Cân bằng giữa "sáng tạo" và "chân thực"

Lịch sử luôn cụ thể và chân thực, đòi hỏi cách diễn đạt chính xác, khoa học. Nhưng các tác phẩm nghệ thuật lại cần đẹp, sinh động, hấp dẫn - kể cả khi chuyển tải những chủ đề lịch sử. Bảo đảm cân bằng những nguyên tắc đó, những tác phẩm có chủ đề lịch sử mới chinh phục được người đọc, người xem để mang lại những tri thức lịch sử lành mạnh và hữu ích cho công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Một tác phẩm về lịch sử được đầu tư nghiêm túc.
Một tác phẩm về lịch sử được đầu tư nghiêm túc.

Nhìn từ "cơn sốt"

Đào, Phở và Piano là bộ phim Nhà nước đặt hàng. Công chúng thường cho rằng phim "quốc doanh"… sẽ không hấp dẫn, nhưng bộ phim này lại đang "hot" trên dư luận xã hội và báo chí, truyền thông những ngày qua. Hiện tượng "cháy vé", từ lâu, cũng hiếm thấy ở thị trường điện ảnh Việt Nam, đã xuất hiện ở các buổi công chiếu bộ phim này tại Hà Nội và nhiều địa phương khác.

Theo nhà nghiên cứu và phê bình phim, TS Hà Thanh Vân (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): Dù phim còn có nhiều cảnh chưa tốt, thậm chí nhìn giả và thiếu sức thuyết phục; đôi diễn viên chính đóng chưa đạt, biểu cảm tâm lý chưa hay, nhiều câu thoại vẫn bị lên gân, mang tính kịch; nhiều chi tiết còn khiên cưỡng; cảnh kết phim tuy bi tráng nhưng kỹ xảo quá kém; xe tăng, vũ khí trong phim còn chưa thật đúng với thực tế,… nhưng bộ phim lại được nhiều khán giả đánh giá là thành công nhờ vào khai thác yếu tố chiến tranh cách mạng trên nền một câu chuyện tình yêu bi tráng.

Có thể nói Đào, Phở và Piano đã "đánh động" cảm xúc của nhiều khán giả nhờ khai thác được yếu tố lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Nhiều người lạc quan cho rằng hiệu ứng lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đang được khơi dậy (chỉ) qua một tác phẩm điện ảnh. Trong khi trước đó chỉ vài tháng, bộ phim Đất rừng phương Nam (cũng lấy bối cảnh cuộc kháng chiến cùng giai đoạn này ở Nam Bộ), lại bị công chúng phản ứng, thậm chí tẩy chay, và phải sửa một số chi tiết về lịch sử trong nội dung. Cả hai phim đều "lấy cảm hứng" từ lịch sử, đều nói câu chuyện văn học hư cấu trong một thời đoạn lịch sử, đều dùng công nghệ - kỹ xảo làm phim, đều dùng ngôn ngữ điện ảnh để diễn tả hình tượng - biểu tượng của nhân vật,… nhưng hiệu ứng có được với khán giả của hai phim trái ngược nhau hoàn toàn.

Từ sự liên hệ với hai bộ phim đó, câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để xác định được lằn ranh mong manh giữa sáng tạo nghệ thuật và sự thật lịch sử? Khi hiện nay phần đông người trẻ có trình độ tri thức cao, am hiểu công nghệ, có nhiều sự lựa chọn phương tiện để tiếp cận nhiều nguồn thông tin, tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng biết sàng lọc thông tin, xác định được thông tin nào là sự thật lịch sử, thông tin nào là hư cấu nghệ thuật, thông tin nào là xuyên tạc lịch sử với ý đồ xấu.

Câu hỏi tiếp đi liền theo đó là: Nâng cao hiểu biết về truyền thống dân tộc, về các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử như thế nào cho có hiệu quả, để những thông tin lịch sử thú vị và chân thực lan truyền đẩy lùi những thông tin vô căn cứ, tùy tiện và gây độc hại?

Cái khó của sáng tạo nghệ thuật

Chính sử thường vắn tắt, không miêu tả chi tiết cảnh vật, không khắc họa chân dung, không diễn tả biểu cảm, tính cách nhân vật mà chỉ viết về những biến cố lịch sử họ tham gia, hành động và kết quả hành động của họ trong đó. Còn bao nhiêu phần của lịch sử chưa được làm rõ? Việc cố gắng trả lời câu hỏi đó đã luôn trao cho các nhà văn, các nhà biên kịch, các nhà đạo diễn… những cơ hội và khoảng không trừu tượng để hư cấu, tái hiện lịch sử bằng nhãn quan của mình trong các sáng tạo nghệ thuật.

Trong các tác phẩm văn học, các vở diễn, các bộ phim,… qua hư cấu tái hiện, những nhân vật lịch sử được khắc họa tính cách và có những hành vi, câu thoại tương thích trong hoàn cảnh xã hội, thời đại của họ. Bằng hình tượng do mình xây dựng, các tác giả có thể thúc đẩy sự gần gũi, tiếp cận với các nhân vật lịch sử trong mối tương tác với những thế hệ hậu sinh. Nhờ vậy, hậu thế có thể thấy các nhân vật lịch sử giữa các biến cố lịch sử gần gũi hơn trong những giá trị nhân sinh phổ quát, chứ không phải chỉ đơn thuần là những nhân vật cao (và) xa, chỉ có thể chiêm bái, ngưỡng vọng,…

Yêu cầu đặt ra đầu tiên với các tác phẩm nghệ thuật là phải đẹp, sinh động, hấp dẫn mới tạo được cảm xúc cho người thưởng thức. Nhưng, những tri thức lịch sử phải chính xác thì hình tượng nghệ thuật mới có sức thuyết phục. Đó cũng chính là cái khó của các sáng tạo nghệ thuật ở mảng chủ đề này. Với các tác phẩm, chúng ta vẫn kêu gọi sự sáng tạo không có giới hạn. Nhưng muốn lịch sử được truyền tải chân thực và thuyết phục, các nhà sáng tác không thể vượt qua những "khung" mà sự kiện lịch sử đã diễn ra, không thể tạo một chân dung chỉ từ những điều giả tưởng, không thể gán ghép một sự kiện, một nhân vật lịch sử đã được xác định rõ trong tư liệu sang một khoảng không hoặc niên đại mà nó không tồn tại.

Các tác phẩm "lấy cảm hứng từ lịch sử" không thể diễn giải lịch sử một cách tùy tiện. Công chúng không chấp nhận hình tượng lịch sử được/bị xây dựng một cách cẩu thả. Chẳng hạn, tranh minh họa về thời Hai Bà Trưng trong sách giáo khoa không thể vẽ giáp trụ của quân Hán gần giống áo chống đạn thời nay (!). Chính vì bộ phim Đất rừng phương Nam đã "kết nạp" cả những người trong các hội kín ở Nam Kỳ (hoạt động trước đó chừng 30 năm) vào tổ chức Việt Minh những năm 1945-1946, là điều phi lịch sử, nên đã gây phản ứng tiêu cực với công chúng…

Làm thế nào để hình ảnh lịch sử hấp dẫn hơn?

Với sự phát triển của khoa học-công nghệ và truyền thông, đã có nhiều công cụ mới tạo được và đáp ứng được sự hứng thú của người học, người đọc, người xem. "Điều kiện cần" để có các tác phẩm tốt, xét cho cùng, vẫn lại là đam mê và sáng tạo của các biên kịch, nghệ sĩ, các nhà sản xuất với chủ đề lịch sử.

Có thể nêu vài thí dụ: Bộ phim tài liệu lịch sử Những cánh én đầu tiên là sự tích hợp thành công của cốt truyện chân thực, logic chặt chẽ với kết hợp độc đáo giữa phim tư liệu và minh họa bằng kỹ xảo điện ảnh 3D. Phim tái hiện trận chiến trên bầu trời Hàm Rồng ngày 4/4/1965 giữa lực lượng không quân Việt Nam non trẻ đánh trận đầu với lực lượng không quân hải quân Mỹ. Bộ phim không chỉ được đánh giá cao về nội dung, mà còn chạm tới cảm xúc của người xem với hiệu ứng hình ảnh hiện đại và sống động. Phim đã được chiếu rộng rãi và nhận được sự chia sẻ thích thú của thế hệ trẻ. Hoặc cuốn sách Lôi động, tinh phi - Khảo cứu về súng đạn người Việt không những cho cái nhìn toàn cảnh và cả chi tiết về hỏa khí của những chiến binh Việt, mà còn giải đáp những câu hỏi thú vị: "Có phải người Việt biết sử dụng súng đạn trước người châu Âu? Hiệp súng là gì? Có phải thần cơ pháo không phải một loại đại bác? Có phải Đàng Ngoài mới là xuất xứ của hỏa hổ?"... Nội dung cuốn sách được thể hiện bằng song ngữ Việt - Anh, được trình bày sinh động với hàng chục bức minh họa khổ lớn dựa trên các tư liệu lịch sử và hình ảnh hiện vật, cho người đọc cảm giác dễ chịu khi tiếp nhận kiến thức và còn giúp phổ biến tri thức lịch sử Việt rộng rãi hơn trên phạm vi toàn cầu.

Tìm những cách thể hiện mới và hiện đại trong khi vẫn bảo đảm tính chính xác của tư liệu là hướng khả thi, cũng là đòi hỏi bức thiết, khi chuyển tải các chủ đề lịch sử đến với đại chúng hôm nay.