Bài học về lịch sử

NDO -

Dẫu nhịp sống của một đô thị hơn bảy triệu dân luôn cuồn cuộn, Hà Nội vẫn có những góc thanh bình đến bất ngờ. Đó có thể là một con phố cổ, một nẻo phố cũ, một góc vườn hoa... thấm đẫm huyền thoại mà cuộc sống thường nhật cứ cuốn đi, khiến ta chưa kịp nhận ra... Và một lần như thế, trong khi dạo bước qua tuyến phố có khách sạn Metropole sang trọng và lãng mạn, tôi chợt nhận ra trên hàng rào của tòa nhà số 12 Ngô Quyền thi thoảng có những dấu vết kỳ lạ, khiến những thanh sắt trở nên biến dạng. Sau này, một người cao niên ở Hà Nội cho tôi hay: Đó là những vết đạn thực dân bắn vào Bắc Bộ phủ mùa đông năm 1946...

Bắc Bộ phủ ngày khởi nghĩa. Ảnh tư liệu
Bắc Bộ phủ ngày khởi nghĩa. Ảnh tư liệu

Một ngày trong muôn ngày

Đó là những ngày rực lửa. Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (12-1946), nhân dân Thủ đô đã đứng lên cầm súng chiến đấu, kìm chân thực dân Pháp để Trung ương rút an toàn lên chiến khu. Tòa biệt thự là Nhà khách Chính phủ ở 12 Ngô Quyền hôm nay chính là Bắc Bộ phủ của ngày ấy. Đại đội 1, thuộc tiểu đoàn Vệ quốc đoàn 101, do Chính trị viên Lê Gia Định phụ trách bảo vệ khu vực này.

Trong một cuộc chiến không cân sức diễn ra suốt từ tối 19-12 đến ngày 20-12-1946, các chiến sĩ của ta đã rơi vào tình thế chiến đấu đến người cuối cùng. Nhưng Chính trị viên Lê Gia Định ra lệnh tất cả dìu thương binh theo giao thông hào rút về Nhà Bưu điện, chỉ mình anh ở lại chốt giữ. Khi địch tràn vào, Lê Gia Định đã bấm nút phát nổ quả bom được cài sẵn. Chẳng may, bom không nổ. Lê Gia Định đã xông lên giật kíp quả bom diệt giặc và anh dũng hy sinh.

Cái "góc thanh bình" của Hà Nội hôm nay từng là nơi vang lên những khúc ca bi tráng như thế! Những vết đạn như nhắc tôi mỗi lần ngang qua đây chớ vội. Hãy chậm lại để nhớ về những người đi trước, nhớ về người anh hùng, người "Cảm tử quân số 1" nay đã được đặt tên cho con phố cách đó không xa...

Tôi đã nhiều lần đọc "Sống mãi với thủ đô" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Mỗi lần một cảm nhận khác. Khi còn bé, tôi vẫn đinh ninh đó là những trang viết về người thật, việc thật.

Lớn lên chút nữa, tôi biết đó là tiểu thuyết, có thể hư cấu. Sau này khi được gặp những con người từng sống, chiến đấu trong những ngày đêm máu lửa của mùa đông năm 1946; khi biết rằng có những gia đình Hà Nội đóng góp tới năm cảm tử quân, có những người đem cả đồ đạc quý giá ra dựng chiến lũy, có những tiểu thư Hà thành con nhà quyền quý, thoắt nhiên biến thành chiến sĩ cảm tử, có những cậu Vệ út tuổi 13, 14 nhưng sẵn sàng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng..., tôi nhận ra, đây chính là lịch sử, được viết lại dưới cái nhìn văn học.

Nhiều khi tôi tự hỏi: Vì sao người Hà Nội vốn lãng mạn, hào hoa, những người xuất thân từ gia đình quyền thế, những gia đình tư sản giàu có, nhưng lại sẵn sàng đứng trước cờ với lời thề "quyết tử"? Câu nói nổi tiếng của ông vua cuối cùng nhà Nguyễn khi thoái vị trở thành công dân Nguyễn Vĩnh Thụy đã phần nào cho tôi câu trả lời: "Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ".

Bài học về lịch sử ảnh 1

Nhà khách Chính phủ hôm nay. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Những bài học lịch sử

Có sống trong những ngày nô lệ mới hiểu thấu giá trị của độc lập tự do. Lịch sử là những trang nối tiếp, người ta không thể hiểu hết ý nghĩa của trang này nếu không lật lại những trang trước đó. Chỉ hơn một năm trước khi diễn ra trận đánh oanh liệt của người anh hùng Lê Gia Định và đồng đội, tòa nhà Bắc Bộ phủ vẫn được xem như biểu tượng của chế độ thực dân - phong kiến. Người Pháp xây dựng công trình này dùng làm Phủ Thống sứ, rồi sau này là Phủ Khâm sai của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

Thế rồi, buổi sáng 19-8-1945 ấy đã đến. Thế rồi, sau Lễ Độc lập 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển về đây làm việc. Nhiều người trìu mến gọi đó là "nhà của cha Hồ". Đến tháng 11-1946, Bác mới chuyển sang địa điểm bí mật để chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến.

Gần bảy mươi năm trôi qua kể từ khi đất nước giành độc lập, đã mấy thế hệ sinh ra và lớn lên. Thế hệ sinh ra sau chiến tranh như chúng tôi thường mệt nhoài với những bài học lịch sử, mệt nhoài nghe các cụ kể đi kể lại những câu chuyện "ngày xưa". Nhưng có lần, khi nhà trường tổ chức tham quan Bảo tàng Cách mạng, tôi được hướng dẫn viên nói về chiếc máy chém của thực dân Pháp dùng để chém đầu những người yêu nước. Tôi bỗng rùng mình. Sinh mạng con người khi đất nước không có độc lập, tự do mới mong manh làm sao. Tôi bắt đầu có cảm nhận khác về lịch sử.

Rằng lịch sử đã được viết lên bằng sự hy sinh, bằng máu, bằng những số phận, những con người cụ thể...

Đôi khi tôi thoáng buồn khi nghe tin về hàng loạt bài thi lịch sử điểm 0. Hẳn nhiều bạn trẻ cũng "mệt nhoài" vì học sử như tôi trước kia?

Những vết đạn ở Bắc Bộ phủ khiến tôi nhớ về một giai thoại bên cổng thành Cửa Bắc, ấy là khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội cuối thế kỷ 19, họ đã bắn đại bác trúng cổng thành, để lại vết đạn lớn. Một buổi sáng người ta thấy ai đó trát kín vết đạn. Hôm sau, có người lại dỡ ra, vết đạn y như cũ. Một người nào đó tiếp tục lấp kín lỗ thủng trên mặt thành và để lại một tờ giấy viết rằng mình không nỡ nhìn thấy nỗi nhục Hà Nội bị quân giặc chiếm. Một đêm khác trôi qua, vết đạn được "phục hồi" như cũ. Nhân vật bí ẩn nào đó dán một tờ giấy, đại ý rằng đây là vết nhục mất nước, phải nhìn thấy hằng ngày, để nung nấu ý chí rửa nhục.

Thật không khó để đánh giá độ hấp dẫn của những bài học lịch sử hôm nay, với những câu chuyện như thế!