Lửa thần trong mắt

Cứ gần Tết, là hình ảnh rước lửa thần lại chập chờn trong tôi. Có phải làng quê nhỏ bé bên bờ sông Đáy gọi tôi trở về hay chính tâm hồn tôi trở về làng trước, trong những giấc mơ lung linh?

Minh họa: Bùi Tiến Tuấn
Minh họa: Bùi Tiến Tuấn

Tôi thèm lắm không khí hối hả thu xếp việc đồng áng và rộn ràng chuẩn bị đón Tết của mỗi nhà trong thôn, nhất là sự háo hức chờ phút chuyển giao năm cũ sang năm mới, bắt đầu từ đình làng.

Đình làng Đức Thụ (Lê Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội) quê tôi thờ hai vị Thành hoàng là hai anh em song sinh Đặng Quang và Đặng Hiển quê ở phủ Chương Đức-Chương Mỹ (Hà Nội ngày nay), là tướng của Vua Đinh Tiên Hoàng. Hai ngài dạy dân trồng dâu nuôi tằm và canh tác hoa màu sau khi đã yên việc quân. Một đêm mưa to gió lớn, cả hai ngài đã về thần. Sáng hôm sau, dân làng ra thăm, mối đã đùn lên thành ngôi mộ lớn! Dân làng thương tiếc, lập ngôi đình bên sông phụng thờ. Nhiều đời vua đã có sắc phong hai ngài làm Thành hoàng làng. Từ khi hai ngài hóa, dân làng có hiện tượng sinh đôi và tử đôi cho đến bây giờ...

Ngày 30 Tết, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một ngọn đuốc. Đêm tất niên, trước kia, các cụ ông và tráng đinh mới được ra đình. Ngày nay, tất cả các cụ cao niên, nam thanh nữ tú, dâu rể... đều tụ hội về đây. Ngôi đình đèn đuốc sáng trưng, hương trầm thơm ngát, hoa thơm, phẩm vật sẵn sàng. Đồng hồ nhích dần từng giây, cảm giác có thể nghe rõ hơi thở của mỗi người. Lần lượt các nghi thức, cuối cùng là hóa chúc văn, bà con quây quần thụ lộc thánh gồm trà, hoa quả, bánh kẹo và rượu nếp quê. Đồng hồ vừa chỉ 0 giờ 0 phút, ba hồi trống và chiêng gióng lên trong những tia lửa pháo ngũ sắc. Hương, vàng mã thờ được đem ra cái đỉnh lớn trước sân và hóa bằng ngọn lửa thiêng do ông từ rước ra từ hậu cung. Tất cả mọi người, tay cầm đuốc, cùng xin lửa tế thần trước sân đình và rước về nhà trong bụi mưa êm ái, thoảng hương hoa... Nhiều cụ cao niên trao ngọn đuốc cho con hay cháu chạy nhanh về nhà. Còn cha tôi, một nhà nho thì lại có cách nghĩ riêng. Người tự rước lửa về nhà bằng những bước chân thành kính, vững chãi. Người quan niệm, phúc lộc đến từ tâm.

Khi xưa, chưa có điện, chúng tôi thường leo lên cây cao và nhìn ra chung quanh làng. Những ngọn đuốc từ sân đình tản đi bốn phía, tạo nên những đám rước lửa bập bùng xuyên qua những rặng cây sẫm mầu, những bãi dâu ngô mơ màng, giữa thoang thoảng hoa đồng nội, về tận xóm bãi ven sông. Cả đất trời bỗng dưng mới lên, ấm áp, rạo rực, non tơ mà sung mãn tràn trề... Lửa về mỗi nhà lại được thắp lên những cây đèn thờ đợi sẵn trên bàn lễ vật cúng trời đất đặt giữa sân và bàn thờ tổ tiên. Hương trầm đen ngát giây phút ấy tỏa hương. Trái tim tôi như nghẹn lại trong lồng ngực nhỏ. Khi đèn nhang được dâng lên trời đất, mẹ sai anh tôi quảy đôi thùng ra giếng làng, gánh gánh nước đầu tiên của năm mới, mang tài lộc về nhà. Còn lũ chúng tôi thì xem bà nội đảo một chảo cát trên bếp lửa và lẩm nhẩm đọc một bài ca xua đuổi những điều không tốt, để đón về điều may lành và rồi sung sướng xem cha tôi cúng trời đất, tổ tiên, đợi thụ lộc thánh…

Đã nửa thế kỷ qua rồi mà hương vị miếng oản lộc đình đêm Giao thừa còn tươi mới trong tôi. Đó là oản nếp ngon nhất mà tôi được thụ hưởng. Nó vừa dẻo dền, thơm bùi, ngọt lành và còn một vị riêng nữa mà tôi chưa tìm được từ ngữ để diễn tả… Giờ, nghĩ lại thôi đã thấy sung sướng! Ngọn đèn được thắp từ lửa thần sáng trong mỗi nhà qua ngày 13 tháng Giêng, là húy nhật của hai vị Thành hoàng…

Ngày tôi còn nhỏ, nhà bận nhiều việc nên chỉ cha tôi và anh cả được ra đình thôi. Tôi còn nhớ rất rõ, Giao thừa năm ấy, tôi chạy ra cổng đón cha. Gương mặt người rạng ngời khi mang đuốc lửa về tới cổng. Người ngước nhìn trời, xòe bàn tay hứng vài giọt xuân lất phất và nói: “Năm nay sẽ thắng lợi con ạ”! Cũng giây phút ấy, tôi nhìn thấy hình ảnh ngọn lửa thần trong mắt cha...

Ngọn lửa lung linh trong mắt cha ngày ấy luôn sưởi ấm tôi trong những giá buốt, dìu dắt tôi tránh khỏi nhiều vấp ngã, soi cho tôi nhìn thấu và hướng về nơi cái đẹp, cái thiện lương…