Dấu ấn về Bác ở thành phố Marseille

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh (lấy tên là Nguyễn Văn Ba) lần đầu đặt chân đến Pháp, chính quyền thành phố Marseille, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đảng Cộng sản Pháp, Tòa soạn báo La Marseillaise cùng bà con Việt kiều đã long trọng tổ chức công bố tấm biển tưởng niệm về Người.

Bà Lydia Samarbakhsh phát biểu ý kiến tại buổi lễ.
Bà Lydia Samarbakhsh phát biểu ý kiến tại buổi lễ.

Buổi lễ diễn ra vào buổi sáng tiết trời mùa thu nước Pháp, bầu trời trong xanh, cây cối ngả mầu xanh, vàng, đỏ đẹp như hoa, khoe mầu cùng nắng vàng rực rỡ sau hai ngày mưa không ngớt.

Tấm biển tưởng niệm làm bằng chất liệu đá granite đen, được gắn trên mặt tiền của Tòa soạn báo La Marseillaise nhìn ra Quảng trường Place aux Huiles, chỉ cách bến cảng cổ (Vieux-Port), nơi Bác Hồ lần đầu đặt chân đến Pháp khoảng 200 m, khắc dòng chữ bằng tiếng Pháp với nội dung: “Tại Marseille, vào năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lấy tên là Nguyễn Văn Ba) lần đầu đặt chân đến Pháp, khởi đầu cho hành trình dài tìm đường cứu nước của dân tộc Việt Nam”.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ niềm xúc động và vinh dự tham dự buổi lễ. Ông cảm ơn chính quyền thành phố Marseille đã trân trọng gắn tấm biển lịch sử để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm 110 năm Người đặt chân lần đầu đến Pháp. Đại sứ đánh giá cao thành phố Marseille đã coi tấm biển tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa của thành phố.

Thay mặt chính quyền thành phố Marseille, bà Phó Thị trưởng Audrey Garino khẳng định tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Bà nói rằng, tấm biển tưởng niệm không chỉ là minh chứng cho lịch sử, mà còn thể hiện tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua cuộc đời của mình và những dấu ấn để lại trong lịch sử đã và đang là một phần lịch sử chung của hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Pháp. Bà nói: “Đó là lịch sử mà ngày nay chúng ta nhớ đến, lịch sử đã dẫn dắt Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với thành phố và người dân Marseille trong cuộc đời dài đầy ắp các sự kiện của Người”.

Còn bà Lydia Samarbakhsh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Pháp (PCF) nói rằng: “Bằng việc gắn tấm bảng kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đặt chân đến Pháp phía trước Tòa soạn báo La Marseillaise, chúng tôi muốn chứng tỏ lòng thành kính của chúng tôi tưởng nhớ đến Người. Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Người, ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc mình và những dân tộc bị áp bức trên thế giới. Tại Đại hội Tour năm 1920, Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã trở thành một trong những thành viên tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp của chúng tôi”.

Bà Thu Thủy, một Việt kiều sống lâu năm gần cảng cổ Marseille, cho biết: “Qua đọc lịch sử, tôi vô cùng tự hào biết rằng, mình được sống tại thành phố mà Bác từng lần đầu đặt chân đến Pháp để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, phong kiến. Tôi cho rằng, việc gắn tấm biển tưởng niệm về Bác Hồ tại đây, người dân thành phố Marseille và bà con Việt kiều sẽ biết nhiều hơn về dấu ấn Bác để lại, về đất nước Việt Nam”.

Vào ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) quyết tâm ra đi trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville với công việc là phụ bếp trên tàu để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Sau hơn một tháng lênh đênh trên biển, qua nhiều điểm dừng khác nhau, đến ngày 6/7/1911, con tàu đã thả neo ở cảng Marseille.

Là thành phố cảng lâu đời nhất nước Pháp, Marseille có lịch sử hơn 2.600 năm và là thành phố lớn thứ hai nước Pháp. Hiện, cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại thành phố Marseille vào khoảng 20.000 người, nhiều thứ hai sau Thủ đô Paris, phần lớn là con cháu của các thế hệ người Việt đến Pháp từ những năm đầu tiên của thế kỷ 20 bằng đường biển.