Cái tên con hổ

Con hổ có tên gọi thật phong phú! Phổ biến nhất và có thể được xem như một mẫu gốc-hổ-lại có nguồn gốc từ tiếng Hán. Chữ “hổ” (虎) được chiết tự là sự mô phỏng hình dáng của chính con hổ đang ngồi. Một nét sổ và một nét ngang, bên trên là hai cái tai của nó, ở giữa là đầu và mồm (miệng) đang há to. Phía dưới là hai cái chân (đùi) trước, bên trái một nét phẩy là cái thân và cái đuôi.

Tranh: LÊ ANH VÂN
Tranh: LÊ ANH VÂN

1/Cũng có người chiết tự chữ “hổ” gồm bộ hô và bộ nhi, trong đó bộ hô là hình những đường vằn trên lưng con hổ còn bộ nhi thì giống như người đang đi. Chữ “hổ” gắn liền với sức mạnh, sự quyết liệt, dữ dội, oai phong. Nhiều danh sĩ của Việt Nam thời trung đại có tên Hổ. Phải kể tới Lê Như Hổ sinh năm 1511 (tuổi Tân Mùi), tại làng Tân Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, thi đỗ tiến sĩ năm Quang Hòa thứ nhất đời Vua Mạc Phúc Hải, làm quan đến chức Thượng thư, được phong hàm Thiếu bảo, tước Tuấn quận công. Một nhân vật nổi tiếng khác sống vào nửa cuối thế kỷ 18, nửa đầu thế kỷ 19 là Phạm Đình Hổ vốn là tuổi Mậu Tý (1768), làm quan đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám dưới triều Vua Minh Mệnh. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm giá trị như Vũ Trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục và nhiều tập thơ chữ Hán. Một nhân vật gần với thời hiện đại hơn cả là Tăng Bạt Hổ, tuổi Mậu Ngọ (1858), là chí sĩ Việt Nam tham gia chống Pháp nửa cuối thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20.

Chữ “hổ” đi vào nhiều thành ngữ, tục ngữ quen thuộc trong đời sống người Việt như: Thả hổ về rừng; Cầm gươm đằng lưỡi, cưỡi hổ đằng đầu; Chim cùng thì mổ, hổ cùng thì vồ; Đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau; Hổ chết để da, người ta chết để tiếng. Một số đơn vị tục ngữ khác do người Việt vay mượn từ tiếng Hán nhưng cũng được sử dụng tương đối nhiều và trở thành quen thuộc như: Hổ phụ sinh hổ tử; Nam thực như hổ, nữ thực như miêu; Họa hổ họa bì nan họa cốt. Các câu tục ngữ, thành ngữ vừa kể dẫu ý nghĩa khác nhau nhưng có thể dễ dàng nhìn thấy một mẫu số chung, đó là sự công nhận con hổ như một sức mạnh nguy hiểm khiến người ta phải kiêng dè, e sợ, đề phòng. Trong nhiều trường hợp, sức mạnh, khả năng của con hổ được so sánh với những thành tựu, kết quả của con người và được thừa nhận như một giá trị.

Có hai cái tên thuần Việt khác của con hổ là “hùm” và “cọp”. Trong đó, hùm còn có một tên gọi chệch khác là “hầm” (Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị-Nhớ rừng, Thế Lữ) có thể được xem là một từ mô phỏng âm thanh (tiếng gầm) của con hổ. Chữ “hùm” cũng đi vào nhiều thành ngữ, tục ngữ của người Việt như: Cáo mượn oai hùm, Hùm dữ không ăn thịt con, Vuốt râu hùm... Một nhà cách mạng của nước ta nửa đầu thế kỷ 20 là Phan Văn Hùm, sinh năm Nhâm Dần (1902), mất năm Bính Tuất (1946), là lãnh tụ phong trào Cộng sản Đệ Tứ. Từng tốt nghiệp đại học và cao học ở Đại học Sorbonne (Paris). Ông là tác giả của nhiều tác phẩm khảo cứu có giá trị như Phật giáo triết học, Tiền bạc (Khảo cứu về tiền tệ) và Biện chứng pháp phổ thông. Nếu như chữ “hùm” (hầm) được coi là mô phỏng về âm thanh (tiếng con hổ) thì chữ cọp lại được xem là mô phỏng về những bước chân nặng, bí hiểm, chứa đựng nhiều đe dọa của loài mãnh thú. Tục ngữ Việt cũng có một đơn vị sử dụng chữ “cọp”: Ki cóp cho cọp nó xơi (hoặc Ki cóp cho cọp nó tha).

Có một tên gọi khác của con hổ, cũng mang gốc thuần Việt nhưng ngày nay ít dùng, đó là “kễnh” (còn có một biến âm là hếnh). Với khuôn vần “ênh”, kễnh cũng có thể xem là một từ ít nhiều mang tính chất mô phỏng cho dáng hình to lớn của con hổ. Ta có thể đặt “kễnh” trong một trường các từ tương tự như: kềnh, kềnh càng, kênh, công kênh, lênh khênh, khệnh để thấy điều này. Trong đời sống sử dụng ngôn ngữ của người Việt, từ “ông kễnh” ngoài việc dùng để chỉ con hổ còn được dùng để chỉ những kẻ có vẻ ngoài bộc lộ ngạo mạn, trịch thượng, muốn bắt người khác phải phục vụ mình. Chữ “kễnh” chỉ con hổ cũng đi vào một số câu ca dao: Mèo tha miếng thịt thì đòi/Kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng.

“Khái” cũng được xem là một từ chỉ con hổ nhưng có phạm vi hoạt động hẹp hơn, thuộc về phương ngữ của một số vùng miền trung. Trong tiếng Việt, còn có một từ “khái” với ý nghĩa “cứng cỏi, mạnh mẽ, không chịu khuất phục”. Ta có các đơn vị như khí khái, khái tính. Tôi cho rằng, chữ “khái” (tính từ) này có những liên hệ phái sinh nhất định về mặt ý nghĩa so với chữ “khái” (danh từ) chỉ con hổ.

2/Bên cạnh các tên gọi từ đơn như vừa kể trên, còn phải nói đến các diễn đạt về con hổ với cấu trúc một cụm từ, bao gồm: chúa sơn lâm và ông ba mươi. Trong tên gọi chúa sơn lâm, cả ba thành tố đều mang gốc Hán. Chữ “chúa” là một cách đọc khác của chữ “chủ” với ý nghĩa là người đứng đầu, người quyết định mọi việc cốt yếu trong một tập thể. Hai chữ “sơn lâm” (núi rừng) chỉ phạm vi không gian hoạt động. Dùng cụm từ “chúa sơn lâm” để chỉ con hổ, khẳng định về sức mạnh và uy quyền của con hổ trong mối tương quan với tất cả các loài động vật hoang dã sinh sống ở núi rừng.

Còn với trường hợp “ông ba mươi”, có hơn một cách lý giải khác nhau. Trong bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do Nguyễn Đổng Chi biên soạn, có câu chuyện mang tên Phạm Nhĩ hay là sự tích ông ba mươi. Truyện kể về một vị thần trên trời tên là Phạm Nhĩ, có sức khỏe vô song và nhiều tài phép thần thông. Vì giỏi hơn rất nhiều vị thần khác nên Phạm Nhĩ ngày càng tỏ ra kiêu căng tự phụ, dẫn tới khinh nhờn Ngọc Hoàng và yêu cầu Ngọc Hoàng phải nhường ngôi cho mình. Nhiều tướng lĩnh nhà trời được cử ra thi đấu đều bại dưới tay Phạm Nhĩ. Sau cùng, Ngọc Hoàng phải mời Đức Phật đến thu phục. Sau khi Phạm Nhĩ thua trận, Ngọc Hoàng sai cắt bỏ đôi cánh để ông bớt sức mạnh và đầy ông xuống trần gian. Tuy nhiên, mỗi khi vùng nào có người săn được hổ, ngoài việc người thợ săn được thưởng 30 quan tiền thì vua cũng bắt người đó phải chịu 30 hèo để vong hồn Phạm Nhĩ được thỏa mà không tác quái nữa. Con hổ từ đó còn có tên là ông ba mươi.

Một vùng khác lại tương truyền câu chuyện cổ về cô gái giết hổ báo thù cho cha và anh. Cô giết được hổ nhưng bị thương rất nặng và không qua khỏi. Cô gái sau đó đã được phong thần ở trên trời. Cảm động về lòng hiếu nghĩa và dũng cảm của cô, Ngọc Hoàng cho cô mỗi năm vào đúng đêm ba mươi Tết được về thăm nhà, thăm mẹ và các em. Đến sáng mồng một thì cô lại bay lên thượng giới. Có thể tích này liên quan đến tên gọi con hổ là ông ba mươi.

Con hổ trong đời sống ngôn ngữ và văn hóa của người Việt có thể mang nhiều cái tên như: hổ, hùm, hầm, cọp, kễnh, hếnh, khái, dần, ông ba mươi, chúa sơn lâm... Điều này có thể bắt nguồn từ tâm lý e sợ, ngần ngại của con người khi phải đối diện chúa sơn lâm. Khi một khái niệm có nhiều tên gọi, có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính: 1. Tầm quan trọng, thân thuộc của sự việc/hành động/ khái niệm ấy trong đời sống con người. 2. Cộng đồng dân cư cố tình sử dụng nhiều tên gọi mang sắc thái nói giảm nói tránh vì những lý do gắn với tâm lý con người. Tìm hiểu con hổ với sự phong phú về tên gọi trong tiếng Việt cho ta một bức tranh thú vị và sống động về ngôn ngữ và văn hóa của cộng đồng.