hiện nay vị trí COO (giám đốc vận hành) cũng sẽ rất quan trọng vì COO sẽ thiết lập, chuẩn hóa hệ thống của doanh nghiệp, mà đây cũng là yếu tố sống còn để doanh nghiệp có thể tồn tại. Và rõ ràng, nếu có nhiều hơn số liệu liên quan đến các nhân sự cấp cao, thì sự dịch chuyển, hay “chuyển nhượng” sẽ diễn ra thuận lợi hơn, doanh nghiệp dễ tìm được người, từ đó thuận lợi hơn trong hoạt động của mình.