Bước đầu xác lập một thị trường chuyên nghiệp

"Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030" đã được Chính phủ ban hành từ năm 2016, trong đó, trọng trách mũi nhọn được đặt lên vai công nghiệp điện ảnh vô cùng non trẻ. Có thể nói, ngành nghệ thuật thứ bảy - với những ưu thế mang tính toàn cầu vượt trội luôn được kỳ vọng sẽ trở thành điểm tựa vững chắc giúp xác lập và định vị "sức mạnh mềm" cho công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong tương lai gần.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (đạo diễn Hà Lệ Diễm) gặt hái nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế.
Bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (đạo diễn Hà Lệ Diễm) gặt hái nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Một thị trường điện ảnh vận hành đúng quy luật

Những bước đi mạnh dạn ban đầu trong toàn bộ các khâu sáng tác, sản xuất, phát hành và phổ biến phim thời gian gần đây đã góp phần tạo nên một thị trường điện ảnh đầy sức trẻ, với tốc độ tăng trưởng khả quan. Hơn một thập niên qua, điện ảnh có thể coi là thị trường lớn mạnh nhất so với các ngành nghệ thuật khác, với mức doanh thu phòng vé tăng trung bình 20%-25%/năm và thậm chí còn được xếp vào nhóm thị trường phát triển nóng trên thế giới. Theo con số mà CJ CGV Việt Nam cung cấp, nếu tổng doanh thu toàn thị trường đạt 302 tỷ đồng (khoảng 13 triệu USD) vào năm 2009 thì tròn 10 năm sau, kết quả thu được đã tăng 13,5 lần, lên mức 4.064 tỷ đồng (hơn 176 triệu USD). Nếu năm 2009, Việt Nam chỉ ít ỏi với 87 phòng chiếu phim thương mại thì 10 năm sau đó, chúng ta có tới 1.063 phòng chiếu tại 204 cụm rạp.

Tiếc rằng, một thị trường điện ảnh phát triển bền vững là điều mà chúng ta vẫn chưa đạt được, khi hơn 90% số rạp chiếu đang thuộc về các doanh nghiệp tư nhân. Bởi phim nhập khẩu chiếm tới hơn 70% doanh thu khiến phim Việt ra rạp luôn chịu cảnh lép vế trước những đối thủ nặng ký, cả về số lượng (khoảng 40-50 phim nội đối đầu với trên dưới 200 phim ngoại nhập) lẫn mức độ đầu tư kinh phí. Bởi thực trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn tồn tại, khi công ty nước ngoài sở hữu số lượng rạp lớn có biểu hiện thống lĩnh thị trường, chèn ép, áp đặt tỷ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim khiến các đơn vị sản xuất và phát hành phim Việt chịu nhiều rủi ro, thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản.

Rất may, quy luật cạnh tranh và đào thải có phần nghiệt ngã của thị trường, ở mặt tích cực lại trở thành động lực buộc đội ngũ làm phim trong nước phải nhanh chóng thay đổi tư duy làm nghề. Họ vẫn đều đặn ra mắt vài chục đầu phim mỗi năm, như một nỗ lực vượt khó để gượng dậy sau "cơn sóng thần Covid-19". Phong phú thể tài, đa dạng sắc mầu, sáng tạo trong ngôn ngữ kể chuyện, mỗi bộ phim ra mắt chuyên chở một mong ước lớn lao, được công chúng - người tiêu dùng đánh giá đạt chất lượng cao, được thị trường nhiệt tình đón nhận. Một số phim Việt đã có màn "so găng" sòng phẳng với phim ngoại, thậm chí đủ sức khiến đối thủ "lấm lưng, trắng bụng" khi phát hành cùng thời điểm. Như những hiện tượng Nhà bà Nữ, Bố già và Lật mặt 6 của hai năm 2022-2023, với vài trăm tỷ đồng doanh thu phòng vé và lần lượt nắm giữ những vị trí tốp đầu trong danh sách phim thành công nhất về mặt thương mại từ trước tới nay. Dĩ nhiên, lượng phim "chết yểu" vì doanh thu èo uột, số nhà đầu tư âm thầm biến mất khỏi thị trường phim ảnh chỉ sau một hoặc vài sản phẩm yếu kém là không ít nhưng nó cho thấy thị trường đang được vận hành đúng cách, hợp với quy luật. Và chỉ có những sản phẩm đạt chất lượng cao, do những nhân lực giỏi nghề tạo ra mới có chỗ đứng.

Ðịnh hình một thế hệ làm phim trẻ giàu tiềm năng

Vài ba năm trở lại đây, những cái tên lạ lẫm liên tiếp được xướng lên tại các lễ trao giải liên hoan phim quốc tế hàng đầu thế giới, với những phim ngắn đoạt giải cao và những dự án phim dài giành được nguồn hỗ trợ tài chính quý giá để có thể hiện thực hóa. Liếc qua danh sách 15 tựa phim nổi bật đã từng chinh chiến nhiều liên hoan điện ảnh quốc tế và gặt hái thành công rực rỡ trong gần một thập niên qua mà Cục Điện ảnh cung cấp, có tới phân nửa là những gương mặt trẻ như Trần Thanh Huy, Vũ Minh Nghĩa, Phạm Hoàng Minh Thy, Hà Lệ Diễm, Phạm Thiên Ân, Bùi Kim Quy, Leon Lê… Được phát hiện từ những khóa đào tạo chuyên sâu ngắn hạn rất hiệu quả (như Gặp gỡ mùa thu, Hà Nội mùa xuân, Phim ngắn CJ) hay trưởng thành từ những sân chơi dành riêng cho phim ngắn (như Tiệc phim trực tuyến YxineFF, giải Ong vàng cho sinh viên, giải Cánh diều cho phim ngắn của Hội Điện ảnh Việt Nam hay mới nhất là giải Phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh), những người trẻ mê phim đã lặng thầm sáng tạo để đưa những đứa con tinh thần vươn mình ra ngoài biên giới. Giỏi ngoại ngữ và nắm chắc công nghệ, thành thạo kỹ thuật và làm chủ máy móc hiện đại, phần lớn trong số họ được học hành bài bản trong những cái nôi đào tạo hàng đầu cho nên thế hệ người làm phim hôm nay đều có thể thoải mái hòa nhập vào dòng chảy toàn cầu.

Nhờ làn gió mát lành này, thị trường điện ảnh trong nước đã có thêm một gam mầu lạ. Khi dòng phim Nhà nước đặt hàng gần như biến mất, khi dòng phim giải trí (rom - com, kinh dị, hài nhảm...) dần đi vào lối mòn nhàm chán, những bộ phim tâm huyết, chỉn chu và đậm đặc dấu ấn cá nhân nghệ sĩ như Thưa mẹ con đi, Ròm, Những đứa trẻ trong sương, Bên trong vỏ kén vàng, Song Lang mang lại một món ăn tinh thần mới mẻ đầy hấp dẫn. Và khi những nhà làm phim độc lập đã quần tụ và tạo thành một làn sóng mới, việc họ trở thành lực lượng sáng tác chủ chốt của điện ảnh nước nhà trong tương lai, bên cạnh những tên tuổi đã định hình nhưng vẫn còn rất sung sức sáng tạo như Bùi Thạc Chuyên, Lương Đình Dũng, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng... là hoàn toàn có cơ sở.

Không chỉ gói gọn trong lĩnh vực đạo diễn, những nhân lực trẻ kỹ thuật cao cũng mang lại những điểm sáng rất đáng tự hào khi vươn mình ra ngoài biên giới. Tên tuổi những chuyên gia kỹ xảo - "phù thủy VFX" (Visual Effects) người Việt xuất hiện dày đặc trong thành phần sáng tạo nhiều bộ phim bom tấn Hollywood hay những serie truyền hình đình đám của Netflix, trong một hoặc nhiều công đoạn thực hiện kỹ xảo điện ảnh đã khiến công chúng yêu phim ảnh nức lòng. Đã qua rồi cái thời cứ cần kỹ xảo là phải ôm phim ra nước ngoài làm hậu kỳ với giá cả trên trời. Giờ thì bất luận nhà sản xuất muốn hướng tới thể loại hoặc hình tượng nhân vật gì, các chuyên gia kỹ xảo trong nước đều có thể sẵn sàng đáp ứng tối đa, với chi phí khá "dễ thở". Cũng cần kể tới hiệu ứng lan tỏa không biên giới của chú sói nhỏ Wolfoo, khi các kênh YouTube phát sóng loạt phim hàng nghìn tập này đã nhận tới ba nút kim cương và tám nút vàng, được dịch ra 10 thứ tiếng và thu hút hơn 2 tỷ lượt xem hằng tháng. Chú sói con láu lỉnh đáng yêu của thương hiệu SConnect đã chinh phục hàng triệu em nhỏ trên khắp thế giới và mang lại niềm tin vững chắc, về những sản phẩm hoạt hình Việt Nam hấp dẫn mang giá trị toàn cầu trong tương lai.

Bắc những nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) đã đi qua sáu kỳ tổ chức, sau màn chào sân đầy ấn tượng của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) vào tháng 5/2023 vừa rồi, công chúng yêu điện ảnh lại đón thêm một tin vui - Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) sẽ lần đầu hiện diện vào tháng 4/2024. Không chỉ góp phần xây dựng và định vị thương hiệu điểm đến cho các thành phố chủ nhà, những ngày hội điện ảnh rực rỡ sắc mầu văn hóa năm châu này được kỳ vọng sẽ mở ra những cánh cửa giao lưu và tăng cường hội nhập quốc tế cho điện ảnh nước nhà.

Hoạt động hợp tác và cung cấp dịch vụ sản xuất phim với nước ngoài đã có được hành lang pháp lý thông thoáng, với những thủ tục hành chính được ông Dean Garfiled - Phó Chủ tịch toàn cầu phụ trách chính sách công và quan hệ chính phủ của Netflix, khẳng định, "chưa bao giờ thuận lợi và nhanh chóng như vậy". Đây là lĩnh vực vô cùng quan trọng để thúc đẩy công nghiệp điện ảnh phát triển, giúp nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh cũng như các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu lớn cho đất nước đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam và thúc đẩy hoạt động du lịch. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, đã có 256 dự án hợp tác giữa Việt Nam và nước ngoài được triển khai trong 10 năm, từ năm 2013 đến 2023 (cao nhất là năm 2020 với 30 dự án).

Cũng còn đôi chút băn khoăn, khi hoạt động thiết lập thị trường điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài còn rất mờ nhạt. Một số sản phẩm được bán cho đối tác phát hành nước ngoài, chiếu tại số rạp hạn chế, trên truyền hình hoặc các nền tảng số đều hầu hết do các hãng phim tư nhân sản xuất, phim do Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ hầu như vắng bóng. Hầu hết phim có thể "xuất ngoại" đều trông cậy vào sự xoay xở tự thân một cách nhỏ lẻ và đơn độc của các đơn vị tư nhân, bởi thế, hình ảnh đất nước và người Việt Nam mà bè bạn quốc tế có thể tiếp cận còn khá nghèo nàn, phiến diện.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 được tổ chức tại Đà Lạt (Lâm Đồng) những ngày cuối tháng 11/2023 này là cơ hội lý tưởng để nhìn lại bức tranh toàn cảnh của điện ảnh nước nhà. Dù vẫn còn những bất cập cùng khó khăn, có thể vui mừng nhận ra, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đã manh nha định hình và bước đầu tạo dựng một diện mạo trẻ trung, năng động.