"Ðường dài mới biết ngựa hay"
Từ giữa những năm 2000, các gameshow âm nhạc đình đám nhất trên thế giới đã thành công trong việc tìm ra nhiều nhân tố tài năng nổi bật. Chúng ta có thể dễ dàng kể tên những gương mặt sáng giá bước ra từ các cuộc thi âm nhạc, như Kelly Clarkson, Carrie Underwood, Jordin Spark hay Jennifer Hudson, Adam Lambert... được chọn lựa từ American Idol (chương trình Thần tượng âm nhạc Mỹ). Hoặc, Leona Lewis hay nhóm nhạc nữ Fifth Harmony đến từ cuộc thi X-Factor cũng đều có những sản phẩm âm nhạc chất lượng, thu hút một lượng người hâm mộ không nhỏ suốt gần 10 năm qua. Thậm chí, một thành viên của nhóm Fifth Harmony là Camila Cambelo, sau khi tách ra solo hiện vẫn liên tục sở hữu hàng loạt hit: Senorita, Havana night, hay Don’t go yet...
Tuy nhiên, so với số lượng các nghệ sĩ thật sự thành danh, cũng nhiều vô số những thí sinh bị loại, chìm vào bóng tối, hay "sớm nở tối tàn", hoặc chỉ là "one hit wonder" (có một ca khúc nổi tiếng duy nhất trong sự nghiệp rồi vụt tắt). Như nữ thí sinh đa tài chơi nhiều nhạc cụ Brook White, người giành vị trí thứ 5 tại American Idol mùa 7 đã hoàn toàn chìm vào quên lãng, dù đã nỗ lực phát hành nhiều sản phẩm. Black Lewis, nam thí sinh về nhì trước Jordin Spark tại American Idol mùa 6 đã gần như biến mất khỏi thị trường âm nhạc. Alexandra Burke (X-factor) lại trở thành "one hit wonder", theo cách vô cùng đáng tiếc.
Liệu lý do có thật sự là bởi các thí sinh không chịu vận động và nỗ lực, kém thích nghi với quá trình đào thải phũ phàng của ngành công nghiệp âm nhạc, hay vấn đề nằm ngay từ khâu sản xuất và cách thức vận hành của các gameshow ?
Thực chất, các gameshow âm nhạc vốn chỉ là hình thức "truyền hình hóa" các buổi audition (thử giọng) của các công ty giải trí lớn, khi họ casting tìm kiếm tài năng. Và dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tìm được các tài năng đích thực. Vấn đề là, dù thế nào, các gameshow vẫn phải tìm được người chiến thắng. Nói cách khác, quán quân của các gameshow âm nhạc không phải ai cũng có tài như nhau. Và sau đó, công cuộc dịch chuyển từ một thí sinh được chọn lựa bởi một nhóm Ban giám khảo của chương trình thành một nghệ sĩ thực thụ, có chỗ đứng vững vàng trong thị trường âm nhạc, là một hành trình vô cùng gian nan.
Lý do lớn thứ hai nằm ở cá tính và thẩm mỹ, tư duy âm nhạc. Ngoài giọng hát hoặc tài năng ở một loại hình nghệ thuật nào đó, cá tính âm nhạc là điều quan trọng không kém đối với nghệ sĩ. Nhưng ở các cuộc thi âm nhạc hiện nay, gần như 90% số thí sinh phải hát lại (cover) các ca khúc của người khác đã nổi tiếng trước đó, hoặc sẽ phải làm theo một kịch bản đã được sắp đặt sẵn, với một mục tiêu cụ thể từ chương trình. Ngoài ra, cuộc đua về rating và lượt xem, nhằm đáp ứng chi phí sản xuất và thương mại, khiến nhiều cuộc thi dần bị biến tướng, cũng như nhiều thí sinh bị đẩy đi quá xa khỏi những tiêu chuẩn căn bản về chất lượng nghệ thuật.
Về cơ bản, gameshow vẫn là một chương trình giải trí mang tính thương mại, với rất nhiều hiệu ứng truyền thông, bao gồm các yếu tố trong việc sắp xếp, biên tập và thậm chí là các "chiêu trò" thu hút khán giả. Điều đó dễ khiến cho nhiều thí sinh, dù có đoạt giải hay không, dễ bị "say nắng" bởi hào quang của cuộc thi, để sớm coi đó đã là "đích đến" của sự nghiệp âm nhạc. Tuy nhiên, thực tế, các cuộc thi này chỉ là điểm khởi đầu mang nhiều lợi thế. Nếu muốn tiếp tục "đi đường dài", các thí sinh phải lao động sáng tạo và trau dồi rất nhiều kỹ năng khác nhau. Hơn hết, phải giữ được "cái tôi" bản lĩnh và kiên định, trong một thị trường âm nhạc đầy xô bồ và biến động không ngừng.
Sức sống của gameshow
Gameshow có thể được coi là bắt nguồn từ những năm 30 của thế kỷ trước, rồi nở rộ trong thời kỳ đỉnh cao của truyền hình. Là "con đẻ" của truyền hình, nên các gameshow cũng thụ hưởng tất cả những hưng thịnh của nền tảng này, cũng như không tránh khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt của internet, mạng xã hội hay các nền tảng streaming ngày nay. Và cùng với sự dịch chuyển trong thói quen, hành vi, sở thích của người xem ở thời đại 4.0, các cuộc thi âm nhạc cũng dần phải thay đổi về kịch bản hay hình thức thể hiện.
Vào những ngày đầu mới xuất hiện, trọng tâm gameshow là tài năng của các thí sinh. Với khẩu hiệu "Zero to Hero", các cuộc thi mong muốn tìm kiếm những tài năng từ cộng đồng để huấn luyện, nâng đỡ các thí sinh trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Và khi đó, huấn luyện viên chỉ đơn thuần là người đánh giá, cho ý kiến, hỗ trợ để các thí sinh hoàn thiện tố chất hay năng khiếu có sẵn. Cho nên, huấn luyện viên là những nghệ sĩ gạo cội nhiều kinh nghiệm, nhưng có thể không cần quá "hot" về mặt thị trường.
Song, kể từ năm 2011, The Voice xuất hiện, với "chiêu trò" giành giật thí sinh "đặc trưng", đã tạo nên một trào lưu mới trong hình thức thể hiện của gameshow. Các chương trình bắt đầu chi mạnh tay hơn cho việc mời dàn giám khảo toàn "siêu sao", như American Idol mời cả diva Mariah Carey, hay Christina Aguilera, Adam Levine xuất hiện trên "ghế nóng" của The Voice...
Cơ bản, với những áp lực về rating và thương mại, các gameshow dần trở thành cuộc chơi của các Celeb, Kols, nghĩa là những người nổi tiếng đích thực… không hơn, không kém. Nghĩa là thay vì chất lượng nghệ thuật, thì giờ đây, độ phủ sóng và ăn khách trên mạng xã hội mới là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đơn cử như gameshow Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng đình đám của Trung Quốc mới đây, ban tổ chức mời người chơi là những gương mặt nổi tiếng nhất châu Á, thay vì chiến lược "Zero to Hero" nguyên thủy.
Khán giả thế hệ 4.0 không đủ thời gian và sự kiên nhẫn để ngồi xem truyền hình vài giờ đồng hồ như thế hệ trước. Bởi vậy, các gameshow ngày nay cần rất nhiều những tình huống drama của các siêu sao, nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Cánh chim đầu đàn American Idol cũng không tránh khỏi vòng xoáy này, đơn cử như "cuộc chiến không khoan nhượng" của hai nữ giám khảo quyền lực: Mariah Carey và Nicki Minaj ở mùa 12. Và thế là, có lẽ chẳng còn ai để tâm đến cả dàn thí sinh lẫn người chiến thắng Candice Glover.
Cần phải khẳng định, các gameshow trên truyền hình vẫn đã và đang góp phần không nhỏ tạo nên nhiều thần tượng và nghệ sĩ mới cho nền âm nhạc thế giới. Và cũng rõ ràng, ở thời đại 4.0 này, không thể thiếu các yếu tố kịch tính để thu hút và giữ chân khán giả. Tuy nhiên, ban tổ chức và ê-kíp sản xuất của mọi gameshow vẫn cần có những tính toán "gia giảm" phù hợp để không làm lu mờ đi "món chính": Những hình tượng nghệ sĩ mới, giới thiệu với thị trường âm nhạc.
Nếu cứ mải mê chạy theo các drama của những người nổi tiếng vốn "nhẵn mặt" trên truyền hình, gameshow nào cũng có thể đánh mất ý nghĩa và tiêu chí ban đầu, dần trở thành những cuộc vui hời hợt, "sớm nở tối tàn".