Xuân về miền hoa thơm, mật ngọt

Miền đất ấy là địa chỉ của câu thơ “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi” nằm lòng từ thủa học trò. Nhưng mấy ai đủ từng trải để đến được nơi này?

Thị trấn huyện Sông Mã dưới núi Pu Nhi, bên dòng sông Mã. Ảnh: ĐỨC TUẤN
Thị trấn huyện Sông Mã dưới núi Pu Nhi, bên dòng sông Mã. Ảnh: ĐỨC TUẤN

1/Mùa xuân náo nức lại về với huyện vùng cao Sông Mã, với núi rừng, lòng người, với đào phai, ban trắng. Những loài hoa, từ rất lâu rồi, luôn chứng minh với thời gian rằng, mùa xuân lại đã trở về. Nhưng chính cái mầu hoa nhãn tinh khôi, tươi mới, khiêm nhường, thăm thẳm và tràn ngập núi đồi nơi đây mới làm du khách không khỏi ngỡ ngàng.

Sau những ngày Tết cổ truyền, trời đang cữ lạnh bỗng ngập tràn nắng ấm. Nghe dội về gần xa tiếng vẫy cánh của đàn ong mật rì rầm trong rặng nhãn đầu hồi. Nhìn ra, đã thấy trên đồi dưới thung, dọc đôi bờ sông Mã một mầu trắng sữa của bạt ngàn hoa nhãn. Và trong làn gió sớm dâng đầy vị mật. Cảnh trí vùng cao bừng sắc xuân, hứa hẹn một mùa hoa trái bội thu, ấm lòng đồng bào các dân tộc ít người miền núi cao biên giới. Nơi đây, những năm tháng này, bản, mường trồng nhãn, nhà nhà trồng nhãn. Cả huyện thành một rừng nhãn trải ngút ngàn, trải như vô tận. Nhãn đem về hạnh phúc trong mỗi mái sàn. Nhãn đem về ấm no cho cả bản, cả mường. Từ thượng nguồn Bó Sinh đến hạ lưu Mường Sai. Từ huyện lỵ Mã Giang đến Cửa khẩu quốc tế Chiềng Khương sát tận đất Lào. Đi trong tiết xuân, ta như lạc vào mê cung của bạt ngàn hoa nhãn mầu trắng sữa, trong âm âm, u u của hàng triệu cánh ong và trong hương vị ngọt lành mật nhãn.

2/Mấy chục năm trên vùng cao, tôi vẫn bồi hồi như trẻ nhỏ. Chờ đón tân xuân và chờ đón mùa nhãn khai hoa. Để dự cảm mùa về cho tương lai một năm mới đến với chứa chan hạnh phúc. Bản làng bây giờ đã có của ăn, của để. Lúa trên nương, trên đồng bảo đảm lương thực cho một năm no đủ. Ngân sách cho việc kiến thiết, sắm sanh, cho trẻ nhỏ học hành, cho dành dụm dự phòng… đều phải nhờ vào cây trái. Có xoài, có chuối, có hoa trái ngọt bốn mùa nhưng chủ lực vẫn là trông vào cây nhãn. Bà vợ tôi, người dân tộc Thái. Sinh ra với núi, với rừng, chắc khó hiểu lòng tôi tha hương khi giờ phút Giao thừa bộn rộn? Khi nhìn qua khoảng trống cuối ngọn đèo là bạt ngàn rừng nhãn. Năm nay hoa nhãn nở cong cành.

Mùa hoa nhãn nở rộ là mùa mật lên hương. Không hẹn và gặp, trong nam ngoài bắc ngàn ngàn thùng ong theo xe to, xe nhỏ háo hức tìm đến vùng hoa mới. Lộc trời vô tận, người người chung hưởng. Chủ ong thu mật, chủ vườn thu quả. Không có vườn nhãn thì đàn ong chơi vơi, không có cánh ong thì hoa cái, hoa đực làm sao hôn phối để đậu chùm quả ngọt? Không lo, đã có chú ong nâu kết nối hút mật thụ phấn cần mẫn sớm hôm. Đàn ong như dân du mục, mùa nào hoa ấy. Chờ đón xuân sang, chủ và ong cùng thấp thỏm. Nhị hoa căng mọng đang chờ, ong miệt mài hút nhị, nhả mật. Mấy ngày quay mật một lần, mật ong chứa đầy can, đầy chum... Nguồn thu từ mật ong nơi đây là một nguồn lợi lớn. Hiện, toàn huyện Sông Mã có tới 14.220 đàn ong mật nội địa. Sản lượng mật năm 2020 là 155 tấn. Với giá thị trường, tính rẻ cũng hơn 200 nghìn đồng/lít. Một năm, nguồn lợi từ mật ong thu về đã trên dưới 30 tỷ đồng. Đó là chưa tính nguồn mật vãng lai do những đàn ong du canh đưa lại.

3/Nhớ lại buổi cơ hàn. Mới chừng vài chục năm về trước. Nói đến Sông Mã là nói đến vùng đói nghèo và lạc hậu. Từ thị xã Sơn La, con đường vào Sông Mã chỉ hơn một trăm cây số mà mất cả ngày đường. Thậm chí mất cả tuần nếu lữ hành gặp mùa mưa lũ. Ngày đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng ở Sông Mã bị đẩy cao gấp đến nhiều lần ngoài thị xã. Và những ai là cán bộ trong biên chế Nhà nước được phân công vào Sông Mã, là đã để lại biết bao lo toan cho cả những người thân thiết ở phía sau mình. Những năm sau giải phóng, Sông Mã đồng nghĩa với gian khổ. Đã đành! Sông Mã còn đồng nghĩa với nguy hiểm của dịch bệnh sốt rét kinh niên. Sốt đến vàng da, sốt đến nước giải đỏ mầu máu đỏ… Căn bệnh quái ác ấy, có thể khiến người một đi không có ngày trở lại… Những năm sau giải phóng, một bản làng Sông Mã đã được chọn ưu tiên làm nơi xây dựng trại cách ly chữa bệnh cho người mắc bệnh phong cùi của cả vùng Tây Bắc…

Và còn nhớ lại, mùa xuân năm 1962, thời miền bắc thắt lưng buộc bụng xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì Hưng Yên đã có cuộc di cư lớn chưa từng thấy lên miền ngược. Người như “Nước chảy lên non”. Mấy tháng trời làng quê sôi lên như vạn tổ ong chia đàn. Người xưa nói rút dây động rừng, nhưng đúng hơn động rừng rút dây. Đi đâu, gặp ai cũng nói: “Lên khai hoang Sông Mã”. Khắp nơi ráo riết chuyển đồ, bán nhà. Tài sản nhà nông lớn nhất là ngôi nhà gỗ mà bán như cho. Lên vùng cao! Xa xôi nửa nghìn cây số, đò xe chật chội phải thân rùa cõng nhà đi đâu đã xong. Hành trang trong bị cói, trong đôi quang gánh trên vai. Tài sản nhẹ tênh ngước lên quê mới, với niềm tin sáng chói trong tim. Nhưng quý hóa vô cùng, người dân quê nặng nghĩa không quên mang theo cây giống nhãn lồng Hưng Yên. 50 hộ đợt đầu tình nguyện dứt áo lìa quê bước lên xe là 50 hộ mang theo cây non và hạt giống.

Ai ngờ giống nhãn lồng Hưng Yên đã phủ kín huyện vùng cao. Những ngày này, cây nhãn thành cây chủ lực ghi vào nghị quyết của từng cấp, từng ngành. Với diện tích cây ăn trái lên tới 10.057 ha, riêng nhãn là 7.286 ha. Sản lượng nhãn quả năm 2021 đạt tới 70.186 tấn, chiếm tới 52% sản lượng nhãn cả tỉnh. Sông Mã đã góp phần quan trọng đưa Sơn La lên hàng đầu vùng sản xuất cây ăn trái trong cả nước. Gió lành đưa nhãn lên ngôi trở thành thương hiệu nhãn ngon, mật ong ngọt khiến thị trường trong nước ngỡ ngàng và cả thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu đón nhận.

4/Bây giờ, mọi điều đã khác. Sông Mã như bừng tỉnh sau những ngày dài đắm chìm trong gian khó. Thay bằng cả tuần, chỉ cần quá nửa ngày đường, du khách từ Hà Nội đã có thể có mặt tại huyện lỵ Sông Mã. Nhà nhà đổi mới, lòng người đổi mới. Diện mạo núi rừng cũng đổi thịt thay da. Không ít những gia đình nông dân người Hưng Yên lên khai hoang từ hơn 60 năm về trước và cả người dân các dân tộc ít người có nhà xây, thậm chí có cả ô-tô để hằng năm đặt kế hoạch du lịch đồng bằng. Nguồn lợi thu được từ cây nhãn lồng góp phần quan trọng làm nên điều đó.

Ngọn gió xuân đưa tôi sang hướng hữu ngạn Mã Giang. Cả miệt rừng biên giới giáp bạn Lào cũng ngợp trời hoa nhãn. Vùng phên giậu yên bình trong Tết xuân của đa dân tộc dù Thái, Kinh, Lào hay H’Mông, Sinh Mun ấm êm chung sống. Địa hạt này thuộc Đồn Biên phòng Chiềng Khương anh hùng quản lý. Đồng chí Phó Chính trị viên có gương mặt trắng mịn như hoa Chăm Pa, có cái tên rất Lào là Mùa Lao Thắng-người H’Mông, mời tôi chén rượu xuân Chăm Pa ngâm mật ong hoa nhãn thơm nồng. Đồng chí cho biết, đồn có nhiệm vụ bảo vệ 26,869 km đường biên, tiếp giáp cụm Bản Đán, Xiềng Khùn, tỉnh Hủa Phăn. Trong nội địa, đồn phụ trách hai xã Chiềng Khương và Mường Sai. Không khí xuân vui tươi ngập tràn các bản nội biên, ngoại biên. Bản mường đằm thắm tình hữu nghị Việt-Lào. Tình người biên cương thuận dòng như Nặm Mạ êm trôi.

Những ngày xuân về, cùng với cành đào, cành mơ, cành mận trong nhà, người vùng cao Sông Mã còn sống trong ấm lành hương hoa nhãn trắng. Loài hoa làm đẹp mường, đẹp bản. Đem lại sắc xuân, đem lại giàu có cho mỗi gia đình. Cả huyện vùng cao Sông Mã xuân này ngập tràn nắng nhãn.