Philippines nỗ lực chống tham nhũng

Bà Imelda Marcos (trong ảnh), cựu đệ nhất phu nhân Philippines đã bị Tòa án chống tham nhũng đặc biệt của nước này ra lệnh bắt giữ vì các tội danh liên quan tham nhũng trong suốt hai thập kỷ tại nhiệm của chồng bà, cố Tổng thống Ferdinand Marcos. Lệnh bắt giữ này đã cho thấy những quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ Philippines sau một số vụ việc tương tự gần đây.

Ảnh: EPA
Ảnh: EPA

Ngày 9-11, Tòa án chống tham nhũng đặc biệt Sandiganbayan của Philippines ra lệnh bắt giữ cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos sau khi phán quyết bà phạm bảy tội danh liên quan tham nhũng trong hai thập kỷ tại nhiệm của chồng bà. Trước đó, bà Marcos bị cáo buộc gửi bất hợp pháp khoảng 200 triệu USD tới các ngân hàng Thụy Sĩ vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi bà đang giữ chức Thống đốc Manila. Với mỗi tội danh, Tòa án Sandiganbayan phán quyết các mức án dành cho bà Marcos từ 6 - 11 năm tù giam. Tổng hợp bảy tội danh, bà Marcos đối mặt mức án cao nhất lên tới 42 năm tù giam.

Theo The Strait Times, cựu đệ nhất phu nhân Marcos đã không tham dự phiên điều trần hôm 9-11 và cũng không có bất cứ đại diện nào của bà xuất hiện trong phiên điều trần này. Tuy nhiên, bà Marcos cho biết, các luật sư của bà đã lên kế hoạch kháng cáo. Theo quy định của Tòa án Sandiganbayan, bà Marcos có 15 ngày kể từ ngày tòa ra phán quyết để đệ đơn kháng cáo, sau đó tòa này có 30 ngày để ra quyết định. Bà Marcos cũng có thể đệ đơn thẳng tới Tòa án Tối cao Philippines. Trong thời gian này, lệnh bắt giữ bà Marcos sẽ không có hiệu lực lập tức. Ngoài ra, bà Marcos có thể nộp tiền bảo lãnh tại ngoại. Trong quá trình kháng cáo, bà Marcos bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong chính quyền, song bà vẫn có thể giữ vai trò là thành viên Hạ viện.

Cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos, 89 tuổi, nổi tiếng với thói quen sử dụng hàng hiệu xa xỉ. Những bộ sưu tập gồm hơn 1.200 đôi giày dép nhãn hiệu đắt tiền cùng trang sức và tác phẩm nghệ thuật của bà từng khiến nhiều người kinh ngạc, đồng thời đặt ra câu hỏi về những khoản tiền bà có để mua những món đồ này. Bà hiện là nghị sĩ Quốc hội Philippines nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Bà cũng vừa đăng ký tham gia tranh cử trong cuộc đua vào ghế Thống đốc tỉnh Ilocos Norte, vốn được coi là “thành trì” của gia đình Marcos, để kế nhiệm con gái bà là Imee Marcos.

Không chỉ bà Marcos, cả gia đình cố Tổng thống Ferdinand Marcos từng bị cáo buộc vơ vét kho bạc của chính phủ giữa khủng hoảng nghèo đói. Ông Ferdinand Marcos, giữ chức Tổng thống Philippines giai đoạn 1965 – 1986. Thời gian này, ông từng ban bố thiết quân luật, cho phép mình độc tài cầm quyền, trong khi gia đình và các đồng minh của ông bị cáo buộc là làm giàu bằng tham nhũng. Ông bị lật đổ trong cuộc nổi dậy do quân đội hậu thuẫn vào năm 1986 và mất năm 1989 khi đang lưu vong ở Hawaii (Mỹ). Trong khi đó, bà Marcos cùng các con trở lại Philippines và hầu hết đều có chức vụ trong chính quyền.

Kể từ khi cố Tổng thống Ferdinand Marcos bị phế truất vào năm 1986, bà Marcos liên tục phải đối mặt hàng chục vụ kiện tham nhũng. Tuy nhiên, bà phủ nhận mọi cáo buộc và kháng cáo thành công nhiều vụ kiện. Bà Marcos còn từng bị kết tội tham nhũng vào năm 1993, nhưng Tòa án Tối cao sau đó tuyên bố bà vô tội. Bà cũng được xử trắng án trong ba vụ kiện khác được đệ đơn vào năm 1991.

The Strait Times cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vốn có mối quan hệ tốt với gia đình Marcos. Tuy nhiên, theo ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, phán quyết vừa qua của Tòa án chống tham nhũng đặc biệt Sandiganbayan là minh chứng về việc Tổng thống đã không can thiệp hay gây áp lực lên tòa án và phán quyết này cần phải được tôn trọng. Tuyên bố mới đây từ người phát ngôn của Tổng thống Philippines đã cho thấy những quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng, thể hiện rõ lập trường “quân pháp bất vị thân” của chính phủ nước này dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.