" Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy "

Cha thường cho tôi theo, tuổi thơ của tôi đầy ắp những chuyến đi đây đó, lúc lên rừng lên núi, lúc xuống biển rồi về các vùng nông thôn làng nghề, ở cùng gia đình những người nông dân làm ruộng, chài lưới… Lúc đó tôi luôn tin rằng tất cả những gia đình ấy đều là người thân của cha tôi!

Nhà thơ Quang Dũng chụp cùng con gái Bùi Phương Hạ (ngoài cùng bên phải) tại Lâm Đồng năm 1983
Nhà thơ Quang Dũng chụp cùng con gái Bùi Phương Hạ (ngoài cùng bên phải) tại Lâm Đồng năm 1983

1/Những năm sơ tán giặc Mỹ ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm (Sơn Tây), gia đình tôi đông người, được ưu tiên ở cả gian nhà kho nằm trơ trọi sát đường làng. Thời gian ở đây, cha hay luyện tập mấy thế võ, đi vài đường kiếm sáng loáng trước sự ngạc nhiên, háo hức như được xem diễn tuồng của lũ trẻ làng. Từ nơi sơ tán chỉ đi gần hai cây số là đến lăng Ngô Quyền. Những lúc rảnh rỗi, cha lại đèo tôi trên chiếc xe đạp Thống Nhất một gióng vào vẽ tại đây. Những mảng tường đá ong bên giếng nước giữa làng, dòng suối Hai uốn mình quanh núi Ba Vì xanh sẫm… đã gieo vào tôi tình yêu với vùng đất đẹp và nên thơ: Xứ Đoài-quê hương ông.

Ngày ấy, gia đình tôi ở trên căn gác ba, số 296 phố Bà Triệu (Hà Nội), không có nước sinh hoạt, phải ra vòi nước công cộng cuối phố lấy. Cha tôi giành phần nặng nhọc ấy, bao nhiêu bước chân nặng trĩu của cha với đôi thùng gánh nước lên gác, khẽ khàng đổ đầy nước vào cái chum sành to. Ông đi từ tờ mờ sáng, xếp hàng chờ đến lượt. Căn phòng nhỏ ấy của gia đình tôi thường đầy ắp tiếng trò chuyện và cả những ưu tư phiền muộn của bạn văn chương, bao nhiêu muộn phiền với những tâm hồn nghệ sĩ như cha tôi cũng chỉ là cơn mưa bóng mây thôi, ông lặng lẽ vượt qua tất cả cho đến cuối đời…

" Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy " ảnh 1
Bức ký họa Kháng chiến của nhà thơ Quang Dũng.

Cha thường dậy sớm ngồi vào bàn viết, hoặc đôi lúc là ở bậc thang trên gác thượng. Công việc biên tập cần sự tỉ mỉ và tâm huyết, những dòng nhận xét góp ý của ông trên bản thảo còn lại làm tôi hiểu và yêu thương cha muôn phần. Cha gợi ý và ủng hộ tôi vào học sư phạm để làm một cô giáo. Tiễn tôi về nhận công tác ở một huyện ngoại thành Hà Nội khi ra trường, trên đoạn đường đất gần hai cây số vào trường thơm mùi lúa làm đòng, giọng ông ấm áp nhẩn nha từng câu nói với tôi: “Bố mong muốn con trưởng thành từ công việc của một cô giáo và sau này trở thành một con người can đảm, biết yêu thương bố nhiều hơn”. Đó là lần duy nhất cha dặn dò tôi theo cách trò chuyện trực tiếp, sau này ông hay viết thư cho tôi. Cha đã truyền cho tôi tình yêu cuộc sống, biết vượt lên gian khó và lạc quan trước mọi hoàn cảnh.

2/Bài thơ “Tây Tiến”, cha tôi viết rất nhanh, ý tứ xuất thần, trong một lần nói chuyện với người con trai cả của mình là thầy giáo, nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh (khi đó 12 tuổi), tên bài thơ đã được bỏ bớt chữ “Nhớ” bởi theo ông: “Chỉ cần hai chữ Tây Tiến đã gợi lên nỗi nhớ rồi”. Mùa xuân năm 1947, khi ông tạm biệt gia đình đi Tây Tiến, ông không biết rằng, phải đến gần 5 năm sau hai cha con mới được gặp mặt nhau, ông đã lấy tên con làm bút danh và đặt tên con là Quang Vĩnh. Nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh đã phổ nhạc bài thơ tình “Không đề” của cha, lấy nhan đề là “Ta mãi là mùa xanh xưa”, giai điệu lãng mạn, dìu dặt và sang trọng. Nhà thơ Trần Lê Văn có nhận xét: “Con phổ thơ tình của cha xưa nay cũng là một việc hiếm”. Với chúng tôi, cha là một chiến binh Tây Tiến và luôn hiện hữu với trái tim nhân hậu trong vóc dáng trượng phu.

“Tây Tiến” là bài thơ được cha tôi dành cho tình cảm đặc biệt, ông từng nói: “Tây Tiến” là bài thơ mà tôi tâm đắc nhất. Khi sáng tác bài thơ “Tây Tiến” cha tôi mới rời đơn vị Tây Tiến chưa lâu. Trung đoàn 52 Tây Tiến ra đời ngày 27/2/1947, là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, lập những chiến công góp phần vào việc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược khỏi ba nước Đông Dương. Việc thành lập tổ chức mới của Đoàn vũ trang tuyên truyền được cha tôi viết trong cuốn hồi ký: “Đoàn vũ trang tuyên truyền từ nay sẽ đặt là Đoàn vũ trang tuyên truyền liên quân Lào-Việt. Đoàn gồm ba trung đội, hai trung đội chiến đấu Lào và Việt, một trung đội nhạc binh. Ban chỉ huy gồm một Đoàn trưởng, ba cố vấn của quân đội Lào, hai của quân đội Việt”. Ông Thao Ma-cán bộ chỉ huy của Lào-phát biểu trước lúc hành quân: “Chúng ta phải đoàn kết, phải làm anh em với nhau để cùng tiêu diệt giặc Pháp. Nước Việt Nam sẽ giúp cho nước Lào cùng tiêu diệt quân thù. Nước Lào cùng giúp nước Việt Nam cho đến bao giờ hoàn toàn độc lập. Hai dân tộc chúng ta dắt tay nhau bước lên thế giới văn minh, dân chủ”.

Đại tá Nguyễn Xuân Sâm, cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến, đồng đội và là bạn thân thiết của cha tôi kể lại: “Trong thời gian đi Tây Bắc tham gia mặt trận Tây Tiến, được sống và chiến đấu ở một vùng rất nên thơ, hùng vĩ, điều đó góp phần lớn vào cảm hứng của bài thơ “Tây Tiến” dù trong điều kiện chiến đấu vô cùng gian khổ… Bài thơ “Tây Tiến” phản ánh vô tư thời kỳ hoạt động của bộ đội Tây Tiến… Quang Dũng sống thơ hơn làm thơ!”.

Ngày 26/10/2017, Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Một công trình đẹp và trang trọng, toàn công trình lấy ý tưởng từ bài thơ “Tây Tiến”.

Tây Tiến, hơn 70 năm sừng sững một tượng đài.

“Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy”.

70 năm sau chiến thắng Mường Láp (1945-2015), bác Xuân Sâm đã đích thân đưa bức tượng bán thân của cha tôi do nhà điêu khắc Minh Đỉnh làm lên trưng bày ở nhà truyền thống khu Lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại Mộc Châu (Sơn La) như một cuộc hành quân cuối cùng của hai người bạn.