Gìn giữ ký ức về Bác Hồ trên đất Thailand

Năm 2002, được sự đồng ý và tạo điều kiện của chính quyền tỉnh Udon Thani, cộng đồng người Việt ở Thailand đã đóng góp tiền của, công sức, khởi công xây dựng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Noọng Ổn, nơi Bác Hồ đã từng sinh sống và hoạt động cách mạng trong những năm 1928-1929.

Diễn viên Mạnh Trường đóng vai Bác Hồ trong phim “Thầu Chín ở Xiêm”.
Diễn viên Mạnh Trường đóng vai Bác Hồ trong phim “Thầu Chín ở Xiêm”.

Nằm cách trung tâm tỉnh Udon Thani khoảng 14 km, khu di tích bao gồm công trình phục dựng Trại Cưa, nơi Bác Hồ dừng chân chọn làm nơi ở và hoạt động, và một khu nhà đa năng. Đến nay, Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với cộng đồng kiều bào ở Thailand cũng như những người Thái yêu quý, muốn tìm hiểu về Bác.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Thailand, mỗi năm, trung bình mỗi tháng có tới 2.000 du khách tới thăm viếng khu di tích. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, khu di tích thường xuyên được tôn tạo, nâng cấp và luôn nhận được sự chăm sóc của bà con Việt kiều và chính quyền địa phương. Đặc biệt, không thể không nhắc tới những nỗ lực của các thành viên Ban Quản lý khu di tích, những người đã đồng hành với khu di tích thời gian qua.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Tuyết Thế, Phó Trưởng Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, bà đã tham gia vào đoàn xây dựng khu di tích từ năm 2002. Cho đến bây giờ, bà vẫn còn nhớ những khó khăn, trắc trở lúc ban đầu. Bà kể: “Không phải người dân Thái nào cũng biết mình, hiểu mình hay biết tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên nhiều người cũng gây khó khăn, áp lực. Tuy nhiên, anh em chúng tôi vẫn luôn cố gắng đối xử tốt, cư xử có chừng mực với người dân bản địa, đồng thời cho họ thấy tấm chân tình của người Việt Nam. Nhờ vậy tới nay, người dân địa phương đều rất yêu mến và luôn có ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ khu di tích của Bác Hồ”.

Bên cạnh đó, để có thêm kinh phí xây dựng, ban quản lý cũng phải kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng kiều bào. Bà Thế xúc động hồi tưởng lại: “Tôi nhớ có những bà cụ khi nghe thấy vận động quyên góp xây dựng khu di tích Bác Hồ, đã nhịn ăn, nhịn tiêu, chắt bóp từng đồng tiết kiệm để đóng góp. Đó là hình ảnh mà cả đời này tôi không bao giờ quên”.

Cả sau khi Khu di tích Hồ Chí Minh ở Udon Thani chính thức làm lễ khánh thành vào năm 2011, công việc của các bác, các cô trong Ban Quản lý khu di tích vẫn chưa thể nhẹ bớt. Do số tiền quyên góp không đủ để hoàn thiện toàn bộ khu di tích, nên cứ kiếm được đồng nào là các thành viên Ban Quản lý lại gom góp rồi bổ sung thêm từng hạng mục như cửa, cổng… Số tiền thu được hằng tháng hầu như không đủ để chi trả cho các khoản duy tu, vận hành và tôn tạo khu di tích. Thế là mọi người lại phải đi vận động, hoặc bỏ tiền túi ra để bù đắp cho khoản thiếu hụt. Trong khi đó, toàn bộ thành viên của Ban Quản lý đều làm việc trên tinh thần tự nguyện, không hưởng lương.

Dù vất vả, nhưng bù lại tình cảm của những đoàn khách đến thăm khu di tích là một nguồn động viên rất lớn đối với các thành viên Ban Quản lý. Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh xúc động kể cho chúng tôi về kỷ niệm khi đón tiếp một đoàn cựu chiến binh từ Việt Nam khoảng 5-6 năm về trước. Đó là lần đầu các bác trong Ban Quản lý được gặp những người lính Cụ Hồ bằng xương, bằng thịt. Được chứng kiến hàng trăm con người với đầy đủ các cấp bậc tổ chức nghi lễ quân đội, cùng hát lên những bài hát về quân đội để dâng lên Bác, các bác, các cô hết sức xúc động và tự hào. Bà nói: “Kể từ khi mở cửa, khu di tích được vinh dự đón nhiều đoàn cấp cao, nhưng hình ảnh trang nghiêm, hào hùng của đoàn cựu chiến binh ấy luôn để lại một ấn tượng mạnh và đọng lại sâu sắc trong tâm trí chúng tôi”.

Dù đều đã có tuổi, công tác lâu năm, nhưng trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, tất cả các thành viên Ban Quản lý vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, thể hiện tình yêu vô bờ bến với Bác Hồ cũng như đối với công việc gìn giữ ký ức về Bác. Bà Oanh cho biết: “Bên cạnh những khó khăn, chúng tôi cũng có rất nhiều thuận lợi, đặc biệt là ở một tinh thần yêu nước, luôn hướng về Tổ quốc và luôn luôn thể hiện lòng thành kính đối với Bác Hồ kính yêu”.

Chỉ có một điều mà hiện nay các bác, các cô trong Ban Quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Udon Thani vẫn luôn trăn trở. Đó là việc bồi dưỡng thế hệ kế cận. Cùng gắn bó với khu di tích từ hơn 10 năm nay, hầu hết các bác, các cô đều đã có tuổi, sức khỏe giảm sút. Thế nhưng, việc tìm kiếm người thay thế lại rất khó khăn. Bà Thế tâm sự: “Chúng tôi đã hướng đến những người ở độ tuổi 40-50, tuy nhiên họ vẫn trong độ tuổi xây dựng cuộc sống nên rất khó để dành nhiều thời gian cho khu di tích. Người ở độ tuổi 60 trở lên thì có thể giúp được, tuy vậy những người này còn hạn chế về tiếng Việt. Do vậy, vẫn không có nhiều người có thể đáp ứng yêu cầu. Đây là nỗi lo lớn đối với Ban Quản lý chúng tôi”.