NDO - Đồng bào dân tộc Khmer miền Tây nam Bộ là một trong những dân tộc lớn, có đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, nơi đang lưu giữ nhiều hiện vật đa dạng, phong phú về văn hóa của người Khmer.
Tên gọi khác: Khơ-me Crôm, Khơ-me Hạ, Khơ-me Dưới, người Việt gốc Miên...
Ngôn ngữ: Người Khơ-me nói tiếng Khơ-me - một ngôn ngữ thuộc nhóm Môn-Khơ-me trong ngữ hệ Nam Á.
Cư trú: Căn cứ vào đặc điểm sinh thái và môi trường tự nhiên, có thể chia sự phân bố của người Khơ-me ở đồng bằng sông Cửu Long theo ba vùng chính như sau: - Vùng nội địa: đây là vùng cư trú lâu đời nhất của người Khơ-me ở đồng bằng sông Cửu Long. - Vùng ven biển: kéo dài từ Trà Vinh, qua Sóc Trăng tới Bạc Liêu. - Vùng núi biên giới Tây Nam: thuộc các tỉnh An Giang và Kiên Giang, nơi có dãy núi Thất Sơn, núi Sập, núi Vọng Thê.
Lịch sử: Nhiều nghiên cứu đã khẳng định người Khơ-me ở nước ta là hậu duệ của các di dân từ Lục Chân Lạp - tiền thân của nhà nước Campuchia ngày nay. Họ di cư sang khu vực này theo nhiều đợt và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng với người Việt và người Hoa, người Khơ-me là một trong những nhóm cư dân có mặt sớm nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.