Bài học từ những hình mẫu

Sự phát triển của mỗi một đô thị đều để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong giải quyết bài toán về quy hoạch. Trong đó, bảo vệ được bản sắc, giá trị riêng có và tạo nên sức hấp dẫn về không gian sống, điều kiện sống là mục tiêu được đặt lên hàng đầu trong nỗ lực "tái cấu trúc" ở một số đô thị được coi là hình mẫu thành công của thế giới hiện đại. Nói cách khác, đó là mục tiêu vì con người.
0:00 / 0:00
0:00
Nhật Bản phát triển nhiều tuyến phố đi bộ, cải thiện môi trường không khí.
Nhật Bản phát triển nhiều tuyến phố đi bộ, cải thiện môi trường không khí.

Tạo không gian cho tất cả

Từ thập niên 60, thế kỷ 20, ô-tô trở nên ngày càng phổ biến trong giao thông đô thị. Việc mở đường, đặc biệt là đường cao tốc, để làm tăng lưu lượng giao thông được xem là phương án khả thi. Hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đều từng đi theo hướng này. Các xa lộ, đại lộ, cao tốc hai tầng tạo những vòng xoáy trôn ốc giao thông cực đại, như là hình dung thông thường về các đại đô thị (metropolitan).

Tuy nhiên, người ta cũng nhanh chóng nhận ra những mặt trái của phát triển hạ tầng giao thông quá nhanh, quá lớn là kích thích sự gia tăng nhu cầu sử dụng giao thông cơ giới, dẫn đến hệ quả là đường càng mở nhiều càng tắc và gây ô nhiễm môi trường. Theo kiến trúc sư Jan Gehl, từ đầu thập niên 90, nhiều thành phố lớn từng "lệ thuộc" vào đường cao tốc đã thay đổi quan điểm, chuyển giao thông cao tốc (cho xe cơ giới) dành cho giao thông công cộng (xe điện) và giao thông xanh: xe đạp, đi bộ trong bóng cây xanh. Có thể kể đến các thành phố San Francisco, Portland, Milwaukee (Mỹ) và Seoul (Hàn Quốc). Trước đó, Copenhagen của Đan Mạch đã rất thành công trong việc "tái cấu trúc hệ thống đường phố" theo hướng giảm tuyến đường dành cho xe cơ giới và bãi đậu xe để tạo điều kiện cho giao thông xe đạp, đi bộ. Năm 1962, Copenhagen có phố đi bộ đầu tiên (phố Stroget). Và từ đó đến nay, thành phố này vẫn luôn là hình mẫu của toàn thế giới trong việc quy hoạch và cải tạo giao thông đô thị theo hướng xanh-bền vững: làn đường dành cho xe đạp được thiết kế trên các tuyến phố, thay đổi mục đích bãi đậu xe thành quảng trường công cộng, gia tăng diện tích cho đi bộ và sinh hoạt công cộng lên hàng trăm lần so năm khởi động 1962.

Việc tái định hình đô thị theo hướng mở rộng không gian tiếp cận cho tất cả mọi người đã được chính quyền thành phố Bangkok (Thái Lan) áp dụng trong quy hoạch tổng thể từ năm 1975 với Luật Quy hoạch đô thị. Bangkok được định hình phát triển theo hướng đại đô thị với loạt đô thị vệ tinh. Thành phố đã sớm có các quy hoạch cho giao thông công cộng hiện đại, đa phương tiện phối hợp (tàu hỏa, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao) từ đầu thập niên 90 và cho đến nay, vẫn tiếp tục được bổ sung để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của dân chúng và khách du lịch. Quy hoạch giao thông được xem là điểm nối quan trọng giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, tạo nên tam giác quy hoạch bền vững cho đô thị, góp phần điều hướng hành vi và thói quen tham gia đời sống chung của cư dân, đem tới một đô thị phát triển xanh bền vững.

Bảo vệ các giá trị lịch sử, văn hóa đô thị

Sự gia tăng dân số thường xuyên ở đô thị dẫn đến việc xây dựng mới, cải tạo xây dựng, thay đổi quy hoạch sử dụng đất cho việc xây dựng nhà ở và các công trình dân dụng khác. Đây là bài toán nan giải đặc biệt với các đô thị có nhiều trăm năm tuổi hoặc dày đặc các địa chỉ văn hóa lịch sử truyền thống.

Trong đồ án quy hoạch tổng thể Thủ đô Bangkok năm 2013, "khu vực bảo vệ nghệ thuật và văn hóa Thái" là một trong 10 nhóm quản lý đất của thành phố, cho thấy rõ hơn bao giờ hết tầm nhìn của chính quyền về đặc trưng của đô thị mình, một thành phố có bản sắc văn hóa. Cùng với đó, Bangkok thực hiện nhiều chính sách thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, biến nơi đây và cả đất nước Thái Lan thành điểm đến của du lịch châu Á.

Theo KTS Phó Đức Tùng, các đô thị ở nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung cũng có những quy định hết sức rõ ràng, chi tiết trong quy hoạch xây dựng, bao gồm từ xây dựng mới, cải tạo kiến trúc cũ đến thay đổi hiện trạng cả một khu vực đô thị, kiến tạo đô thị mới. Việc xác định được "chủ sở hữu" của di sản kiến trúc và có định nghĩa rõ ràng về bản sắc của từng khu vực đô thị sẽ cho phép chính quyền sở tại áp dụng các quy định về mức độ cải tạo, xây mới hoặc giữ nguyên hiện trạng để bảo đảm sự "hài hòa" giữa công trình mới và cũ, từ chiều cao, khoảng lùi đến phong cách, vật liệu, mầu sắc...