Từ làng “một đêm” đến làng du lịch

“Có ai về Rào Nan, xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm/Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn màu”..., men theo lời bài hát nổi tiếng “Quảng Bình quê ta ơi”, chúng tôi đến Cự Nẫm, làng kháng chiến xưa đang được thành làng văn hóa, du lịch đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.

Du khách nước ngoài thăm phong cảnh làng quê Cự Nẫm (Ảnh chụp tháng 4/2021).
Du khách nước ngoài thăm phong cảnh làng quê Cự Nẫm (Ảnh chụp tháng 4/2021).

Chuyện ở “làng một đêm”

Thầy giáo lão thành Nguyễn Hữu Phi đã 82 tuổi nhưng còn tráng kiện, nguyên hiệu trưởng Trường cấp III Cự Nẫm và là người tham gia viết sử xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, dẫn chúng tôi dạo quanh làng. Cụ say sưa kể: Từ 1969 đến 1973, làng là nơi đặt binh trạm của bộ đội Trường Sơn. Sau một đêm vượt sông Son nghỉ lại, bộ đội được giao liên dẫn đường để hành quân vào nam. Thương binh từ chiến trường trên đường ra bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi. Người dân Cự Nẫm ban ngày lao động, ban đêm vận chuyển lương thực, vũ khí. Bà con nhường nhà cho bộ đội ở trong niềm thắm thiết quân-dân. Cự Nẫm đã đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tướng lĩnh trên đường hành quân.

Các bác cao tuổi còn kể những câu chuyện về trạm giao liên trong lòng dân và những kỷ niệm sâu sắc với bộ đội. Đó là mẹ Lê Thị Ngạn ngày ngày chặt hàng chục gánh bổi (lá cây-PV) để ngụy trang pháo và che nắng cho tiểu đoàn pháo binh 19. Mẹ Nguyễn Thị Xê một mình nấu nướng chăm sóc cho cả đại đội. Và còn cả những câu chuyện thề hẹn vừa chân thực, vừa lãng mạn trong thời điểm khốc liệt. Đó là tình yêu của những anh bộ đội Trường Sơn với các o dân quân Cự Nẫm. Qua ánh mắt, lời nói trên chặng đường giao liên, họ yêu nhau rồi “hẹn ngày chiến thắng, ta sẽ về trong một nhà”. Dòng sông Son chảy vắt qua làng đã chứng kiến nhiều lời hẹn ước ấy. Sau ngày thống nhất non sông, có những người lính mang lời hẹn ước vào chiến trường trở về, họ đến Cự Nẫm. Nhiều người trong số đó đã nên vợ thành chồng, hạnh phúc trên mảnh đất bên triền sông Son.

Từ làng “một đêm” đến làng du lịch -0
Một góc Làng văn hóa-du lịch Cự Nẫm.

Trong lần vận chuyển khí tài, lương thực từ binh trạm 14 vào Quảng Trị, trái tim người lính Trường Sơn Đào Xuân Long, quê ở huyện Đông Hưng, Thái Bình đã rung động trước vẻ dịu hiền và nụ cười duyên của cô Trà, y tá xã Cự Nẫm. Ngày thắng lợi, người lính trở lại với cô Trà, sống hạnh phúc ở làng Cự Nẫm. Cũng có nhiều cô gái từ đây đã theo chồng ra Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An, có người vào Quảng Trị theo chồng để hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên nhau.

Làng homestay, farmstay

Hai lần được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Cự Nẫm còn đó những di tích, đền đài, nghĩa trang làm dày thêm chiều sâu lịch sử hào hùng. Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm Nguyễn Văn Lương cho biết, Cự Nẫm nằm bên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông, có đường nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh, ở cửa ngõ Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Bề dày văn hóa cùng thiên nhiên đẹp đã cho xã lợi thế lớn phát triển du lịch.

Giúp người Cự Nẫm làm du lịch cộng đồng, chính là vợ chồng anh Ben, chị Bích. Anh Ben, tên gọi thân mật Benjamin Joseph Mitchell là kỹ sư xây dựng đến từ Australia. Chị Lê Thị Bích sinh ra, lớn lên ở Cự Nẫm. Họ gặp nhau khi Ben đang giám sát công trường cho một công ty Canada tại cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), còn Bích là hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng. Năm 2008, sau khi kết hôn, hai vợ chồng về Cự Nẫm khởi nghiệp với cơ sở du lịch Phong Nha Farmstay. Farmstay của anh chị nằm giữa làng quê yên bình, chung quanh là đồng lúa. Đến đây, du khách trải nghiệm các công việc đồng áng, tự tay trồng rau, tưới cây, bắt cá… hoặc đạp xe trên đường làng, gặp những người nông dân đôn hậu, mến khách.

Thời gian qua, anh chị đã hướng dẫn cho rất nhiều người khác ở Cự Nẫm làm theo và gặt hái được thành quả bước đầu. Có người từng là “lâm tặc” ở Phong Nha, nay đã mở homestay, bán gà nướng, bia lạnh và những món ăn của Cự Nẫm với sự dân dã và cung cách phục vụ rất nông dân. Cự Nẫm không chỉ là làng “một đêm” trong kháng chiến mà nhiều khách đến đã ở lại dài ngày để khám phá làng quê với bầu không khí trong lành và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Mến yêu nông dân Cự Nẫm, nhiều khách du lịch nước ngoài đã giới thiệu du lịch thuần nông của làng trên các trang mạng du lịch lớn của thế giới.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Đặng Đông Hà cho biết, Quảng Bình đã triển khai đề án Làng văn hóa-du lịch Cự Nẫm nhằm xây dựng nơi đây là điển hình cho phát triển du lịch cộng đồng tại vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Chủ tịch xã Cự Nẫm Nguyễn Văn Lương thông tin, người dân rất vui khi đón nhận tin này. Xã đang vận động bà con vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan đẹp, lựa chọn các đặc sản nông nghiệp, hình thành các mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp để khách có những trải nghiệm mới.

Sang thăm con trai khởi nghiệp ở Cự Nẫm, bà mẹ anh Ben từ Australia đã nhiều lần trở lại, tìm hiểu tư liệu để viết cuốn sách sử về làng, giới thiệu ở quê hương của bà. Bà nhờ thầy Phi đọc, chỉnh sửa lần cuối cuốn sách về đất và người Cự Nẫm trước khi xuất bản bằng tiếng Anh ở Australia.