Câu chuyện riêng

Phiên giao dịch 8/3 tưởng chừng VN Index sẽ “đồng biến” với thị trường chứng khoán quốc tế đang giảm mạnh, nhưng bất ngờ đã xảy ra vào buổi chiều khi VN Index quay đầu tăng hơn 11 điểm và tiến sát ngưỡng 1.050 điểm. Đây có thể xem là chỉ báo quan trọng để củng cố niềm tin và cách nhìn của nhà đầu tư (NĐT) về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian sắp tới.
0:00 / 0:00
0:00

Thứ nhất là “vùng an toàn” 1.000-1.050 điểm vẫn… an toàn. Sở dĩ phải khẳng định điều này vì thực tế vẫn có những lo ngại về khả năng điều chỉnh của thị trường, đôi khi xuất phát từ những phiên giảm mạnh không rõ lý do. Nhưng thực tế cho thấy, cứ mỗi khi có xu hướng điều chỉnh giảm về 1.000 điểm với lý do không rõ ràng, thì ngay sau đó, VN Index cũng bật tăng trở lại mà… không cần lý do. Nói cách khác, trừ khi có những thông tin hết sức tiêu cực có thể thay đổi xu hướng (bẻ trend) đột ngột, còn lại nếu thị trường đang vận hành như hiện nay, vùng 1.000 điểm có thể xem như “đáy” trung hạn. Thực tế cũng cho thấy nhiều người hiện cũng không còn chờ VN Index tiến sát đến ngưỡng 1.000 điểm để mua mà chỉ cần có một phiên giảm mạnh là lập tức “xuống tiền”, nếu có lãi ngắn hạn thì chốt, còn không vẫn có thể an tâm giữ dài.

Thứ hai, khi xu hướng thị trường đang tự vận động và được hỗ trợ bởi các kỳ vọng kiểu như sự phục hồi của một số ngành nghề, những thách thức với nền kinh tế đang từng bước được giải quyết thì yếu tố “ngoại” cũng không thể chi phối. Bởi trong đêm 7/3, chỉ số Dow Jones đã giảm mạnh, những tưởng VN Index sẽ có diễn biến tương tự (thực tế đã xảy ra đầu phiên), nhưng chỉ sau khoảng một giờ đồng hồ thì sức cầu giá rẻ gia tăng trở lại. Ở đây cần phải làm rõ, vẫn sẽ có những phiên chứng khoán ngoại có thể tác động đến thị trường trong nước, nhưng nhìn về tổng thể, mức độ ảnh hưởng là thấp. Theo thời gian, sự chú ý sẽ dành cho các yếu tố nội tại. Như vậy, nếu NĐT nào quá máy móc lấy diễn biến của TTCK quốc tế tham chiếu có thể sẽ gặp rủi ro hoặc lỡ mất cơ hội sinh lãi.

Thứ ba, cần chú ý đến những câu chuyện phục hồi của thị trường, mà ở đây là sự trỗi dậy của mỗi nhóm ngành trong từng thời điểm. So với mặt bằng giá đáy được tạo trong năm 2022, hiện giờ nhiều nhóm ngành đã tăng giá từ 50-100%, thậm chí còn hơn và vẫn chưa dừng lại. Mỗi ngành sẽ có câu chuyện riêng và dòng tiền sẽ có sự luân phiên. Chẳng hạn những ngày qua, nhóm cổ phiếu thép, đầu tư công và thậm chí nhóm năng lượng đang được kỳ vọng khá nhiều thông qua giá trị giao dịch của nhóm này cũng như biến động giá rất sôi động. Nếu lướt một vòng quanh nhận định của các chuyên gia cũng như phân tích của các công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ dễ dàng tìm ra lý do tăng giá của nhóm ngành này.

Nhưng điều quan trọng khi tham gia sóng ngành ở đây là dòng tiền sẽ liên tục luân chuyển và sóng sẽ không quá mạnh và có tính chọn lọc. NĐT nếu lỡ sóng thì có thể chờ đợi, đồng thời giải ngân vào những cổ phiếu đầu ngành, thay vì lựa chọn quá rộng, nhất là phải theo dõi đặc tính của từng cổ phiếu. Chẳng hạn, có những cổ phiếu có “độ nhạy” với biến động cao hơn sẽ phù hợp với mục tiêu ngắn hạn hơn những cổ phiếu dù rất tốt, nhưng biến động thấp, sẽ có tính phòng thủ và đầu tư dài hạn.