Những “Đại sứ tiếng Việt”

Một lần, trong trại hè “Vui cùng tiếng Việt” tổ chức tại Warsaw (Ba Lan), tôi thấy một cậu bé khoảng 7-8 tuổi đứng thập thò ở cửa, miệng mấp máy hát theo bài hát các bạn đang được học. Đến gần hỏi thì cậu ấp úng nói mấy câu bằng tiếng Ba Lan: “Cháu cũng là người Việt Nam!”. Nghe câu nói ấy, cho dù vang lên bằng tiếng Ba Lan, tôi vẫn thấy rung động. Nó giống như một tiếng chuông trong trẻo ngân sâu xa trong lòng, từ tiềm thức của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước người.

Những “Đại sứ tiếng Việt”

Philip (10 tuổi), một cậu bé khác người Na Uy gốc Việt, tham gia trại hè, nghe tiếng Việt nhưng đáp bằng tiếng Anh. Khi bế mạc trại, cậu nói với bố:

- Khi nào về lại Oslo, bố đưa con sang thăm bà thường xuyên nhé! Con muốn trò chuyện với bà.

- Nhưng bà không nói tiếng Anh, không biết tiếng Na Uy?

- Con muốn học tiếng Việt với bà! Con là người Việt Nam mà!

Khỏi nói ông bố đã hạnh phúc thế nào. Anh vội kể ngay chuyện này với tôi, ngạc nhiên vì cảm hứng tiếng Việt lần đầu đến với con trai nhờ trại hè.

Câu chuyện của Philip và bố khiến tôi nhớ lại niềm mong mỏi của một ông bố Việt khác ở Nga. Anh ước con gái anh, cô bé Alixa tóc nâu mắt xanh biếc, có thể tâm sự với bà nội mình. Trước đó, trong một lần về phép, cô cháu bé bỏng chỉ có thể ôm bà nũng nịu mà không nói chuyện gì với bà được. Sau một thời gian tích cực học tiếng Việt, khi cô bé đứng lên ghế, dõng dạc tự giới thiệu: “Con là Alixa, con là người Việt Nam, xin đọc một bài thơ…”, người bố đã rưng rưng. Anh nghĩ đến sự hài lòng của mẹ, đến tình thân, tình ruột rà ấm áp đã được nối liền bằng tiếng Việt.

Các chính sách đãi ngộ, những phần thưởng hấp dẫn được bàn đến. “Đại sứ tiếng Việt” sẽ như một danh hiệu cao quý để phấn đấu, một cái cớ để truyền thông sâu rộng, cổ vũ tinh thần yêu tiếng Việt, văn hóa Việt ở kiều bào. Tuy nhiên, nghĩ đến những câu chuyện đáng yêu của từng đứa trẻ trong quá trình dạy và vun đắp tình yêu tiếng Việt nhiều năm qua của mình, tôi chạnh nghĩ, “thành tích” không bao giờ có thể là động lực bền vững cho một tình yêu!

Tình yêu ngôn ngữ, văn hóa mẹ đẻ là mạch nguồn trong lành tự thân trong mỗi con người, chỉ cần được khơi thông. Là than hồng ủ ấm trong tim, chỉ cần được tiếp gió cho bùng cháy. Tôi đã gặp những con người bền bỉ khơi mạch nguồn trong, giữ cho lửa đượm. Đó là những cô giáo ở Trường tiếng Việt Lạc Long Quân (Warsaw), dẫu đã có tuổi vẫn cặm cụi chăm chút từng bài thơ, câu đố, trò chơi tiếng Việt để chia sẻ với trò. Hay nhóm Cánh diều tại Paris (Pháp) hơn 10 năm nay bền bỉ dạy trẻ ngôn ngữ và văn hóa Việt thông qua nghệ thuật. Hội người Việt ở Stuttgart (Đức) luôn đau đáu với việc tổ chức các hoạt động cộng đồng để thổi hồn Việt vào cuộc sống của thế hệ trẻ…

Bên cạnh các lớp học tiếng Việt vẫn được duy trì ở nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta còn có các bà mẹ, ông bố Việt kiên trì trò chuyện với con, học tiếng Việt cùng con, nhen nhóm trong đứa trẻ nhà mình một cảm tình từ đó lớn dần lên thành tình yêu đối với những giá trị văn hóa Việt và niềm tự hào “Tôi là người Việt!”.

Cuối tháng 11/2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài lấy ý kiến đóng góp cho Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều đề xuất thú vị được đưa ra, trong đó có dự án “Đại sứ tiếng Việt” nhằm tìm kiếm và tôn vinh cá nhân xuất sắc trong việc truyền bá, giữ gìn tiếng Việt nơi xa xứ.