NDO - Trải qua quá trình phát triển, đồng bào Cơ Tu vẫn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống đặc sắc. Từ nhiều năm nay ở khắp vùng Đông Giang một huyện miền núi hẻo lánh phía tây tỉnh Quảng Nam, quê hương của điệu múa “Tâng tung da dá” huyền bí, vẫn lan truyền về câu chuyện của một người đàn ông đang lưu giữ kho báu của dân tộc Cơ Tu một tộc người bản địa sinh sống lâu đời trên vùng đất này.
Ngôn ngữ: Ngôn ngữ của người Cơ-tu thuộc nhóm Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với tiếng Tà Ôi, Bru-Vân Kiều.
Cư trú: Dân tộc Cơ-tu cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam và một số ít ở hai huyện Nam Đông, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lịch sử: Người Cơ-tu là tộc người cư trú lâu đời ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Cho đến nay, nguồn gốc của người Cơ-tu vẫn chỉ dừng lại ở các giả thiết, nhưng tựu trung, các học giả trong và ngoài nước dựa vào thành tựu kiến trúc, điêu khắc, nền văn hóa và cả nét đẹp hình thể của đồng bào để đoán định rằng người Cơ-tu đã từng có thời gian là chủ nhân của một nền văn hóa cao đã bị suy tàn chứ không phải là một tộc người có trình độ văn minh sơ khai đang phát triển. Tộc người này chưa hình thành những nhóm địa phương mà chỉ có các nhóm được phân biệt theo địa vực cư trú như người vùng cao (Cơ-tu Đriu), người vùng trung (Cơ-tu Cha Lâu) và người vùng thấp (Cơ-tu Nal).