Ăn tết ở Co Mạ

Khi những nương lúa, ruộng ngô đã được thu hoạch và phơi phóng tươm tất, những cây đào sườn đồi Mộc Châu, Vân Hồ đơm nụ khoe sắc, cũng là thời điểm người H’Mông các bản làng vùng cao Tây Bắc đón Tết cổ truyền.

Lễ hội Rừng Thông bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu. Ảnh: Đức Tuấn
Lễ hội Rừng Thông bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu. Ảnh: Đức Tuấn

Năm đó, mới lên thường trú tỉnh Sơn La được hơn ba tháng, tôi theo đoàn cán bộ liên ngành của tỉnh đi chúc Tết đồng bào H’Mông vùng cao biên giới. Đi chúc Tết, nhưng công việc chính là vận động bà con phá bỏ cây thuốc phiện để chuyển sang cây trồng khác. Đoàn đến xã Co Mạ, huyện Thuận Châu-một “điểm nóng” trồng cây thuốc phiện lúc bấy giờ.

Sau khi ăn sáng ở Huyện ủy, theo hướng dẫn của một cán bộ huyện, xe chạy được chừng 15 km thì dừng lại vì từ đây vào Co Mạ không còn đường ô-tô. Bác Đinh Chen, Đại tá, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Công an, là trưởng đoàn, động viên tôi: “Nhà báo mới lên chưa quen, từ đây vào xã phải lội bộ khoảng bốn tiếng đồng hồ, cố gắng nhé!”. Mỗi người dùng một gậy tre hỗ trợ, tầm hơn 3 giờ chiều, chúng tôi có mặt ở trung tâm xã, chân cẳng mỏi nhừ, quần áo sũng mồ hôi.

Hôm sau là 30 tháng 11 âm lịch, theo lệ là ngày tất niên năm cũ của người H’Mông (bà con đón Tết cổ truyền trước Tết Âm lịch của người miền xuôi một tháng). Tôi ở cùng bác Đinh Chen trong nhà của Chủ tịch xã họ Thào. Sau bữa cơm tối, bên bếp lửa hồng, chủ nhà Thào A Dũng thủng thẳng: Người H’Mông mình, cứ vào dịp cuối tháng 11 sau khi đã thu hoạch, phơi khô lúa, ngô thì tổ chức ăn Tết. Ở đây mấy hôm, cán bộ sẽ được chứng kiến cảnh bà con vui Tết đón xuân thế nào mà. Bất kể nhà to hay nhỏ, giàu hay nghèo với người H’Mông vùng cao, ngày 30 Tết, các gia đình đều đồ xôi, làm bánh dày (Pé Plẩu).

Người H’Mông quan niệm, bánh dày không chỉ tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và mọi sự vật trong vũ trụ, mà còn thể hiện tình yêu thủy chung son sắt của các chàng trai, cô gái người H’Mông. Để làm loại bánh này, trước đó năm, bảy ngày, đồng bào tìm các thân cây gỗ làm cối giã bánh; gỗ làm cối hay chày giã phải chắc, thớ mịn, có mùi thơm và được khoét rỗng dài chừng 80-100 cm. Tôi đã được xem hai con trai của Thào A Dũng giã bánh dày trong nửa tiếng đồng hồ, xôi giã càng kỹ, bánh càng dẻo ngon và để được lâu.

Khi giã xong, người phụ nữ nặn bánh dẹt hình tròn để trong các mảnh lá chuối sạch được hơ qua lửa; bánh được sắp cạnh gà và thịt lợn để cúng tổ tiên. Trước khi ăn, bánh dày thường được nướng trên bếp than hồng, tỏa mùi thơm và thêm phần hấp dẫn. Ngày Tết có thể thiếu thịt lợn, rau quả, nhưng nhất thiết phải có vài đĩa bánh dày, bởi đây là phẩm vật để thờ cúng tổ tiên và mời khách đến chơi nhà.

Chiều cuối năm ấy, sau khi đã sửa soạn ban thờ, khi trời sẩm tối, ông Thào A Dũng đem cày, cuốc, rìu, rựa… rửa sạch và lau khô rồi dán lên mỗi dụng cụ một mảnh giấy hình chữ nhật (có đuôi hình răng cưa), xếp ngay ngắn cạnh bàn thờ. Thấy tôi ngạc nhiên, chủ nhà giải thích, trong suy nghĩ của người H’Mông, các công cụ sản xuất cũng có linh hồn. Quanh năm nó đã vất vả giúp người làm nên nương lúa, đồi ngô thì mấy ngày Tết cũng phải được “nghỉ ngơi” dưỡng sức chứ.

Suốt gần một tuần, tôi được hòa vào không khí vui xuân, đón Tết. Các bữa ăn trong ba ngày Tết nhiều thịt, hiếm rau nhưng rất sẵn rượu ngô. Trên các bãi đất rộng, bà con chơi ném pao, kéo co, thổi khèn, đẩy gậy, ném còn… Nếu kéo co và đẩy gậy thể hiện cho sức khỏe dẻo dai của các nam thanh, nữ tú thì ném pao lại thể hiện sự khéo léo của người con gái H’Mông. Cuộc chơi chia làm hai phe, một bên nam và một bên nữ (không cùng dòng họ) đứng cách nhau 5-7 m. Vừa ném pao, các chàng trai, cô gái trao cho nhau những ánh mắt, nụ cười. Và khi đã “ưng cái bụng”, phải lòng nhau thì họ chuyền và bắt pao không biết chán…