Văn nhân quốc tế hướng về Việt Nam

Đã có một năm 2021 mà nhiều nhà thơ, biên tập viên, nhà xuất bản nước ngoài chủ động kết nối với phía Việt Nam để trao đổi, xuất bản tác phẩm. Việc giao lưu trực tiếp càng bị hạn chế thì nhu cầu giao lưu bằng tác phẩm, bằng các tọa đàm trực tuyến càng tăng lên. Điều đáng ngạc nhiên, là nhiều bạn văn quốc tế cũng khao khát được giới thiệu tác phẩm của mình tới độc giả Việt Nam.

Giới thiệu tác phẩm trở nên cái cớ, để các tác giả biết đến nhau sâu hơn, kết nối được với nhau và trở thành bạn hữu. Có những tình bạn mới, nảy nở trong năm qua giữa các nhà thơ, nhà văn Việt Nam với đồng nghiệp nước ngoài, qua một lần trao đổi tác phẩm. Họ không chỉ trao đổi tác phẩm, mà còn cả kinh nghiệm sống, những món quà văn hóa, chia sẻ vui buồn, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết để quảng bá tác phẩm cho nhau trên những nền tảng thông tin đa dạng. Có những chủ bút, biên tập viên sẵn sàng dành các trang tạp chí cố định hàng số để đăng tác phẩm thơ văn Việt Nam như nhà thơ, dịch giả, biên tập viên Andrea H Hedes (Romania), Alexandre Konstantinovic Kabishev (Nga), Shersod Artikov (Uzbekistan), Emanuela Rizzo (Ý), Annette Nasser (Mỹ), Nirbhay Devyansh (Ấn Độ)…

Vậy, động lực nào đã khiến các tác giả, các biên tập viên và chủ bút nước ngoài mong muốn giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả nước mình? Cùng tìm hiểu điều đó qua chia sẻ dưới đây của ba người trong số họ.

Alexander Konstantin Kabishev-Nhà thơ Nga, chủ bút tờ Humanity và nền tảng Demo Gog (cộng đồng những nhà hoạt động văn hóa toàn cầu):

“Một tương lai của nền văn học chung còn tiềm ẩn”

Nếu như bạn hỏi tôi rằng: “Anh biết những gì về Việt Nam?”, thì câu trả lời của tôi sẽ là: Cho dù Việt Nam là một đất nước cách nước Nga khá xa, nhưng chúng ta lại khá gần gũi nhau trong những giá trị về tinh thần và văn hóa. Tôi còn biết Việt Nam có sự ấm áp về khí hậu và tình cảm con người. Tôi còn biết gì về Việt Nam nữa ư? Đó là đất nước của những con người tốt bụng và thân thiện, rất nhiều người trong số người tôi biết, khiến tôi cảm thấy vô cùng thoải mái coi họ là bạn thân. Người Việt chính là biển tài năng và dòng suối trong trẻo của tư tưởng nhân đạo hiện đại. Và tôi còn biết rằng, Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của những người Nga. Một đất nước nơi mà bạn luôn được hiểu và hỗ trợ tận tình như ruột thịt với nhau, những ý tưởng và bản thảo của bạn luôn được trân trọng và chú ý sâu sắc.

Văn nhân quốc tế hướng về Việt Nam -0

Còn về tương lai chung giữa Việt Nam và Nga thì sao? Sẽ có những dự án sáng tạo chung, kết nối văn học hai nước và con người, thúc đẩy nhau phát triển để đạt được những thành tựu mới. Tôi mong các đồng nghiệp Việt Nam tin tưởng ở tôi, vì ngay bây giờ tôi đang triển khai dự án “BÌNH MINH”, với mục đích kết nối 50 tác giả từ hai nước trong một cuốn sách và dự án “SIÊU THƠ” với mục tiêu ghi kỷ lục Guiness thế giới cho lĩnh vực thơ. Trong những dự án này, số lượng tác giả Việt Nam tham gia không thua kém so tác giả Nga và sự hỗ trợ của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ thúc đẩy tính nhân đạo vận hành cùng cuộc sống. Và tôi chắc chắn rằng, một tương lai của nền văn học chung còn tiềm ẩn trong sự hợp tác văn hóa sáng tạo giữa nhà văn hai nước Việt Nam và Nga.

Nirbhay Devyansh-Nhà thơ Ấn Độ, Biên tập viên tạp chí văn học The Light:

“Mong muốn được là một phần của văn học Việt Nam”

Văn nhân quốc tế hướng về Việt Nam -0

Đối với tôi, hai tiếng Việt Nam chính là tâm hồn của sự chiến đấu vì hòa bình, tình yêu và tương lai tốt đẹp cho loài người. Nếu như không có lòng dũng cảm, thì làm sao nhân dân Việt Nam có thể giành độc lập và tự tin đứng lên xây dựng một đất nước tươi đẹp như vậy. Điều kỳ diệu đó đã xảy ra là do người dân Việt Nam dâng hiến tình yêu lớn của mình cho quê hương, như những người mẹ dồn tình yêu cho con của mình. Bất cứ ai tin tưởng vào niềm đam mê của con người, thì đều dành tình yêu thành thực của mình cho đất nước Việt Nam. Và với tình cảm đó, thì không ai có thể phủ nhận bản lĩnh của văn học, nghệ thuật Việt Nam. Bất cứ một bước đi nào cũng cần đam mê, bất cứ một hành động nào cũng cần tình yêu. Mọi việc làm đều cần đến cảm xúc, như văn học cần đến ngôn ngữ và tình cảm. Văn học Việt Nam cho chúng tôi nguồn sống, tâm thế lạc quan, tiến bộ trong những tình huống đen tối. Những nhà văn Việt Nam đều rất mạnh mẽ, thực tế trong tư tưởng sống và phấn đấu, làm việc, điều mà khó tìm thấy ở các đất nước khác. Chúng tôi vô cùng mong muốn được là một phần của văn học Việt Nam.

Sherzod Artikov-Nhà văn Uzbekistan, Biên tập viên tạp chí văn học Sindh Courier, tạp chí văn học điện tử Edebi.net:

“Vẻ đẹp thơ Việt Nam thật sự có hấp lực mạnh”

Tôi luôn bị văn học phương Đông cuốn hút. Thí dụ, những bài thơ haiku xuất sắc được các nhà thơ cổ điển Nhật Bản như Matsuo Basho và Yosa Buson sáng tác rất hấp dẫn đối với tôi. Những bài thơ của nhà thơ Trung Quốc Đỗ Phủ cũng vậy, khiến tôi cảm động. Cho dù tôi là một người hâm mộ của thơ phương Tây, nhưng tôi thấy thơ phương Đông rất hấp dẫn và cuốn hút. Nhất là trong thời gian gần đây, vẻ đẹp thơ Việt Nam thật sự có hấp lực mạnh và quyến rũ tôi. Do đó, tôi bắt đầu đọc và dịch thơ của các nhà thơ đương đại đến từ đất nước Rồng đỏ này.

Văn nhân quốc tế hướng về Việt Nam -0

Cho đến nay, tôi đã dịch và giới thiệu 15 nhà thơ Việt Nam trên các tạp chí văn học Uzbekistan và Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi, những tác giả hiện đại Uzbekistan đã bắt đầu hợp tác với các tác giả Việt Nam. Sự hợp tác giữa hai bên mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm và ấn tượng mới, cũng như những cơ hội để tâm hồn chúng tôi được cất lên tiếng nói về quê hương, học hỏi những nền văn hóa khác, mở rộng những chân trời, thưởng thức những hương sắc nước ngoài và kết nối với tác giả Việt Nam chặt chẽ hơn. Đó chắc chắn là một tài sản trí tuệ khổng lồ. Tôi mong muốn duy trì và phát triển mối quan hệ với các tác giả Việt Nam lên một tầm cao mới. Trong sự hợp tác ấy, chúng tôi sẽ xuất bản sách, các hợp tuyển văn học của hai nước.